Nguyễn Nam
(VNTB) – “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII” là tựa chung ở nhiều bài báo đăng đồng loạt vào đầu giờ chiều ngày 19-3. Bài báo cho biết các đảng bộ trực thuộc trung ương đang chỉ đạo để tiến hành đại hội đảng bộ các cấp; các dự thảo văn kiện Đại hội XIII đã gửi để lấy ý kiến đại hội đảng bộ, chi bộ cấp cơ sở.
Không thấy đưa tin ở cuộc họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII có bàn gì về chuyện chống dịch hô hấp Covid-19 đang lây lan mạnh ở Việt Nam; cũng không thấy đưa tin bàn về chuyện miền Tây Nam bộ đang vừa hạn hán, vừa hạn mặn. Sở dĩ cần đề cập tới hai nội dung này trong chuyện ‘cơ cấu nhân sự’ cho nhiệm kỳ mới của tổ chức chính trị, vì ai cũng rõ ở Việt Nam tất cả các viên chức quản lý đều bắt buộc phải là đảng viên.
Vai trò của người đứng đầu đảng chính trị
Việt Nam chỉ có một đảng chính trị là đảng cộng sản. Sự cạnh tranh về quyền lực giữa các đảng phái chính trị khác ở các quốc gia đa đảng, đối với Việt Nam đó không là vấn đề đặt ra. Tuy nhiên ngay cả trong ‘một mình – một chợ’ đi nữa, thì xem ra vẫn có sự cạnh tranh ngay trong nội bộ của chính đảng phái chính trị ấy.
“Tham dự cuộc họp có các thành viên Tiểu ban, gồm các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú. Dự cuộc họp còn có các thành viên Tổ Giúp việc của Tiểu ban Nhân sự” – trích bản tin trên Thông Tấn xã Việt Nam (1).
Nhìn vào danh sách nói trên dễ dàng nhận ra chỉ mỗi cái tên Nguyễn Xuân Phúc là ‘gắn’ với các diễn biến thời sự về dịch bệnh hô hấp Covid-19, cho tới ‘chừng mực’ là việc hạn mặn ở miền Tây Nam bộ.
Còn người đứng đầu đảng phái chính trị, thì nếu tìm hiểu về các hoạt động của ông qua tin tức trên Thông Tấn xã Việt Nam, cho thấy lần ‘xuất hiện’ gần đây nhất là ngày 27-2-2020 trong sự kiện khánh tiết tiếp các đại sứ đến trình Quốc thư (2). Như vậy giữa hai lần ‘xuất hiện’ trên truyền thông của ông Nguyễn Phú Trọng là 22 ngày. Người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam chưa thấy có phát biểu nào trong hai lần ‘lên báo’ đó về dịch Covid-19 vốn liên quan đến các quốc gia có các đại sứ đến trình Quốc thư; và về hạn mặn, hạn hán ở miền Nam – một vấn đề thuộc ‘Quốc thái Dân an’.
Điều đó cho thấy nếu có việc chọn lựa nhân sự cho nhiệm kỳ mới của đảng cộng sản đến từ lá phiếu của chính các đảng viên cấp cơ sở – nơi đang là tuyến đầu chống dịch, chống hạn, có lẽ sẽ có nhiều đảng viên mặc dù được cơ cấu, song vẫn khó thể nhận được sự đồng thuận của những đảng viên khác.
Phép thử nào cho hội đoàn dân sự?
Từ góc nhìn như ở trên, liệu có nên liên tưởng đến vấn đề của phép thử đối với một số hội đoàn dân sự, đặc biệt là khi những người đứng đầu các hội đoàn đó vấp phải sự cáo buộc về một bản án chính trị? Khi ấy, dường như các mắt xích liên kết trong một vài hội đoàn xã hội dân sự cũng ‘bung đứt’ theo.
Đơn cử ở Hội Anh em dân chủ. Khi ông Nguyễn Văn Đài từ nhà tù Việt Nam được xuất cảnh định cư tại Đức, trong khi những anh em cộng sự cùng trong vụ án ở Hội Anh em dân chủ vẫn còn phải chịu tù đày ở nhiều trại giam khác nhau, thì gần như các hoạt động của hội này cũng dừng lại, mặc dù trước đó tin tức cho thấy số lượng hội viên trên toàn quốc của Hội Anh em dân chủ khá đông đảo. Vai trò ‘thủ lãnh’ hội này cũng không thấy phát huy khi ông Nguyễn Văn Đài đã rời hẳn Việt Nam.
Một thí dụ khác ở Hội nhà báo độc lập Việt Nam. Ngay sau khi chủ tịch của hội bị bắt với cáo buộc thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì gần như các hội viên cũng không nhiều người lên tiếng kêu gọi cho ông Phạm Chí Dũng về quyền tự do báo chí, về quyền được phản biện chính sách mà Hiến pháp đã ghi tại điều 28: “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
Đâu chỉ vậy, quan sát về các tác giả viết bài trên trang Việt Nam Thời Báo ở thời gian trước ngày 20-11-2019, tức lúc nhà báo Phạm Chí Dũng còn tự do; và một tháng sau đó khi trang Việt Nam Thời Báo hoạt động trở lại, sẽ thấy gần như ‘biến mất’ rất nhiều bút danh, và nhiều bài viết với các tác giả mới tham gia, cho thấy ‘khác giọng văn’ với những bài viết trước đó, nôm na đây không phải là ‘người cũ – bút danh mới’ do có sự lo ngại bị chính quyền dòm ngó, đưa đến… ‘vạ lây’.
Điều đó cho thấy gì? Phải chăng là sự e dè của số đông khi thiếu vai trò của một người đứng đầu đủ uy tín và khả năng quán xuyến? Đó cũng chính là phép thử về nhân sự trong hội đoàn dân sự, khi mà quyền tự do công đoàn về nguyên tắc đã chính thức có hiệu lực ở Việt Nam.
+ Chú thích: