VNTB – Một góc nhìn về người tu hành ở thời thế hôm nay

VNTB – Một góc nhìn về người tu hành ở thời thế hôm nay

Loan Thảo

(VNTB) – Lịch sử ghi, vua Trần Thái Tông quyết theo con đường dung hoà, vừa nhập thế, vừa xuất thế, vừa hành, vừa tri. Thái Tông đem Đạo vào đời, tích cực phục vụ nhân dân cùng lúc với việc tham thiền học Đạo.

Tư tưởng Phật Giáo “biện tâm” của vua Trần Thái Tông không hạn chế trong tăng sĩ, cũng không hạn chế trong chùa chiền. Ai cũng biện tâm được, không kể là xuất gia hay tại gia, ở giữa trần tục, chứ không cần ở chùa, ở núi vẫn có thể vui với đạo.

Còn với tăng sĩ hôm nay?

Theo một tài liệu lưu trữ ở Thư viện Xá Lợi (chùa Phật học Xá lợi, 89 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, Sài Gòn), thì nguyệt san Pháp Âm do hòa thượng Thích Khánh Hòa (1877 – 1947) chủ nhiệm kiêm chủ bút, được ra đời vào tháng 8 -1929, ở số 1 tờ Pháp Âm (đây cũng là số duy nhất, vì sau đó bị đình bản), trang 2 có in bài “Tự trần” của hòa thượng Thích Khánh Hòa, trong đó có đoạn như sau (trích):

“Bổn viện chúng tôi căn khí vẫn hèn, học thức lại ít, dám đâu so sánh những bậc cao minh, song xét lại bổn phận chúng tôi, ngậm răng đội tóc, cũng người đứng giữa hoàn cầu; đầu tròn gót vuông, cũng một người ở trong Phật tử.

Thế mà bấy nay ăn ăn ngủ ngủ, bữa bữa ngày ngày, đội mão tỳ lư, mang y thất Phật, mai chiều lếu láo, hai buổi công phu tiền của tiêu dùng mười phương cúng thí, mượn cửa không để nuôi thân hoạn, đem Phật pháp ra làm nhơn tình; trau dồi sắc tướng, đối với người đàn-na, sắp đặt oai nghi, mong gặp những duyên ứng phú; trong tánh tình có kiêu ngạo sơn, ngoài đám tiệc không tư tưởng riêng; dầu tọa thiền cũng khô mộc tử ngư, dầu niệm Phật cũng tán tâm loạn tưởng; nào chơn thừa, nào liễu nghĩa, chẳng biết quăng vào thế giới nào.

Xét thân tâm chúng tôi với đồng bào với nhơn loại dường như không chút nào can thiệp. Tu hành như vậy, thời lợi mình chẳng có, mà ích người cũng không. Vả lại riêng Phật, riêng chùa, riêng sân, riêng cửa, riêng môn đồ, riêng pháp phái, trăm riêng ngàn riêng, đem một góc chia năm xé bảy, xé nát xé tan không biết mấy phần”. (dừng trích)

Tự trần của hòa thượng Khánh Hòa dài 4 trang, cung cấp cho độc giả những chi tiết về quá trình chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ.

Nói theo ngôn ngữ hôm nay, thì với những nguyên tắc đạo đức và vị trí văn hóa của mình, Phật giáo có thể vận dụng những phương thức phù hợp theo tinh thần nhập thế để giúp người dân và cả nhà quản lý, trong mọi hình thái đang được cho là có các bất công. Việc vận dụng ấy từng được thể hiện rõ nét qua “Bi – Trí – Dũng”, một châm ngôn của tổ chức có tên Gia đình Phật tử Việt Nam.

“Bi” là luôn luôn đặt mình trong hoàn cảnh của người khác để đạt đến sự thông cảm nhanh chóng và sâu sắc nhất. “Trí” là có kiến thức để đủ sức xét đoán. “Dũng” tức là sự can đảm. Dũng cũng do sự thấy – tức ‘trí’ sinh ra. Khi trí thấy của mình mở rồi, tự nhiên bản ngã của mình sẽ nhẹ đi, mình thấy mình không quan trọng nữa.

Cứu người mà không sợ mang tiếng, giúp đỡ ai đó mà không sợ thị phi, thậm chí không sợ cả những điều mà người khác gây khó khăn cho mình. Mình không sợ mất danh tiếng, không sợ mất uy tín, không sợ mất tiền bạc, thậm chí không sợ mất luôn cả tính mạng của mình…

Như tự trần của hòa thượng Khánh Hòa trong nguyệt san Pháp Âm, trước những chuyện bất công xã hội – ví dụ những tình cảnh oán than của người dân bị mất đất từ hệ lụy của phe nhóm quyền lực tham nhũng trong chính sách quy hoạch hiện nay, nếu giờ đây các nhà tu hành tiếp tục khép cửa chùa để tụng kinh, gõ mõ thì khác chi nỗi lòng của hòa thượng Khánh Hòa gần thế kỷ trước: “Chúng tôi với đồng bào với nhơn loại dường như không chút nào can thiệp. Tu hành như vậy, thời lợi mình chẳng có, mà ích người cũng không. Vả lại riêng Phật, riêng chùa, riêng sân, riêng cửa, riêng môn đồ, riêng pháp phái, trăm riêng ngàn riêng, đem một góc chia năm xé bảy, xé nát xé tan không biết mấy phần…”.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)