VNTB – Tòa Tối cao Mỹ bác bỏ chính sách tuyển sinh có yếu tố chủng tộc

VNTB – Tòa Tối cao Mỹ bác bỏ chính sách tuyển sinh có yếu tố chủng tộc

Trần Văn Đông

 

(VNTB) – Yếu tố chủng tộc trong chính sách tuyển sinh bị Toà Tối Mỹ cao phán là vi hiến, nhưng môi trường cạnh tranh công bằng về học thuật, giáo dục có lẽ còn lâu lắm mới xuất hiện tại Việt Nam.

 

Tòa Tối cao Mỹ bác bỏ chính sách tuyển sinh cân nhắc yếu tố chủng tộc

Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ chính sách tuyển sinh cân nhắc yếu tố chủng tộc. Quyết định này được đa số thẩm phán của tòa ủng hộ. Tòa cho biết việc cân nhắc yếu tố chủng tộc trong việc tuyển sinh đại học là vi hiến. (1) 

Tòa ra phán quyết trong các vụ kiện của tổ chức Students for Fair Admission chống lại Đại học Harvard và Đại học North Carolina.

Tổ chức này cho rằng các trường trên đã nhận học sinh người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha không đủ tiêu chuẩn, cũng như phân biệt đối xử với các ứng viên người Mỹ da trắng và người Mỹ gốc Á.

Các thẩm phán quyết định rằng các chính sách tuyển sinh này không phù hợp thể theo Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng của Hiến pháp, trong đó bảo vệ chống lại phân biệt đối xử.

Đa số thẩm phán nhất trí rằng các chính sách tuyển sinh thiếu “các chỉ tiêu có thể đo lường được” trong việc cân nhắc yếu tố chủng tộc.

Trong thư ngỏ, giới chức Harvard cho biết sẽ tuân thủ quyết định này. 

Tuy nhiên, theo họ thì giáo dục phụ thuộc vào một cộng đồng “gồm những cá nhân từ nhiều gốc gác và quan điểm khác nhau”.

Tổng thống Joe Biden chỉ trích phán quyết này và cho rằng Tòa Tối cao đã đi ngược lại các án lệ đã có hàng thập niên.

Ông nói: “Chúng ta cần giữ cánh cửa cơ hội rộng mở. Chúng ta cần nhớ rằng sự đa dạng là sức mạnh của chúng ta. Chúng ta phải tìm ra một con đường tiến về phía trước”.

Giới chức các bộ tư pháp và giáo dục có kế hoạch sẽ hướng dẫn thêm cho giới quản lý các trường đại học trong những tuần tới và sẽ tư vấn xem những chính sách cùng hành động nào là hợp pháp.

 

Ưu tiên khi thi đại học ở Việt Nam

Điểm ưu tiên khi xét điểm thi đại học từng là cơn ác mộng của người miền Nam sau 1975.

Tố Hữu ngày 17/6/1975 đã ký “Chỉ thị về công tác giáo dục ở miền Nam sau ngày hoàn toàn giải phóng”. Trong đó, nhà thơ nêu rõ quyết tâm xoá sạch “nền giáo dục lạc hậu và phản động của thực dân mới, của Mỹ – nguỵ ở vùng mới giải phóng, tích cực góp phần xây dựng con người mới và cuộc sống mới, đáp ứng yêu cầu cấp bách và lâu dài của cách mạng trên các mặt kinh tế, văn hoá và quốc phòng.” (2)

Với Nội dung giáo dục phổ thông là toàn diện, bao gồm giáo dục chính trị và đạo đức cách mạng, giáo dục văn hóa khoa học, giáo dục kỹ thuật, giáo dục lao động và giáo dục thể chất, thầy trò phải vừa tham gia lao động sản xuất và hoạt động xã hội.

Đối với học sinh dưới đại học, con em liệt sĩ, con em các gia đình có công với cách mạng được giúp đỡ đặt biệt đi học đến nơi đến chốn bằng nhiều biện pháp tích cực (mở trường nội trú, cấp học bổng, phụ đạo, v.v.). Ưu tiên tương tự về chủng tộc trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam dành cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số ở miền núi khó khăn, biên giới, hay hải đảo.

Tuyển sinh đại học  vào các trường sư phạm các cấp thì ưu tiên cho những người có phẩm chất đạo đức tốt, và dĩ nhiên không thể thiếu những chiến sĩ, cán bộ cách mạng trẻ tuổi, các đoàn viên thanh niên tốt, họ sẽ được tích cực bồi dưỡng văn hoá cho đủ điều kiện vào học.

Đội ngũ giáo chức của Mỹ, nguỵ đã đăng ký và xin làm việc với chính quyền cách mạng, nói chung đều được thu nhận, giáo dục và sử dụng. Nhưng trước khi sử dụng, cần phải cho họ học tập về chính trị và chuyên môn để họ hiểu được những vấn đề cơ bản về tình hình và nhiệm vụ cách mạng hiện nay, về đường lối giáo dục cách mạng, về nội dung và phương pháp giáo dục trong chương trình và sách giáo khoa mới. Có chuyện cười ra nước mắt là tiến sỹ ngôn ngữ Anh Mỹ tốt nghiệp ở Mỹ phải đi học lại ngôn ngữ Anh Anh do một người mới qua đại học giảng dạy.

14 loại lý lich được phân ra từ thành phần có công với cách mạng giảm dần cho đến gia đình của những người được cho là có tội với nhân dân khi đứng trong hàng ngũ của bên thua cuộc để áp dụng vào tuyển sinh đại học từ sau 1975 cho đến tận cuối những năm 80. Việc sàng lọc này đã khiến cho một lớp người ưu tú của miền Nam phải mai một, phải ra đi hoặc phải cam chịu đầy uất ức.

Học sinh ưu tú của miền Nam những năm cuối 70-đầu 80 chỉ có thể vào Nông – Lâm nếu may mắn có lý lịch xếp hạng 8-10, chớ đừng mơ Y – Dược – Bách Khoa. Nếu không có Nguyễn Mạnh Huy, 4 lần thi đậu đại học với điểm số cao nhưng không được học vì có cha là lính Việt Nam Cộng Hoà đã chết trận năm 1965 tức 10 năm trước “giải phóng”, thì sẽ vẫn còn rất nhiều Nguyễn Mạnh Huy khác phải hứng chịu sự trả thù của bên thắng cuộc.

14 loại lý lịch sau đó đã được loại bỏ, nhưng những ưu tiên dành cho con em dân tộc thiểu số, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, hay quân nhân vẫn được giữ nguyên. (3) Chiến tranh đã đi qua gần 50 năm, chiến tranh biên giới Việt Trung hay biên giới Tây Nam cũng đã khép lại gần 40 năm, nhưng ưu đãi cho diện chính sách vẫn được kéo dài dài.

Anh hùng lao động thời kỳ kháng chiến được phong tặng gần nhất là Mẹ Suốt ( phong tặng năm 1967), con của bà nếu còn chắc cũng đã ngoài 70. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cũng tương tự như thế. Người được phong tặng có khi đã được 100 tuổi nếu còn sống. Anh hùng lực lượng vũ trang trẻ nhất là ông Nguyễn Xước Hiện cũng đã có cháu nội. Ai giờ ở độ tuổi U90, U80 vẫn có em hay con bắt đầu đi học đại học ở tuổi 18-20?

Tương tự như với con của người hoạt động kháng chiến bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng giờ cũng đã 80-90 tuổi. Con họ nếu còn sống cũng đã hết tuổi học đại học đã lâu lắm rồi. Thế nhưng những tiêu chuẩn xét tuyển vẫn không thay đổi.

Con thương binh liệt sĩ trong thời bình có lẽ sẽ là những đối tượng con của 3 công an “hi sinh” ở Đồng Tâm;  Thượng uý công an Phan Tấn Tài hi sinh vì “bị ép xe” năm 2022 ở TP. HCM;  liệt sĩ CSGT,  thiếu tá Nguyễn Xuân Hào, bị xe tông tử vong ở Long An năm 2023; 4 liệt sĩ công an thiệt mạng ở DakLak  ngày 11/6/2023,…

Chế độ lý lịch vẫn còn được áp dụng cho nhưng ngành nghề đặc biệt khi tuyển sinh ví dụ như Công an. Không chỉ bản thân họ lý lịch 3 đời trong sáng, không dính dáng tới mỹ nguỵ hay công giáo, mà cả với người phối ngẫu cũng phải vậy.

Việc bù đắp cho những người “có công với cách mạnh, mất mát trong chiến tranh” đã kéo dài gần nửa thế kỷ vì thế đã tới lúc phải khép lại. Nhà báo Nguyễn Công Thắng năm 2005 đã viết: “Sự phân biệt đối xử trong chế độ tuyển sinh có lý lẽ sâu xa là nhằm bù đắp những thiệt thòi của con em diện chính sách, do phải gánh chịu nhiều đau thương, mất mát trong hai cuộc chiến tranh. Thế nhưng nếu áp dụng trong lĩnh vực tuyển sinh sẽ gây ra hậu quả là bóp nghẹt nhân tài đất nước, gây ra bất công xã hội và làm rạn nứt trong lòng dân tộc. Chúng ta có thể ưu đãi thật nhiều cho diện chính sách trong suốt quá trình học tập, nhưng đến lúc đi thi thì phải đối xử công bằng với tất cả mọi đối tượng, đặc biệt trong các kỳ thi quốc gia.

Gần 20 trôi qua kể từ bài báo này được đăng trên báo Thanh Niên,  diện chính sách vẫn được bảo vệ vững chắc trong giáo dục Việt Nam. Yếu tố chủng tộc bị Toà Tối cao phán là vi hiến ở Mỹ, nhưng môi trường cạnh tranh công bằng về học thuật, giáo dục có lẽ còn lâu lắm mới xuất hiện tại Việt Nam.

__________________

Ghi chú:

(1) Inquirer – US Supreme Court rejects affirmative action in university admissions
https://newsinfo.inquirer.net/1795465/us-supreme-court-rejects-affirmative-action-in-university-admissions

US Supreme Court rejects affirmative action in university admissions

(2) Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam -Chỉ thị về công tác giáo dục ở miền Nam sau ngày hoàn toàn giải phóng

https://dangcongsan.vn/doi-moi-can-ban-va-toan-dien-giao-duc-dao-tao/duong-loi-chinh-sach/chi-thi-ve-cong-tac-giao-duc-o-mien-nam-sau-ngay-hoan-toan-giai-phong-347264.html

(3) Thư Viện Pháp Luật – Chính sách cộng điểm ưu tiên tuyển sinh đại học năm 2023

https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/tu-van-phap-luat/46173/chinh-sach-cong-diem-uu-tien-tuyen-sinh-dai-hoc

 


 

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)