Út Sài Gòn
(VNTB) – ‘Giam’ điện thoại vì vi phạm… luật giao thông?
Một câu chuyện phiếm ở một góc nhỏ của Sài Gòn, nơi được nhiều người ví von là hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo. Phiếm được định nghĩa là không thiết thực, không đâu vào đâu. Chính vì lẽ đó, đã gọi là chuyện phiếm, có khi đó có thể là một câu chuyện hư cấu, người tốt thì nghĩ tốt và ngược lại.
Ở đây, chuyện phiếm chỉ đơn thuần là những câu chuyện tán gẫu qua ngày mỗi khi rảnh rỗi, sau những giờ tất bật với chén cơm mưu sinh mà thôi…
– Ái chà, thật là đau cái đầu quá đi.
– Đau đầu thì đi bệnh viện khám đi trời. Ngồi đó mà than thở cái gì hả chị Bảy. Còn không mua panadol uống cho bớt đau rồi nghỉ ngơi, chứ than van cũng có bớt đâu nào?
– Cái anh Tám này. Tui nói đau đầu ở đây là theo nghĩa bóng chứ phải theo nghĩa đen đâu.
– Đau đầu mà cũng bóng với đen nữa hả chị?
– Đương nhiên, đau đầu bình thường thì đi bệnh viện, chụp hình rồi uống thuốc gì đó. Còn đau đầu của tui bây giờ là không biết phải làm như thế nào?
– Có gì mà khó, nói ra đi, tui giải quyết hết cho, chuyên gia giải quyết rắc rối cấp… khu phố ở đây mà.
– Nãy tui mới gặp ông Hai tổ trưởng. Ổng nói thời buổi giờ các nước khác người ta tiến bộ quá trời, rồi cái gì mà 4.0, khu phố mình cũng nên tập tành thử rồi dần dần quen, sẽ có nhiều lợi ích. Ổng nói khu phố mình giờ quản lý bằng một cái app gì gì đó. Ổng thuê người viết rồi, kêu mọi người tập trung đến nhà ổng để đăng ký này nọ. Rồi cái gì mà link qua một cái thẻ gì đó, đi quẹt quẹt trong khu phố, đỡ phải mang theo giấy tờ này nọ.
– App iếc gì trời! Mà sao tui chưa nghe vụ đó ta.
– Chắc tại chưa phổ biến đến anh đó.
– Mà tui thấy lạ, nào giờ nhân khẩu trong khu phố, quản lý bằng giấy tờ, sổ sách hết mà. Nếu muốn đưa lên hệ thống thì cứ link trực tiếp vào thẻ đi, có thông tin rõ ràng minh bạch hết mà, việc gì mà bà con trong khu phố phải đến nhà ổng xếp hàng này nọ.
– Thì tui cũng nghĩ y chang anh vậy đó. Như tui với anh, có tuổi rồi, xếp hàng chờ đợi còn mệt, thời tiết dạo này lúc nắng lúc mưa nữa. Huống gì với những người già, rồi bệnh tật. Mà nghe đâu tiện lắm.
– Tiện thế nào tui không biết nhưng nếu cái thẻ đó rơi vào tay người có nghề, có kỹ thuật cao về tin học, về IT, về an ninh mạng thì chả phải thông tin cá nhân lộ hết ráo à? Ai dám cam đoan nó an toàn 100%? Đó là chưa kể, tui thắc mắc này nữa.
– Thắc mắc gì anh?
– Nếu như nói cái app đó có tiện, link giấy tờ này nọ. Đồng ý luôn. Vậy ra đường, vô tình bị mấy anh cảnh sát giao thông thổi cái quét. Nói lỗi, kiểm tra giấy tờ. Dạ, em không có đem theo giấy tờ, theo quy định khu phố, có cái app này là đủ. Thì đúng là có bằng lái đó. Nhưng có những quy định về luật, giam bằng lái, giam cà vẹt xe. Vậy thì giam bằng cách nào? Tịch thu cái điện thoại? Đâu có được, cái đó là vi hiến à, Ok nếu không giữ điện thoại, tức là chúng tôi sẽ tạm giữ xe của bạn.
Vô lý, chỉ là lỗi phổ thông, có đầy đủ giấy tờ, sao lại giam xe của tôi. Đó là chưa kể, nếu đó là tài xế của một xe đang đi du lịch, tự dưng bị cảnh sát khu phố giam xe, rồi khách hàng sao? Lịch trình của họ sao? Bất khả thi.
– Anh nói nghe cũng có lý.
– Chưa hết. Để xài được app, tức là buộc bà con trong khu phố phải đi mua điện thoại thông minh. Mà đâu phải ai cũng có đủ tiền để mua. Cho dù chiếc điện thoại chỉ có giá 1 triệu. Đơn cử, nhà bà Lý đó, mẹ già 90 tuổi, đứa con nhỏ bị bệnh tâm thần, đứa con gái lớn nay cũng 65 tuổi, lo chạy ăn hàng ngày đã mệt mỏi, tiền phải để dành phòng rủi ro. Không có nhu cầu, họ xài điện thoại cổ điển là quá đủ, giờ phải cắn răng mua cái điện thoại thông minh chỉ để khai cái gì đó của ông tổ trưởng. Nghe có vẻ quá bất nhẫn với người nghèo.
– Tui có hỏi ổng vụ đó, nghe đâu sẽ hỗ trợ điện thoại cho người nghèo.
– Có chắc hỗ trợ không? Rồi tiền đâu ra hỗ trợ? Tiền túi cá nhân của ông hay tiền quỹ khu phố mỗi tháng bà con đóng vào? Tiền đó để lo ma chay cho bà con rồi những chi phí khác ý nghĩa như ủng hộ bà con bị lũ lụt, bị thất mùa.
– Ờ cái đó thì tui cũng không rõ.
– Nói chung, theo tui thấy, ý tưởng của ông tổ trưởng cũng không hẳn là xấu. Nhưng nó còn quá nhiều những bất cập, từ việc an toàn thông tin đến vấn đề tui ví dụ là cảnh sát giao thông. Từ tuổi tác đến việc người nghèo. Đó là chưa kể đến tính hiệu quả, liệu phải chờ trong bao lâu?
Xuất phát từ quan tâm đến bà con, mong bà con được tiện lợi tiện ích hơn. Đã tốt thì nên tốt cho trót, nên tự khai rồi tự link cho bà con, thông tin minh bạch hết mà. Với những bà con nghèo, không có khả năng, nên phát cho họ một cái điện thoại thông minh. Và dĩ nhiên, tiền để mua điện thoại đó, không phải là “của công”, từ quỹ khu phố ra…
Làm được như vậy, cảm ơn nhiều…