Lynn Huỳnh
(VNTB) – Dường như đang có một lấn cấn, khi một mặt chính phủ Việt Nam tuyên bố chống dịch virus Vũ Hán Corona thành công, không còn ai mắc bệnh từ con virus này; mặt khác, các trường học vẫn chần chừ trước những ý kiến về ngày mở cửa trở lại.
Trong cuộc họp vào chiều ngày 25-2, mặc dù trước đó phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã tuyên bố “đến nay có thể đánh giá Việt Nam đã kiểm soát được dịch COVID-19”, song lãnh đạo TP.HCM vẫn hết sức dè dặt vì các chuyên gia dự báo đỉnh dịch có thể rơi vào cuối tháng 4-2020. Người Hàn Quốc ở TP.HCM rất nhiều, số người Việt tại Hàn cũng không ít, do vậy nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Trước mắt, phía Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đưa ra đề xuất cũng mang tính thăm dò, và không có kịch bản kèm theo trong trường hợp xảy ra lây lan dịch bệnh ở môi trường học đường, trước thời gian ủ bệnh từ con virus này đã có ghi nhận là quá con số 14 ngày.
Đề xuất đó là giáo dục mầm non tiếp tục cho học sinh nghỉ đến hết ngày 15-3-2020; ngày 16-3, trẻ 5 tuổi đi học trở lại nhưng không tổ chức ăn sáng vào đầu giờ, rà soát thường xuyên tình hình sức khỏe của trẻ. Các lớp khác của mầm non tùy theo tình hình diễn biến của dịch để nhập học trở lại. Học sinh bậc tiểu học tiếp tục nghỉ đến hết ngày 15-3-2020. Ngày 16-3 học sinh lớp 5 đi học trở lại nhưng không học bán trú. Thời gian tập trung các lớp khác sẽ tùy theo diễn biến tình hình dịch để quyết định.
Học sinh bậc THCS, kể cả hệ giáo dục thường xuyên, học sinh lớp 9 đi học trở lại từ ngày 2-3-2020 nhưng chỉ tổ chức học 1 buổi; ngày 16-3, học sinh các lớp còn lại bắt đầu đi học lại. Bậc THPT, kể cả hệ giáo dục thường xuyên, từ ngày 2-3 học sinh lớp 12 đi học lại nhưng chỉ học 1 buổi; ngày 16-3, học sinh các lớp còn lại đi học lại.
Không khó để nhận ra các đề xuất nói trên của phía sở giáo dục, là để làm hài lòng phần nào của ai đó ở cấp trung ương trong các tuyên bố liên quan về dịch virus Vũ Hán.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong của TP.HCM hiện chưa đưa ra bất kỳ quyết định cụ thể nào về chuyện mở cửa lại học đường ở mùa dịch virus Vũ Hán Corona.
Thị trường ở TP.HCM thì tiếp tục ghi nhận việc người dân không thể tìm mua được khẩu trang y tế. Do đó nếu sắp tới đây ngày 2-3, học sinh lớp 9 đi học lại như một động thái thăm dò, thì chí ít các em phải được trang bị đầy đủ khẩu trang y tế, bên cạnh hàng loạt các biện pháp khác như đo thân nhiệt, rửa tay, khử trùng trường lớp…
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cảnh báo ngay tại cuộc họp chiều ngày 25-2, rằng đặc điểm dịch tễ cho thấy người nhiễm bệnh có khi không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. “Điều này rất nguy hiểm” – ông Bỉnh nhìn nhận. Hơn nữa, hoạt động giao thương, đi lại giữa TP.HCM và các nước dẫn đến nguy cơ xâm nhập từ vùng dịch, đặc biệt là những quốc gia châu Á đang có số ca nhiễm bệnh cao nhưng vẫn được phép đến Việt Nam. Những ngày gần đây, Hàn Quốc có số ca nhiễm Covid-19 tăng rất nhanh.
Hơn nữa, TP.HCM có dân số và mật độ cao; số lượng và mật độ học sinh trong các cơ sở giáo dục cũng cao nên nguy cơ tạo điều kiện lây nhiễm trong cộng đồng. Khả năng kiểm dịch đối với ca xâm nhập từ ổ dịch sẽ rất khó khăn, nhiều phương tiện đi lại, nhiều hướng xâm nhập. Nguy cơ phát thành dịch nếu không giám sát, phát hiện kịp thời các ca mới mắc trong trường học, trong các cơ sở tập trung đông người…