Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nông thôn mới, gia đình văn hóa mới và… chấn hưng văn hóa

Định Tường

 

(VNTB) – “Chấn hưng văn hóa” là yêu cầu được đưa ra của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 

Đầu tháng 9-2023, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trình lãnh đạo Chính phủ xem xét, quyết định về “Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam”.

Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2035 dự kiến 350.000 tỷ đồng. Theo đó, năm 2025 cần 2.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 cần 180.000 tỷ đồng và giai đoạn 2031–2035 là 168.000 tỷ đồng.

Với 180.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2026-2030, trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 được bố trí tối thiểu khoảng 110.000 tỷ đồng, chiếm 60%, bao gồm: Vốn đầu tư phát triển: 82.500 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp: 27.500 tỷ đồng.

Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương ưu tiên hỗ trợ thêm để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của Chương trình; Phần vốn ngân sách địa phương khoảng 36.000 tỷ đồng (chiếm 20%). Ngoài ra, còn có vốn huy động hợp pháp khác: dự kiến khoảng 36.000 tỷ đồng (chiếm 20%).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, xác định mục tiêu của chương trình đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công, đảm bảo các mục tiêu có tính khả thi, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực thực hiện chương trình. Bộ này cũng đề nghị cần làm rõ quy mô chương trình.

Về tổng mức vốn và cơ cấu nguồn lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét chương trình chưa nêu cơ sở, phương pháp xác định tổng vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư chưa được tính toán dựa trên mục tiêu, quy mô chương trình, chưa thể hiện được tổng thể cơ cấu từng nguồn vốn, chưa thống nhất giữa các tài liệu.

Về con số tổng mức đầu tư cho chương trình chấn hưng văn hóa 350.000 tỷ đồng, ý kiến của Bộ Nội vụ đính kèm công văn Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 16-10 nhận định “là rất lớn”. Bộ Nội vụ đề nghị cần nghiên cứu, rà soát kỹ kinh phí trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn tài lực quốc gia còn hạn chế, phải triển khai đồng bộ nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội để đảm bảo việc bố trí nguồn ngân sách phù hợp để thực hiện chương trình có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao.

Bộ Y tế góp ý lĩnh vực văn hóa khó đo lường kết quả đầu ra, đề nghị làm rõ nội hàm các tiêu chí đánh giá hiệu quả để đảm bảo chương trình được triển khai thực hiện hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch và phù hợp với người dân Việt Nam.

Viện Nghiên cứu văn hóa (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tuy khẳng định việc đầu tư hạ tầng là việc cần thiết nhưng cho rằng chương trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng thiếu cân đối vì tập trung quá nhiều kinh phí để xây dựng, cải tạo các công trình văn hóa mà chưa đi đôi với việc làm thế nào để phát triển các hoạt động văn hóa tương ứng.

Theo viện này, thực tế cho thấy các công trình văn hóa hiện đại như nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, thư viện ở vùng nông thôn được đầu tư rất lớn từ các chương trình phát triển như chương trình Nông thôn mới nhưng chưa được sử dụng đúng công năng và chưa thu hút được các hoạt động văn hóa của người dân địa phương.

Tương tự các bảo tàng, thư viện, nhà hát ở thành phố cũng chung cảnh đìu hiu.

Song song với các ý kiến đề nghị xem xét lại con số 350.000 tỷ đồng thì cũng nhiều bộ, ngành, địa phương có ý kiến “nhất trí” với Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng.

Người viết bài này cho rằng việc “nhất trí” là lẽ đương nhiên khó thể khác, vì tác giả của yêu cầu “chấn hưng văn hóa” là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Số là ở hôm Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm thành lập (25/7/1948 – 25/7/2023), trong diễn văn đọc tại buổi lễ này, phần kết của diễn văn, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra yêu cầu cụ thể như sau:

“Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn mong đợi và tin tưởng vững chắc rằng, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam sẽ luôn luôn đồng hành cùng Dân tộc và sự nghiệp đổi mới của Đảng; tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng quý báu, rất vẻ vang của mình; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của sự nghiệp chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới”.

Như vậy, trước tiên cần có sự tổng kết về những thành tích thực – hư của các chương trình nông thôn mới, gia đình văn hóa mới, qua đó đưa ra các biện giải liên quan ra sao đến vấn đề văn hóa đang cần chấn hưng như yêu cầu của Tổng bí thư.

Bởi ngân sách là tiền thuế của dân, không thể muốn tiêu xài ra sao cũng được, dù đó là Tổng bí thư Đảng.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nịnh lộ liễu quá…

Phan Thanh Hung

VNTB – Tự nguyện “bị lừa”?

Do Van Tien

VNTB – Tuổi nghỉ hưu – một khái niệm về điều không có thật (?!)

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo