Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thuế thu nhập của hoa hậu Thùy Tiên là bao nhiêu?

Hiền Lương 

(VNTB) – Hoa hậu Thùy Tiên kiếm ít nhất 2-3 triệu USD trong nhiệm kỳ hoa hậu. 

 

Kiếm hàng triệu đô-la trong năm chỉ bằng nhan sắc?

Trong bài phát biểu của ông Nawat Itsaragrisil – Chủ tịch cuộc thi Miss Grand International (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế) hôm chiều ngày 5-10-2022, cho biết, “Tiên không phải cô gái đẹp nhất năm ngoái, nhưng tất nhiên, Tiên cũng thuộc nhóm 5 hoặc 10 cô gái xinh xắn nhất. Hơn thế nữa, Tiên luôn sẵn sàng làm việc. Từ lúc đăng quang đến nay, Tiên đã nhận được hợp đồng quảng cáo của những nhãn hàng lớn, giúp hãng nâng cao doanh số bán hàng”. Ông Nawat cho rằng Thùy Tiên kiếm ít nhất 2-3 triệu USD trong nhiệm kỳ hoa hậu. Thu nhập của cô đến từ việc dự sự kiện, làm đại sứ cho nhiều thương hiệu, nhãn hàng trong nước và quốc tế.

Rất nhanh sau đó phía báo chí đã liên hệ đề nghị làm rõ về vấn đề này, nhưng đại diện của Thùy Tiên từ chối chia sẻ.

Nhìn qua lăng kính chính trị thì những thông tin mà ông Nawat Itsaragrisil đưa ra về chuyện kiếm tiền triệu đô trên cương vị hoa hậu của Thùy Tiên, là rất nguy hiểm vì đến nay không thấy tin tức cơ quan thuế đã thực hiện thu thuế thu nhập cá nhân ra sao với cô hoa hậu này.

Việt Nam chỉ cáo buộc tội trốn thuế với một số người?

Một câu chuyện cũ. Năm 2013, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch đã tố cáo Việt Nam tiếp tục dùng cáo buộc “trốn thuế” làm cớ để bịt miệng những người bất đồng chính kiến như trong vụ xử một luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân.

“Đã đến lúc nhà cầm quyền Việt Nam phải nhận ra rằng sử dụng các chiến thuật như vậy chống lại những người bất đồng chính kiến không có hiệu quả. Những người này đã thực thi và họ lẽ ra phải được phép thực thi quyền tự do chính trị và dân sự của công dân.

Cáo buộc tội “trốn thuế” đã được Hà Nội áp dụng với các nhà hoạt động nhân quyền khác như blogger Điếu Cày chẳng hạn dù nhà chức trách không trưng được bằng chứng rõ ràng. Nhà cầm quyền sách nhiễu, bắt bớ, giam cầm những người bất đồng chứng kiến rồi sau đó tung ra cáo buộc tội “trốn thuế”, không thuyết phục được ai cả. Chiến thuật của nhà cầm quyền Việt Nam trong các vụ này chẳng lừa được ai” – trích thông cáo báo chí của Human Rights Watch, ngày 8-7-2013.

Đến đầu năm 2022, ông Mai Phan Lợi, một chuyên gia báo chí và truyền thông xã hội được nhiều người biết đến, cũng bị tòa án ở Hà Nội tuyên án tù bốn năm với cáo buộc “trốn thuế”. Cùng ra trước tòa với ông là ông Bạch Hùng Dương, cộng sự, bị mức án 30 tháng tù với cùng tội danh.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) trong thông cáo báo chí hôm 8-7-2021 nói rằng: “Giới chức đã từ chối gia hạn thẻ nhà báo của ông Lợi hồi 5 năm về trước sau khi ông điều tra về những khó hiểu trong vụ chiếc CASA 8983 của không quân Việt Nam bị mất tích hồi 6-2016.

Chúng tôi không bị lừa bởi cáo buộc trốn thuế mà cơ quan chức năng Việt Nam đưa ra đối với ông Mai Phan Lợi”, ông Daniel Bastard, Trưởng Văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, nói: “Tất cả đều cho thấy đó chỉ là một cớ nhằm bịt miệng một nhà báo cố gắng thực thi công việc truyền tải thông tin đến cho các đồng bào của ông một cách đúng đắn”.

“Trốn thuế” được “vận dụng” để dằn mặt luật sư?

Tháng 7-2019, vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải “được xác định có dấu hiệu phạm tội trốn thuế do đã ký giấy tờ mua bán nhà, đất giá thấp hơn giá giao dịch thực tế cả chục lần nhằm giúp người bán trốn thuế với số tiền 276 triệu đồng”.

Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, bình luận: “Theo như tôi hiểu, những luật sư bảo vệ dân oan, lên tiếng phản biện thường đối mặt với nguy cơ bị chính quyền cho là đối tượng nguy hiểm, phản động. Các luật sư này thường được “chăm sóc”, theo dõi rất kỹ. Đó là một điều đáng buồn bởi theo tôi nghĩ một xã hội muốn phát triển thì cần có phản biện xã hội.

Tôi nghĩ, mọi hoạt động của luật sư cũng không có mục đích gì khác ngoài mục đích mong muốn mọi công dân tuân thủ pháp luật Việt Nam. Theo tôi được biết, ông Trần Vũ Hải và vợ bị cáo buộc là có hành vi giúp cho người khác trốn thuế. Sự việc cụ thể là do ông Hải và vợ có nhận chuyển nhượng nhà đất của người khác, nhưng hai bên thỏa thuận về giá thấp hơn giá thị trường để nộp thuế ít đi so với thực tế. Tôi thấy những vi phạm như vậy chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Và nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì ông Hải không bị tước thẻ hành nghề.

Trong vụ này, tôi tin là cáo buộc nhắm vào ông Hải có động cơ chính trị. Bởi ông Hải tham gia nhiều vụ án, bào chữa và bảo vệ cho nhiều người trong đó có những người bị xét xử về những tội mang màu sắc chính trị. Hoặc có những người dân bị thu hồi đất trái pháp luật với số đông. Hoặc cũng có thể đây là một đòn dằn mặt giới luật sư…”.

Trở lại với tin rò rỉ “Thùy Tiên kiếm ít nhất 2-3 triệu USD trong nhiệm kỳ hoa hậu. Thu nhập của cô đến từ việc dự sự kiện, làm đại sứ cho nhiều thương hiệu, nhãn hàng trong nước và quốc tế”, tin chắc sẽ không đưa đến một nghi vấn hình sự nào ngay cả khi cô ấy “quên” đóng thuế. Hiểu rất rõ điều đó nên người ta thấy ngài Nawat Itsaragrisil rất thoải mái khi dùng số tiền triệu đô ấy để quảng bá cho cú áp phe khi một nhan sắc nào đó đăng quang.


Tin bài liên quan:

VNTB – Thuế thu nhập cá nhân là ‘điểm yếu’ của những nhà hoạt động xã hội dân sự?

Do Van Tien

VNTB – 3 ngón tay của Hoa Hậu: báo đảng lại sợ “nổi da gà”

Phan Thanh Hung

VNTB – Luật phòng, chống tham nhũng dùng để làm gì?

Phan Thanh Hung

1 comment

Công Tâm 07.10.2022 8:01 at 08:01

“Tội trốn thuế” – một vũ khí rất tài tình sáng suốt của chính quyền

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo