Định Tường
(VNTB) – Với những gì đang xảy ra, người dân lại thấy có các thông tin trái chiều trên báo chí
Thanh tra Chính phủ vừa có quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu tại 15 doanh nghiệp đầu mối và 2 doanh nghiệp sản xuất.
Giai đoạn được thanh tra từ ngày 1/1/2017 đến ngày 30/6/2022. Khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan tới trước hoặc sau thời kỳ thanh tra. Thời hạn thanh tra là 60 ngày làm việc thực tế tại đơn vị, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Các thương nhân đầu mối xăng dầu nằm trong danh sách thanh tra gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội, Công ty TNHH Hải Linh, Công ty TNHH MTV – Tổng công ty Xăng dầu Quân đội và Công ty TNHH Petro Bình Minh.
Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh. Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.
Ngoài ra còn có Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Trưởng đoàn Thanh tra sẽ do ông Dương Quốc Huy – Vụ trưởng Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo kinh tế ngành (Vụ 1), Thanh tra Chính phủ – đảm nhiệm, cùng các thành viên của Thanh tra Chính phủ.
Như vậy nội dung thanh tra chưa thấy có liên quan gì đến thực trạng biến động xăng dầu như mấy tuần lễ vừa qua.
Trong lúc đó thì với những gì đang xảy ra, trên báo chí, người dân lại thấy có các thông tin trái chiều.
Trước hết, về phía Bộ Công an đưa ra câu trả lời trước thông tin về ý kiến cho rằng những ngày qua tại TP.HCM, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã đóng cửa, treo biển hết hàng hoặc bán hạn chế, đó là, “Hiện tượng này được cho là do nguồn cung đầu vào bị thiếu hoặc có thể một số cửa hàng găm hàng, chờ xăng lên giá nhằm trục lợi” – Bộ Công an cho biết nếu các cửa hàng kinh doanh có hành vi găm hàng, chờ lên giá để trục lợi, tùy tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân hay pháp nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Không đồng ý trước cáo buộc trên từ phía Bộ Công an, ghi nhận ý kiến từ giám đốc một chuỗi bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM cho biết các cây xăng chỉ bán theo số lượng 20.000 – 30.000 đồng hay tạm ngưng bán do ‘đứt’ nguồn hàng.
Theo cam kết tại hợp đồng với đại lý, doanh nghiệp phân phối có trách nhiệm đảm bảo nguồn hàng, chiết khấu hợp lý. Tuy nhiên, thời gian qua doanh nghiệp phân phối chỉ cấp 40 – 50% sản lượng bán ra mỗi ngày của cây xăng, thậm chí không cấp khiến chuỗi bán lẻ này bị gián đoạn, buộc phải bán ra số lượng nhỏ giọt.
Trong khi đó, theo quy định về kinh doanh xăng dầu, cây xăng chỉ được ký hợp đồng với một doanh nghiệp phân phối trong một thời gian nhất định. Khi chưa hết hợp đồng, cây xăng không thể lấy hàng từ bất kỳ nguồn nào khác.
“Nếu phía nhà phân phối cấp hàng, chúng tôi sẵn sàng bán ngay, đằng này họ không cấp hàng lấy gì để chúng tôi bán. Đến nay họ vẫn cấp không đủ 100% nhu cầu và chiết khấu cũng chỉ 200 – 300 đồng/lít, chúng tôi vẫn lỗ”, vị này nói.
Bà Phạm Thị Băng Trang – Tổng giám đốc Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ – chia sẻ thời gian qua, các doanh nghiệp đầu mối đều gặp khó khăn. Tại Bình Dương, các cây xăng đóng cửa có nhiều nguyên nhân, trong đó không phải chỉ có nguyên nhân do thiếu hụt xăng dầu mà còn do một số cây xăng đã đóng cửa từ trước, hoặc không đủ điều kiện kinh doanh.
“Mấy ngày nay, xảy ra tình trạng khan hiếm nên người dân đổ dồn vào những cây xăng trên trục đường chính. Còn cây xăng trên trục đường nhỏ không xảy ra tình trạng ùn ứ, khan hàng” – bà Băng Trang nói.
Theo bà Băng Trang, hiện nay, phí nhập khẩu đang tăng cao. Đơn cử, quý I chi phí là 306 đồng/lít, quý II là 450 đồng/lít, quý III là 967 đồng/lít, tức bình quân, doanh nghiệp đang lỗ 667 đồng/lít. Sang quý IV, doanh nghiệp lỗ 1.100 đồng/lít.
Do đó, lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối này đề nghị các cơ quan chức năng nên điều chỉnh 6 tháng/lần chi phí thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong quá trình kiểm tra, nếu có sơ suất thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục.
Cũng liên quan đến chi phí, ông Trần Ngọc Năm – Phó tổng giám đốc Petrolimex – cho hay chi phí vận chuyển của các thương nhân đầu mối năm nay rất cao gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp mong muốn liên Bộ Công Thương – Tài chính chia sẻ với khó khăn này của doanh nghiệp để có phương án tháo gỡ.
“Bên cạnh đó, các bộ cần tăng cường quản lý hệ thống, quản trị ứng dụng công nghệ thông tin để nắm được vùng thị trường hàng hóa, có căn cứ điều hành. Đồng thời, cần có định hướng truyền thông tốt để tránh việc nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng không tốt đến thị trường”, ông nói.
Thay vì dọa dẫm hình sự hóa, ở đây phía Bộ Công an cần nhìn đúng góc nhìn dân sự của một giao dịch làm ăn, đó là chuyện giá sàn chỉ đưa tới doanh nghiệp đầu mối, còn giá chiết khấu thì từ đầu mối trở xuống đại lý tự thỏa thuận, mà không thiết lập một khung chiết khấu chung, tính đúng tính đủ vào cơ cấu giá để công khai và công bằng ở các khâu, với thị trường.
Giá năng lượng toàn cầu thì biến động tới mức… tăng động từng ngày mà chu kỳ điều hành thì đến hẹn 10 ngày mới lên. Kho dự trữ từ 30 ngày giờ còn 20… Cung ứng nước ngoài thì đứt gãy bởi chuyện địa chính trị; trong nước thì nhà máy lọc dầu lỗ hơn lãi, quản trị yếu, năng suất kém. Chỉ nhiêu đó không đẩy tới ”thảm cảnh” khát xăng “cục bộ”, “không phổ biến” mấy ngày qua ở Sài Gòn mới lạ, các đồng chí ở Bộ Công an ạ…
____________________________
1 comment
Trời! Xe còn nửa bình xăng mà không lo đổ, chạy 1 chúc nó cạn xăng rồi kiếm cây xăng ở đâu mà đổ? ông này nói chiện mắc cười!