Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ngộ độc pate và câu chuyện “ăn chay – con kiến”

Diệp Chi

(VNTB) – Câu chuyện người tiêu dùng bị ngộ độc khi ăn phải pate chay vẫn còn đó. Thay vì nhìn nhận thẳng vào vấn đề trách nhiệm, một số cá nhân lại dùng biện pháp “lập lờ đánh lận con đen” để quanh co, ngụy biện cho hành động của chính mình.

Theo lời thuật ở một tờ báo điện tử, ông Nguyễn Ngọc Minh – ông chủ của Minh Chay – đã xuất hiện trên truyền thông nói câu chuyện “ăn chay”. Ông Minh nói, bố mẹ ông ăn chay 25 năm nay. Vợ chồng ông cũng chay, rồi đến con ông cũng theo bố mẹ, ông bà ăn chay trường, tới con kiến cũng không nỡ giết thì sao có thể hại người!

Thoạt nghe nói thì cảm thấy vô cùng có lý. Một người có truyền thống ăn chay trường, đến con kiến còn không nỡ giết, thì làm sao hại đến người khác? Huống hồ chi đây là một chủ doanh nghiệp, làm thế chẳng khác nào tự đập đi “chén cơm” của mình. Nhưng việc ăn chay hay con kiến cũng không nỡ giết của ông chủ Minh Chay xét cho cùng cũng chẳng liên quan đến hàng loạt vụ ngộ độc này. Cái tâm có tốt như thế nào đi chăng nữa nhưng sự tắc trách, không để ý trong công việc cũng sẽ đem đến những hậu quả. Và đó là những trường hợp ngộ độc do pate Minh Chay gây ra.

“Đâu có ai khẳng định là doanh nghiệp cố tình hại người tiêu dùng đâu mà khăng khăng ăn chay không hại người? Như tôi đều nghĩ là do sự cố hoặc không có đầy đủ biện pháp an toàn trong sản xuất thôi. Mà nói nếu ăn chay không hại người thì cũng chưa chắc, khi ông bà có câu “miệng nam mô nhưng bụng một bồ dao găm”; hoặc nói như lời của cụ Nguyễn Du: “Bề ngoài thơn thớt nói cười – Mà trong nham hiểm giết người không dao”. Mình sai hay không chú ý thì nhận thôi, quanh co làm gì? Sự thật vẫn sờ sờ ra đấy”, bà Tư, một người ăn chay trường chia sẻ.

Nói về vụ ngộ độc do pate Minh Chay gây ra, theo ông Nguyễn Như Tiệp, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Nafiqad), Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng: “Các nước tiên tiến vẫn có sự cố tương tự như ngộ độc patê Minh Chay”.

Xem ra thay vì đứng ra nhận trách nhiệm, ông Cục trưởng lại dùng biện pháp so sánh, lấy vấn đề ở Việt Nam ra đi so với nước ngoài. Nói nôm na theo kiểu của ông “người ta cũng bị huống gì là mình”. Có thể nói điều này là không sai nhưng hình như ông nói vẫn chưa đầy đủ. Các nước tiên tiến mà xảy ra trường hợp tương tự như thế thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm bên cạnh doanh nghiệp? Và những người hữu trách đó sẽ như thế nào?

Tôi nhớ thời còn đi học, cô giáo dạy Văn năm lớp 8 có nói trước lớp: “Người ta làm sai không có nghĩa là mình cũng bắt chước sai theo. Cho nên, có làm sai thì dũng cảm đứng ra nhận lỗi, sửa chữa chứ đừng bao biện, đổ lỗi cho cái này cái kia hay đổ lỗi cho người khác theo kiểu người ta giỏi, người ta còn sai, huống chi là mình. Nếu mang tư tưởng đó, sẽ không nhớ cái sai mà sửa”.

“Thứ nhất: Đề nghị ông nêu cụ thể nước tiên tiến nào cũng bị? Nếu không nêu rõ thì ông nói bừa để binh vực cho Minh Chay! Thứ hai: Chỉ có báo Tuổi Trẻ đăng tin và vào cuộc, mất 12 ngày từ 18/8 đến 30/8 mới thông báo, các ông hoàn toàn im lặng (đối với công chúng) còn việc các ông bàn bạc mà dân không được biết đến thì làm sao họ đỡ nổi?”, facebooker H.J. bức xúc.

Trước khi xảy ra vụ việc, chẳng lẽ cục an toàn thực phẩm không nhận thấy được có gì bất ổn trong sản phẩm pate? Để đến khi người tiêu dùng ăn vào và trúng độc, an toàn thực phẩm mới bắt tay vào cuộc tìm hiểu. Do tắc trách, thiếu chuyên môn hay có lý do nào khác?

Tin cập nhật cho biết, đến nay vẫn có người bị ngộ độc vì dùng pate Minh Chay.

Tin bài liên quan:

VNTB – Ngày xuân tảo mộ

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Im lặng hơi lâu rồi đấy thưa Bộ Giáo dục Đào tạo…

Do Van Tien

VNTB – Kém hơn dân, nên từ chức

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo