Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lùm xùm sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1

Nguyễn Nam (lược ghi)

(VNTB) – Những sai sót đặc biệt nghiêm trọng của sách tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều biên soạn, thì không thể chỉnh sửa, hay “chắp vá” lại được, mà cần phải được thu hồi

Trước làn sóng phản ứng dữ dội của dư luận phản ánh trên cộng đồng mạng, Bộ Giáo Dục và Đào tạo cuối cùng đã có văn bản yêu cầu Hội đồng thẩm định sách giáo khoa rà soát lại sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 để báo Bộ trước ngày 17-10.

Dưới đây là ghi nhận ý kiến từ Sài Gòn.

Nhà báo Từ Kế Tường, cựu tổng thư ký tòa soạn báo Công an TP.HCM:

“Trong một diễn biến khác, mới đầu GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên và là chủ biên sách Giáo Khoa Tiếng Việt lớp 1 và GS Trần Đình Sử cố biện minh, nhằm “đánh tráo khái niệm”, cho rằng do phụ huynh học sinh không hiểu chứ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 không có gì sai sót, bởi đã qua Hội đồng thẩm định với số phiếu đồng thuận 100%. Sau đó Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào tạo mới phê duyệt đưa vào chương trình giảng dạy năm học 2020-2021. Không những thế sách tiếng Việt lớp 1 còn được Hội đồng thẩm định khen nức nở, được cho là chuẩn của tiếng Việt lớp 1.

Tuy nhiên, trước những phê phán cụ thể, dẫn chứng cụ thể rất nhiều trang sách tiếng Việt lớp 1 không chỉ sai sót, mà là sai sót nghiêm trọng đối với việc dạy, truyền đạt kiến thức, học chữ, ráp vần mà những gì đã thể hiện trong sách tiếng Việt lớp 1 mà nhóm Cánh Diều biên soạn, dưới trách nhiệm “chủ biên” của GS Nguyễn Minh Thuyết, thì ông đã “nhỏ giọng” hơn lúc đầu, khi cố sức biện minh, lời lẽ hùng hồn, căng thẳng rằng: “Sẽ chỉnh sửa sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 cho phù hợp”.

Đây là động thái tiếp thu ý kiến của dư luận của GS Nguyễn Minh Thuyết, người có trách nhiệm với việc biên soạn sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 cho dù hơi muộn, nhưng thà muộn còn hơn không, thiết nghĩ cũng đáng được ghi nhận.

Như vậy cho thấy rằng dư luận, cộng đồng mạng xã hội không phải vu khống, bịa đặt, xuyên tạc và là “thế lực thù địch” như “tổ lái” và bộ sậu biên soạn sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 cố tình chụp mũ cho những người tâm huyết với giáo dục, trong đó có cả phụ huynh học sinh có con em học lớp 1 với chương trình tiếng Việt “mới” này.

Nhưng theo nhiều người, trong đó có tôi, nhận thấy rằng với những sai sót đặc biệt nghiêm trọng của sách tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều biên soạn, thì không thể chỉnh sửa, hay “chắp vá” lại được, mà cần phải được thu hồi. Bởi sai sót ở đây không phải từng trang, từng hình ảnh, từng câu chữ, từng dẫn dụ… mà sai về cơ bản nguyên tắc sư phạm và chuệch choạc, lệch lạc mục tiêu giáo dục, đặc biệt là giáo dục trẻ lớp 1.

Còn nguyên do tại sao sách được Tổng chủ biên và chủ biên như GS Nguyễn Minh Thuyết và những vị GS, TS khoa bảng gồm cả chục vị tên tuổi biên soạn mà để cho sai sót nghiêm trọng, thậm chí quá cẩu thả như vậy xảy ra thì Bộ Giáo Dục và Đào tạo cần phải có một cuộc thanh tra, kiểm tra, thậm chí cơ quan điều tra độc lập vào cuộc để làm rõ, công bố trắng đen thì người dân mới yên tâm và còn chút lòng tin với nền giáo dục hiện nay”.

Phụ huynh Trần Hiệp Thủy:

“Nói thẳng, bộ sách “Cánh diều” được cho là chọn lựa tốt nhất của nhà quản lý giáo dục trong 5 bộ sách giáo khoa ứng thí. Sự thẩm định, chọn lựa của các nhà chuyên môn là rất quan trọng, nhưng đừng quên sự chọn lựa của nhân dân. Chính người dân bỏ tiền ra mua sách!

Việc những hạt sạn trong sách giáo khoa lớp 1 mới có được nhặt ra hay không, sửa để dùng tiếp hay phải thay sách mới không, việc phụ huynh phải bỏ tiền ra mua sách đắt hay rẻ cần được quan tâm, nhưng quan trọng hơn vẫn là tương lai con em chúng ta.

Cá nhân tôi kính trọng GS Thuyết, một nhà giáo từng là đại biểu Quốc hội có những phản biện sắc sảo liên quan quốc kế nhân sinh, nhưng không thể dựa vào lập luận kiểu “một nhà văn vĩ đại thì chắc chắn không có sáng tác nào là câu chuyện phản giáo dục”. Điều tôi quan tâm là những gì giáo sư và nhóm tác giả đối thoại với người dân – người dùng sách cho con cháu họ như thế nào?

Và quan trọng hơn, là sự quyết liệt làm rõ trắng đen của Bộ Giáo dục và Đào tạo – cơ quan có thẩm quyền cao nhất chịu trách nhiệm trước quốc dân đồng bào về việc dùng sách giáo khoa lớp 1 mới như thế nào?”.

***

Liên quan đến việc mạng xã hội liên tục lan truyền hình ảnh bài học “Chữ số 4” với ví dụ minh họa “Bốn cái làn” khiến dư luận xôn xao. Nhiều phụ huynh đã bức xúc cho rằng, sách sử dụng nội dung như trên là không phù hợp để dạy trẻ, GS Trần Đình Sử nhấn mạnh không có bài học với nội dung “bốn cái làn” trong cả 5 bộ sách tiếng Việt hiện hành, thậm chí các sách Toán hay những môn khác cũng đều không có trang nào chứa hình ảnh hay nội dung nêu trên.

“Trong quá trình thẩm định, tôi đã lật giở từng trang, xem từng câu chữ, từng hình ảnh minh họa, nhưng không có xuất hiện nội dung trên. Tôi cũng đã hỏi Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Toán và được trả lời không có ví dụ này” – GS Trần Đình Sử khẳng định.

Tin bài liên quan:

VNTB – An toàn là trên hết

Do Van Tien

VNTB – Thể chế chính trị năm mới sẽ ra sao?

Phan Thanh Hung

VNTB – Chờ – chờ và… chờ

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo