Việt Nam Thời Báo

VNTB – Năng lực thật sự của các ông, bà nghị xứ Việt?

Hiền Vương

 

(VNTB) – Xét theo Điều 4, Hiến pháp 2013 thì trách nhiệm cuối cùng ở đây về câu chuyện năng lực thật sự của các ông, bà nghị xứ Việt là thuộc về Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam.

 

Cụ thể hơn, trách nhiệm đó thuộc về ông Nguyễn Phú Trọng, người đã giữ chức vụ Tổng bí thư liên tiếp 3 nhiệm kỳ.

Cơ quan lập pháp là cơ quan thực hiện chức năng lập pháp của một quốc gia là làm luật và sửa đổi luật. Theo Hiến pháp phiên bản 1992 và cả 2013, cơ quan lập pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Hiến pháp không chỉ xác định Quốc hội là cơ quan lập pháp mà còn nhấn mạnh: Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp, đồng thời, Quốc hội cũng là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến là làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp.

Lập pháp theo nghĩa rộng tuy là chức năng tiêu biểu của Quốc hội với tính cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, trực tiếp chịu trách nhiệm trước nhân dân, thực hiện quyền lực của nhân dân, nhưng không phải là chức năng duy nhất của Quốc hội.

Với tính cách là cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội còn là cơ quan quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Quốc hội còn thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Lập pháp theo nghĩa rộng là chức năng tiêu biểu của Quốc hội, nên thông thường Quốc hội cũng được gọi một cách chung nhất là cơ quan lập pháp để phân biệt với cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp. Vì vậy, nói đến cơ quan lập pháp thì mọi người nghĩ ngay đến Quốc hội.

Tuy nhiên trong Quốc hội Việt Nam, nếu các ông, bà nghị không làm tròn bổn phận về ‘lập pháp’, thì đó lại thuộc lỗi hoàn toàn từ Tổng bí thư đảng với lý do chính sau đây: Quốc hội là cánh tay nối dài của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 về “dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV” được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ký, cho thấy sẽ có gần 100 ủy viên trung ương tham gia ứng cử, trong đó có 12 -14 ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng.

“Đại biểu là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoảng 95 đồng chí (19%), trong đó có 12 – 14 đồng chí là ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng” – nghị quyết nêu rõ. Cũng tại nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội định hướng cơ cấu Quốc hội khóa XV có sự tham gia của 25 – 50 đại biểu là người ngoài đảng, tương đương 5 – 10% đại biểu Quốc hội.

Ngay tại nghị quyết nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích rõ số ủy viên trung ương tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc về cơ cấu kết hợp, tức một đại biểu Quốc hội có thể có nhiều hơn một cơ cấu – ví dụ, một đại biểu vừa là ủy viên trung ương, thuộc khối Chính phủ, đồng thời là cơ cấu lực lượng vũ trang.

Quốc hội khóa XIV (đương nhiệm) cũng có sự tham gia của gần 100 ủy viên Trung ương Đảng, với tất cả các ủy viên Bộ Chính trị (đầu nhiệm kỳ) đều được bầu làm đại biểu Quốc hội.

Với cơ cấu kết hợp như vậy, tất cả các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên Chính phủ ứng cử làm đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Đảng và lãnh đạo các ban Đảng, cơ quan Chủ tịch nước, lãnh đạo Mặt trận tổ quốc Việt Nam và một số đoàn thể chính trị xã hội (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh…), lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát  tối cao, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, các bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương, và phần lớn lãnh đạo các quân khu ứng cử làm đại biểu Quốc hội đều là những ủy viên Trung ương Đảng.

Bàn luận về chuyện Quốc hội là cánh tay nối dài của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, có ý kiến, “Con vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa lại quét lá đa” là một trật tự xã hội đã bị Cách mạng Tháng Tám năm 1945 xóa bỏ ở Việt Nam. Trật tự xã hội này bị xóa bỏ vì đơn giản là nó bất công.

Thế nhưng một bất công khác đã thay thế, đó là về cơ bản, ở Việt Nam tuy không ai chỉ là con vua, và cũng không ai chỉ là con sãi, nhưng nhất thiết thì đó phải là ‘đảng viên’, và phải lọt vào danh sách ‘Ban Chấp hành Trung ương Đảng’.

“Lập pháp của Việt Nam thế nào mà mới đây lại có thêm trường hợp con một lãnh đạo địa phương được đề bạt quá nhanh nhưng ‘đúng quy trình’ làm nhiều người dị nghị.

Điều này không thể không gây bức xúc và quan ngại rất lớn cho xã hội. Bởi vì không ai trong chúng ta mong muốn một trật tự xã hội bất công như trước Cách mạng Tháng Tám được âm thầm tái lập.Việc bổ nhiệm người nhà, người thân làm tổn hại đến tính chính danh và chất lượng của nền quản trị công của đất nước. Trước hết, đây là biểu hiện rất đặc trưng của tình trạng công tư lẫn lộn.

Nếu ở cơ quan cấp trên cũng như cơ quan cấp dưới, ở cơ quan chỉ đạo cũng như cơ quan thi hành, ở cơ quan kiểm tra cũng như cơ quan xét xử… đâu đâu cũng chỉ thấy toàn người nhà ta cả thì làm sao phân biệt được đâu là việc nhà và đâu là việc nước?.

Chưa nói tới rủi ro là mối quan hệ người nhà sẽ vô hiệu hóa chức năng cân bằng, kiểm soát lẫn nhau của các cơ quan quản trị công” – luật gia Trần Thành, có ý kiến.


Tin bài liên quan:

VNTB – Năm tý, thử buôn chuyện chuột: họ hàng nhà chuột trong kiếp hai chân

Phan Thanh Hung

VNTB – Khi công ty tài chính làm nghề cho vay kiểu xã hội đen

Phan Thanh Hung

VNTB – Sách của tác giả Nguyễn Phú Trọng được xem là giáo trình ở bậc đại học

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.