Việt Nam Thời Báo

VNTB – Làm sao phân biệt đâu là bài báo viết nhằm để chống nhà nước?

Đối kháng

Thới Bình

 

(VNTB) – Nếu các phiên toà xét xử tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, mà không có ‘người giám định’ tham dự thì luật sư không biết tranh tụng với ai…

 

Bộ luật Hình sự 2015 (tu chỉnh 2017), Điều 117 “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định như sau:

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Thắc mắc đầu tiên của không riêng luật sư tham gia vụ án này, mà là cả những người viết báo, rằng thế nào là “nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”?, bởi ở đây rất có thể người viết hiểu rằng một khi ‘chính quyền’ cụ thể nào đó để có những hành xử vì lợi ích nhóm nào đó, mà không phải vì ‘nhân dân’, thì tại sao lại không được quyền viết để lên án ‘chính quyền’ rất cụ thể ấy?

Thắc mắc tiếp theo, căn cứ vào những quy định/ quy ước cụ thể nào để giới hạn hay áp đặt cho rằng ‘xuyên tạc, phỉ báng’?

Dẫn chứng: chắc chắn khi các ông Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… còn tại chức, thì nếu nhà báo nào dám ‘khui’ những cú áp phe chính trị kiểu như tham nhũng quyền lực của những nhân vật này, chắc chắn sẽ bị bỏ tù theo tội danh ở Điều 88 mà sau này thay đổi thứ tự thành Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Nhà báo tự do Lê Anh Hùng đã rất kiên trì tố cáo bằng văn bản theo trình tự hành chính pháp lý, cho đến những bài báo nói về những phi vụ làm ăn đáng ngờ vực với Trung Quốc của cựu Bộ trưởng Hoàng Trung Hải. Thế nhưng đến nay thì có lẽ do ‘củi chưa thể chụm’, nên nhà báo Lê Anh Hùng phải ‘an trú’ ở nhà thương điên.

Thắc mắc kế tiếp, tại sao không đặt nghi vấn về dấu hiệu hinh sự trong một số nội dung ‘livestream’ của bà Nguyễn Phương Hằng đang lùm xùm suốt trên mạng xã hội từ tháng 3-2021 đến nay?

Bởi khi mang so với ông Lê Dũng Vova đang bị khởi tố về tội danh chống Nhà nước theo Điều 117, thì bà Nguyễn Phương Hằng còn đáng ngại hơn nhiều lắm, khi bà trực tiếp công khai gây hoang mang công chúng, qua chuyện bà liên tục ‘lên sóng’ tố cáo ông Võ Hoàng Yên, bởi ông này đâu chỉ có hình ảnh thân thiết với ông hề Hoài Linh, mà còn với ông Nguyễn Xuân Phúc lúc còn làm Thủ tướng; thậm chí có cả hình ảnh của ông Võ Hoàng Yên ‘ở bên’ ông Phan Văn Mãi – người sắp sửa rời ghế Bí thư tỉnh ủy Bến Tre để làm Phó Bí thư Thường trực TP.HCM.

Thắc mắc nữa, giả dụ như khi viết bài báo nào đó mà sau này tòa nói là “có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”, thì nếu tác giả không có hành vi ‘tàng trữ’, còn ‘phát tán’ là bên nhận đăng bài viết ấy rồi chính nơi đó làm luôn ‘phát hành’, vậy thì những bên liên quan vừa kể có đưa vào vòng tố tụng với tư cách bên có quyền lợi và trách nhiệm liên đới/ liên quan?

Dĩ nhiên ở đây lúc hầu tòa phải có người chịu trách nhiệm pháp lý trong giám định các nội dung bài viết/ báo hình/ báo nói… được cho là “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” thì mới sòng phẳng với các bên còn lại.

Nếu người giám định này không hiện diện bằng xương, bằng thịt tại phiên xét xử, thì đó là sự không công bằng, vì trên thực tế nếu căn cứ vào Luật Giám định tư pháp, thì cho đến nay Việt Nam vẫn chưa tìm thấy ngạch đào tạo về “giám định tư tưởng qua nội dung hình thức thể hiện bằng văn tự”, cho nên Điều 117 rất khó thuyết phục khi được tranh tụng sòng phẳng giữa các bên: tác giả đang là bị cáo – phía giám định – kiểm sát viên – luật sư.

Nôm na, ở Việt Nam hiện tại vẫn chưa thấy có trường lớp nào dạy cách phân biệt bằng khoa học biện chứng, rằng đâu là bài báo viết nhằm để chống nhà nước, chống đảng, chống nhân dân?

Luật sư Hà Huy Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội), hôm đầu tháng 6, trong văn bản gửi thẩm phán Mai Văn Quang – Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, đã yêu cầu triệu tập bà Nguyễn Thị Mai Hương là “Tổ trưởng Tổ điều phối giám định tập thể” đến phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Phạm Chí Thành. Lý do: không có người giám định tham dự thì luật sư không biết tranh tụng với ai…


Tin bài liên quan:

VNTB – Hết lễ là vắng khách…

Do Van Tien

VNTB – Sẽ là án oan khi hiểu thế nào là chống nhà nước xã hội chủ nghĩa?

Phan Thanh Hung

VNTB – ‘Lỗ thủng’ ở đâu trong quản trị quốc gia?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo