Võ Hàn Lam
(VNTB) – Dường như nhiều quan chức cầm quyền chưa hiểu được rõ ràng thuật ngữ ‘logistics’ mà tiếng Việt chưa thể dịch đủ ý, nên dù các ‘tham mưu’ có nói sao đi nữa thì xem ra họ vì ‘hạn chế hiểu’, dẫn tới đứt gãy sản xuất liên tục, và nguy hiểm hơn là đứt gãy cả chính sách đến từ ‘địa chính trị’ (*).
Đơn đặt hàng tăng mạnh, thị trường xuất khẩu phục hồi nhanh. Nhiều doanh nhân tiếc đứt ruột vì muốn sản xuất cũng khó do chính sách kiểm soát dịch Covid-19 thiếu đồng bộ, khắt khe tại nhiều địa phương.
Bà Lê Thị Xuyến – tổng giám đốc Công ty chế biến gỗ Thuận An, tỉnh Bình Dương – cho biết địa phương không yêu cầu sản xuất “3 tại chỗ” và không yêu cầu giấy xét nghiệm Covid-19 với người từ nhiều địa phương khác. Nhưng việc đưa nhân lực lên nhà máy tại một vài tỉnh khác chưa thuận lợi do địa phương này vẫn kiểm tra, kiểm soát với người ngoại tỉnh.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương – phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, đơn hàng xuất khẩu đang tăng nhanh, thậm chí nhiều doanh nghiệp có đơn hàng sang giữa năm sau. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp trong ngành hiện chỉ có khoảng 40 – 60% lượng lao động so với bình thường, thậm chí nhiều đơn vị có số lao động giảm mạnh dẫn đến nhà máy đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng.
Theo ông Phương, các địa phương lân cận như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An… có lượng lớn lao động di chuyển qua lại để đi làm. Ngoài TP.HCM và Bình Dương đã nới lỏng hơn, nhưng nhiều tỉnh thành vẫn yêu cầu khắt khe dẫn đến các doanh nghiệp gặp khó trong phục hồi nguồn lao động.
Nếu như đứt gãy lao động đến từ các cấp chính quyền địa phương, thì trong lãnh vực vẫn quen gọi là “công nghiệp không khói”, thì logistics bị đứt gãy qua việc chậm trễ ban hành hướng dẫn mở cửa của các cơ quan quản lý có thẩm quyền, khiến không chỉ đánh mất cơ hội vàng của du lịch Việt mà còn bào mòn cả sức khỏe và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, kéo chậm đà phục hồi kinh tế.
Ông Phan Đình Huê, giám đốc Công ty du lịch VietCircle, thẳng thắn cho biết cộng đồng doanh nghiệp đang dần mất niềm tin vào những kế hoạch, chính sách của lãnh đạo ngành.
Đơn cử, kế hoạch thí điểm Phú Quốc được đưa ra lấy ý kiến từ tháng 7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch thời gian qua liên tục tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo khuyến khích các địa phương mở cửa du lịch đón khách, thích ứng với điều kiện bình thường mới, nhưng đến giờ này lại không có hướng dẫn cụ thể khiến các doanh nghiệp lúng túng không biết phải làm gì, và làm như thế nào.
“Suốt gần 2 năm qua, các công ty du lịch đều đã kiệt quệ nhưng các chính sách hỗ trợ cứ ban hành rồi chẳng ai tiếp cận được. Giờ mở cửa, quy định không rõ ràng, trong khi rủi ro lại quá lớn thì ai dám nhảy vào làm?
Chủ động chuẩn bị rồi lại hoãn, doanh nghiệp mất hết niềm tin rồi. Biết bao nhân sự công ty du lịch đã phải chuyển qua bán khẩu trang, bán bia, đi cắt tóc… gọi họ lại, kêu mở văn phòng, chi một cục chi phí rồi lại chờ đợi, ai gánh cho? Như một anh lớn trong ngành từng nói, kéo pháo ra rồi lại đẩy vào, giờ mà còn mắc nữa thì pháo cũng kẹt luôn, không kéo ra nổi nữa đâu”, ông Huê thở dài.
Tiếng thở dài này không hề lẻ loi.
Chúng ta chờ vắc xin phòng Covid, chờ hướng dẫn, chờ lãnh đạo các địa phương thực hiện đúng yêu cầu của Chính phủ “không ngăn sông cấm chợ”, nhưng các đơn hàng không chờ chúng ta…
Nền kinh tế muốn phục hồi càng không thể để các doanh nghiệp cứ phập phồng chờ đợi hết lần này đến lần khác. Họ cần biết cụ thể thời gian, chiến lược để lên kế hoạch chi tiết, để chuẩn bị nguồn lực, để kết nối đối tác, tập kết nguyên vật liệu, khởi động máy móc, đón lao động trở về nhà máy.
***
(*) Theo Hiệp hội các nhà chuyên nghiệp về quản trị chuỗi cung ứng (Council of Supply Chain Management Professionals – CSCMP), thì thuật ngữ này được định nghĩa khá đầy đủ như sau:
“Quản trị logistics là một phần của quản trị chuỗi cung ứng bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Hoạt động của quản trị logistics cơ bản bao gồm quản trị vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, thiết kế mạng lưới logistics, quản trị tồn kho, hoạch định cung/cầu, quản trị nhà cung cấp dịch vụ thứ ba.
Ở một số mức độ khác nhau, các chức năng của logistics cũng bao gồm việc tìm nguồn đầu vào, hoạch định sản xuất, đóng gói, dịch vụ khách hàng. Quản trị logistics là chức năng tổng hợp kết hợp và tối ưu hóa tất cả các hoạt động logistics cũng như phối hợp hoạt động logistics với các chức năng khác như marketing, kinh doanh, sản xuất, tài chính, công nghệ thông tin”.