Thu Minh
(VNTB) – “Những chiếc giỏ xe trưa nay chở đầy hoa phượng/ Em hái mùa hè trên cây/ Chở kỷ niệm về nhà/ Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại/ Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa”.
Những câu thơ kết trong thi phẩm “Chút tình đầu” của Đỗ Trung Quân, với người Sài Gòn, giờ đây phút chốc thành hoài niệm vì ở rất nhiều sân trường học, người ta đang ‘lập trình’ cho chặt hạ không chút thương tiếc không chỉ phượng vỹ, mà còn là bất kỳ cây cao bóng cả nào. Lý do: để giữ an toàn cho học trò khỏi cái chết tức tưởi vì cây bật gốc (!?)
Nhà văn một thời của lứa tuổi ô mai ở Sài Gòn – Từ Kế Tường thảng thốt về chiến dịch tận diệt phượng vỹ ấy: “Lỗi của con người không biết cách trồng cây, chăm sóc cây để cho bóng mát, hoa đẹp, tạo hình tượng lưu dấu kỷ niệm thời học sinh cớ sao lại đi chặt phá, tận diệt loài cây đã đi vào kỷ niệm, ăn sâu vào tâm khảm, hình tượng của những tháng năm đẹp nhất đời người đã đi vào thơ ca, nghệ thuật, văn chương? Thật không hiểu được. Thế mà đang có chiến dịch tận diệt cây phượng vô tội trong sân trường…”.
Nếu trong sân trường không còn cây phượng, thử hỏi những thế hệ học sinh sau này lấy hình ảnh nào để nhớ thời đi học, thời áo trắng. Lấy hình ảnh nào để nhớ thầy cô, bạn bè khi rời trường, xa lớp? Thậm chí sẽ có nhiều em không còn biết cây phượng là cây thế nào, và rất nhiều cô cậu học trò sẽ ngạc nhiên hỏi tại sao lại có câu hát “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu?” mà thi sĩ Đỗ Trung Quân đã ‘than vãn’ trong “Chút tình đầu”.
Cây phượng sẽ biến mất trên cõi đời này nếu chỉ vì tư duy hạn hẹp, thiếu trách nhiệm: ‘Quản lý không được thì chặt bỏ, phá hết cho khỏe’. Bất chấp sân trường trống vắng, thiếu cây xanh, bóng mát, thiếu tiếng ve ru cánh phượng hồng giữa những tường cao, lớp học là từng khối bê tông?
Có lẽ trách cứ ‘quản lý không được thì chặt bỏ, phá hết cho khỏe’ xem ra có phần oan cho những hiệu trưởng, vì lâu nay ngay cả trong các sự kiện ‘lãnh đạo trồng cây’, hình ảnh quá quen thuộc trên báo chí là những ‘đầy tớ’ đang ‘diễn’ các động tác ‘chăm sóc’ bên cây được bứng từ đâu đó về để phục vụ cho ‘nghi thức’ tuyên truyền.
Cây to, khi bứng như vậy bên cạnh rễ chùm được cắt gọn, thì rễ cái cũng tỉa tối giản. Đã vậy bề mặt nơi trồng mới hầu hết là được đổ bê tông, nên khả năng bám sâu của rễ cây được bứng về đó, đơn thuần theo nghĩa sinh học là khó thể trụ nổi qua thời gian ở những mùa mưa gió.
Tìm dẫn chứng cụ thể bằng hình ảnh cho nhận xét ở trên hiện rất dễ dàng, chỉ cần vào trang web tìm kiếm Google, phần hình ảnh, rồi gõ 4 từ “trồng cây nhớ bác”, sẽ nhanh chóng nhận được vô số hình ảnh cho ‘cây bứng gốc’ như nói ở trên, chứ phải đâu như ví von trong chờ đợi đến 10 năm nhẫn nại cho việc trồng cây…
“Mối tình đầu của tôi là anh chàng tội nghiệp/ Mùa hạ leo cổng trường khắc nỗi nhớ vào cây” – xem ra từ mùa hè 2020 này, chẳng còn phượng vỹ nào nữa để mà người con trai tỏ bày với cô nữ sinh thích mang kỷ niệm về nhà bằng những chiếc giỏ xe trưa nay chở đầy hoa phượng nữa rồi!.
Và một khi chàng trai chẳng còn phượng vỹ để mà khắc vào đó nỗi nhớ của mối tình học trò, thì sau này trên đường đời, có lẽ người trai ấy sẽ chẳng mang nỗi niềm như nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông hồi nào ở ca từ da diết của nhạc phẩm “Sắc hoa màu nhớ”: Hoa phượng rơi đón mùa Thu tới./ Màu lưu luyến nhớ quá Thu ơi!/ Ngàn phượng rơi bay vương tóc tôi./ Xác tươi màu pháo vui/ tiễn em chiều năm ấy...