Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nếu không tất yếu, vì sao lại thiếu?

Dũng Đa Kao

 

(VNTB) – Sắp tới đây liệu các bác tài xe ôm sẽ thất nghiệp?

 

Theo thông tin từ một trang báo điện tử, Honda Việt Nam thiếu xe máy để bán. Khách hàng phải chờ từ vài tuần tới cả tháng để nhận được xe, thậm chí nhiều HEAD không nhận cọc vì không biết lúc nào giao xe.

Theo đó, ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng xảy ra tình trạng thiếu xe và thời gian chờ tương tự Hà Nội. Thậm chí nhiều cửa hàng chủ động không nhận đặt cọc của khách vì không rõ khi nào có thể giao xe.

Định nghĩa đơn giản, thiếu là có hoặc chỉ đạt số lượng hay mức độ dưới mức cần thiết, dưới mức yêu cầu.

Trong một diễn biến cũng liên quan đến vấn đề xe gắn máy, chính phủ ban hành nghị định 48 về việc tăng cường thực hiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025, trong đó yêu cầu 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.

“Không biết cái chính sách xe máy đó sẽ hiệu quả ra sao, như thế nào, nhưng quá rõ ràng, đa số nhiều người dân ở cái thành phố này, vẫn di chuyển, đi học, đi làm, thậm chí là đi cấp cứu bằng phương tiện xe máy.

Vì sao? Vì tiện, lợi, nhanh chóng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của nhiều người vì bệnh lý không thể lên xe công cộng. Hơn nữa, nếu người dân “chê bai” hay thấy nó không cần thiết, liệu có xảy ra tình trạng thiếu?”, ông Nguyễn Tám, một cựu quân nhân nhận xét trước tình hình thực tế ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Có thể nói, nếu như cứng nhắc thi hành nghị định 48 về việc tăng cường thực hiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025 về vấn đề xe gắn máy, không chỉ tầng lớp lao động bình dân, mưu sinh độ nhật, mà với những ngành nghề khác, ảnh hưởng không ít:

“Nếu hạn chế, hoặc dừng xe máy, thật sự sẽ ảnh hưởng đến nhiều người. Không biết những người khác thế nào, chứ như bản thân tôi cùng một số bạn bè khác. Đi lấy tin, lấy hình ảnh hoặc làm phóng sự, chủ yếu là bằng phương tiện xe máy. Nó cơ động, dễ đi lại ở các con hẻm, những con đường nhỏ ở thôn quê, những cây cầu nhỏ. Đâu thể nào cũng đi xe 7 chỗ hoặc 16 chỗ được”, phóng viên Hoàng Mai ý kiến.

“Tôi thấy có nhiều vấn đề, rộ lên một thời gian, sau đó dần dần chìm vào quên lãng, cũng chẳng biết đã trôi về đâu. Phản ứng đó, gay gắt đó, nhưng rồi nhiều việc dồn dập, lại quên. Rồi đến thời gian hạn định, lại cứ như vậy mà thi hành.

Giống như cái vụ xe máy này, mới không, hình như là không. Phản ứng này nọ từ người dân. Nhưng rồi, kết quả như thế nào, cũng chưa biết. Giống như vụ giãn cách, người dân phản ứng quá trời, ông Vũ Đức Đam hay ông Nguyễn Xuân Phúc có lắng nghe ý kiến người dân đâu. Chờ đợi xem vụ này sẽ đi tới đâu, cương quyết thực hiện hay lắng nghe ý kiến trung thực, khách quan từ người dân”, một người dân cố cựu ở phủ Tân Bình ngày xưa – ông Hai chia sẻ.

Với tình hình thực tế, trả lời cho câu hỏi, xe máy có quan trọng đối với người dân, xem ra, hoàn toàn không khó. Nếu nguồn cầu không cần, liệu chăng, có xảy ra tình hình thiếu xe ở nguồn cung?

Và nên hay không nên việc dừng, hạn chế xe gắn máy ở một số tuyến đường ởc 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ?


Tin bài liên quan:

VNTB – Ô nhiễm môi trường: sao không thử cách giải quyết khác?

Phan Thanh Hung

VNTB – Khi đường phố bớt xe máy

Phan Thanh Hung

VNTB – Kẹt xe cũng là tín hiệu tốt

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo