Anh Khoa dịch
(VNTB) – Quốc hội ủng hộ việc cấm các ứng cử viên cơ quan lập pháp của Hồng Kông không được Bắc Kinh tán thành
Chun Han Wong và Natasha Khan
HONG KONG — Trung Quốc đã vén bức màn che đậy nhiều thập niên chính trị đối địch ở Hồng Kông khi Quốc Hội thông qua những thay đổi bầu cử sẽ đưa những người trung thành với Bắc Kinh nắm quyền điều hành Hồng Kông và loại bỏ các nhóm đối lập khỏi các chức vụ dân cử.
Cuộc bỏ phiếu gần như nhất trí hôm thứ Năm của Đại hội nhân dân toàn quốc đã mở đường cho cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc cải tổ ngay trong tháng tới cách thức thuộc địa cũ của Anh chọn lãnh đạo và các nhà lập pháp. Cuộc cải tổ sẽ mang lại cho Bắc Kinh quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các cuộc bầu cử địa phương vốn được coi là có phần dân chủ — nhờ vào quyền phủ quyết trên thực tế đối với các ứng cử viên bị coi là không yêu nước.
Các quan chức Trung Quốc nói rằng những thay đổi này nhằm sửa chữa những lỗ hổng pháp lý đã cho phép các lực lượng chống Trung Quốc cản trở quản trị và kích động tình trạng bất ổn ở Hồng Kông với hàng loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ rúng động vào năm 2019.
“Quyết định rất rõ ràng,” Thủ tướng Lý Khắc Cường nói với các phóng viên sau cuộc bỏ phiếu. Ông nói mục đích [của quy định này] là duy trì nguyên tắc “những người yêu nước quản lý Hồng Kông” và cải thiện khuôn khổ “một quốc gia, hai hệ thống” của Bắc Kinh để quản lý thành phố.
Các nhóm đối lập ở Hồng Kông nói rằng thay đổi này là một phần trong nỗ lực lớn của Bắc Kinh nhằm xóa sổ bất đồng chính kiến, làm xói mòn những quyền và tự do mà người dân đã được hứa hẹn được hưởng trong nửa thế kỷ sau khi Anh bàn giao lãnh thổ này cho Trung Quốc vào năm 1997.
Lo Kin-hei, Chủ tịch Đảng Dân chủ Hồng Kông, được tại ngoại sau khi bị bắt vào năm ngoái vì bị cáo buộc tham gia vào một cuộc họp trái phép vào cuối năm 2019 nói: “Đây là sự suy thoái lớn nhất của hệ thống chính trị của Hồng Kông kể từ khi bàn giao. Những gì được thấy trong năm qua là nhà chức trách sẽ làm bất cứ điều gì họ muốn, bất cứ khi nào họ muốn, theo cách chưa bao giờ có thể tưởng tượng được.”
Một số chính phủ nước ngoài, chủ yếu là phương Tây, chỉ trích Trung Quốc vì những cáo buộc không tuân theo cam kết duy trì hệ thống tự quản của Hồng Kông cho đến năm 2047 và cuối cùng cho phép phổ thông đầu phiếu trên lãnh thổ này. “Hoa Kỳ lên án việc CHND Trung Hoa tiếp tục tấn công các thể chế dân chủ ở Hồng Kông,” Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố. “Những hành động này khiến người Hong Kong không có tiếng nói trong chính quyền của họ”.
Ngoại trưởng Vương quốc Anh Dominic Raab chỉ trích nghị quyết này là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm “loại bỏ không gian tranh luận dân chủ ở Hồng Kông”. Liên minh châu Âu cho biết họ sẽ xem xét thực hiện các biện pháp chưa xác định để đáp lại một động thái có thể ảnh hưởng đến “trách nhiệm giải trình dân chủ và đa nguyên chính trị ở Hồng Kông.” Trong khi đó, Nhật Bản bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” và thúc giục Trung Quốc cho phép các cuộc bầu cử công bằng trên lãnh thổ này.
Zhang Xiaoming ( Hạ Bảo Long), Phó giám đốc Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao của Bắc Kinh, bác bỏ những lời chỉ trích này, nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng cải cách bầu cử ở lãnh thổ này là công việc nội bộ của Trung Quốc và sự can thiệp từ nước ngoài sẽ không được chấp nhận. Ông cũng cáo buộc Hoa Kỳ là đạo đức giả khi cố can thiệp vào các cuộc bầu cử của Hồng Kông sau khi trải qua tình trạng hỗn loạn trong bầu cử những tháng gần đây.
Ông Zhang nói, Bắc Kinh vẫn cam kết cho phép phổ thông đầu phiếu ở Hồng Kông, nhưng chỉ những người yêu nước mới được phép cầm quyền.
Niềm tin của một số doanh nghiệp nước ngoài ở Hồng Kông đã bị lung lay, các giám đốc điều hành bày tỏ lo ngại về việc Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát và một số công ty quyết định chuyển nhân viên đến các trung tâm khu vực khác như Singapore. Các công ty khác phụ thuộc vào thị trường đại lục hoặc vai trò trung tâm tài chính của Hồng Kông, tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng theo sau nỗ lực khôi phục ổn định xã hội của Trung Quốc.
Nghị quyết trên yêu cầu thành lập một ủy ban ở Hồng Kông để đảm bảo rằng các viên chức chính quyền tiềm năng tuân thủ các tiêu chí được quy định trong luật pháp về an ninh quốc gia và hiến pháp của đặc khu.
Nghị quyết này kêu gọi mở rộng ủy ban bầu cử Hồng Kông — ban đầu có nhiệm vụ chọn đặc khu trưởng của thành phố — từ 1.200 ghế lên 1.500 ghế. Quy định về thành viên của ủy ban được cải tiến đã không đề cập đến các ủy viên hội đồng cấp huyện là khu vực bầu cử do các chính trị gia ủng hộ dân chủ chi phối.
Quan trọng hơn, ủy ban này sẽ được quyền để lựa chọn một phần cơ quan lập pháp địa phương — mở rộng từ 70 lên 90 người — và tham gia vào quá trình đề cử các ứng cử viên. Tuần trước, một quan chức cấp cao của Trung Quốc cho biết ủy ban này sẽ trực tiếp bổ nhiệm “một phần tương đối lớn” các đại biểu, nhưng trong nghị quyết không đưa ra con số cụ thể.
Ủy ban đã từng được giao nhiệm vụ bổ nhiệm một phần nhỏ các ghế lập pháp, nhưng hoạt động này đã dừng lại sau cuộc bầu cử năm 2000.
Theo các quy tắc hiện hành, một nửa cơ quan lập pháp do người dân bầu chọn trực tiếp, và nửa còn lại do các nhóm lợi ích chuyên nghiệp và đặc biệt bầu chọn. Hai phương pháp này sẽ tiếp tục được sử dụng để quyết định tư cách thành viên của cơ quan lập pháp mở rộng, mặc dù nghị quyết này không nêu rõ số lượng ghế sẽ được chọn theo những cách này.
Nghị quyết không cung cấp thêm thông tin chi tiết về thay đổi được đề xuất hoặc lịch trình. Các quy tắc mới sẽ được ban hành thông qua các tu chính đối với các văn bản phụ lục bổ sung. Các thành viên Hồng Kông của Quốc hội Nhân dân nói rằng các quy tắc mới có thể được hoàn thành ngay sau tháng 4.
“Cải cách bầu cử nhằm đảm bảo những người bất đồng chính kiến không thể được bầu vào Hội đồng Lập pháp,” Steve Tsang, Giám đốc Viện SOAS Trung Quốc ở London, chuyên về chính trị Hồng Kông, cho biết. “Điều này rất quan trọng vì nó đảo ngược hướng phát triển chính trị ở Hồng Kông do người Anh đặt ra trước khi kết thúc thời kỳ thuộc địa”.
Chính phủ Hồng Kông đã hoãn các cuộc bầu cử lập pháp dự kiến vào tháng 9 năm ngoái ít nhất một năm, vì đại dịch. Đặc khu trưởng sẽ được chọn vào năm tới. Đặc khu trưởng đương nhiệm, Carrie Lam có ít người ủng hộ và chưa cho biết liệu bà có ý định tranh cử nhiệm kỳ 5 năm thứ hai hay không.
Bắc Kinh đã tìm cách dập tắt giới bất đồng chính kiến ở Hồng Kông kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ gây ra hỗn loạn trên toàn đặc khu trong nhiều tháng năm 2019. Quốc Hội Trung Quốc đã áp đặt luật an ninh quốc gia tại Hông Kông hồi tháng 6 và kể từ đó đã bắt giữ hơn 100 nhân vật ủng hộ dân chủ, là lãnh đạo nhiều nhóm đối lập. Các nhà chức trách cũng đã trục xuất các chính trị gia ủng hộ dân chủ khỏi cơ quan lập pháp Hồng Kông.
Các quan chức Trung Quốc cho biết họ không cố hạn chế chỉ trích đối với chính phủ.
“Chúng tôi không nói về việc thành lập một chính phủ đơn nguyên… chúng tôi hiểu rằng Hồng Kông là một xã hội đa nguyên với sự pha trộn giữa văn hóa Trung Quốc và phương Tây”, Song Ru’an, Phó ủy viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông cho biết tại cuộc họp báo hôm thứ Ba.
The vote on the resolution, coming on the final day of a weeklong session in Beijing of the National People’s Congress, was 2,895 in favor, none against, and one member abstaining.
Mặc dù vậy, “khi chúng ta nói về lòng yêu nước, chúng ta không nói tình yêu trừu tượng đối với văn hóa hay lịch sử Trung Quốc, mà là yêu nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc,” ông Song nói.
Cuộc biểu quyết về nghị quyết này diễn ra vào ngày cuối cùng của kỳ họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc kéo dài một tuần ở Bắc Kinh, với 2.895 phiếu thuận, không phiếu chống và một phiếu trắng.
Nguồn:WSJ