VNTB – Tự do tư tưởng, tự do học thuật trong môi trường nào?

VNTB – Tự do tư tưởng, tự do học thuật trong môi trường nào?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi đảng viên “phát huy tự do tư tưởng, học thuật”…

 

Cuối mùa quyền lực thường nói thật lòng?

Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ rời chức vụ Tổng bí thư khi khóa 13 của Đảng kết thúc. Ông đã ở vị trí đứng đầu Đảng suốt 3 nhiệm kỳ liên tiếp, trong khi Điều lệ Đảng chỉ cho phép tối đa là “2 nhiệm kỳ liên tiếp”. Ở bài diễn văn bế mạc Hội nghị trung ương 8 hồi cuối tuần qua, có lẽ ở tâm thế “cuối mùa quyền lực”, ông đã kêu gọi:

Tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo; trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành chính là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và động lực căn bản để xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức và phát huy vai trò, vị trí và sự cống hiến của trí thức, thực sự xứng tầm là nguyên khí quốc gia”.

Bối cảnh của bài diễn văn là trước các đảng viên thuộc nhóm tinh hoa nhất của khóa 13, do vậy cũng cần hiểu các kêu gọi trên, trước tiên là muốn nhắn gửi đến các đại biểu có mặt tại hội nghị.

“Phát huy tự do tư tưởng, học thuật” mà Tổng bí thư muốn nói đến liệu có mâu thuẫn với nỗi sợ lâu nay của ông về những “tự chuyển hóa – tự diễn biến” trong chính nội bộ Đảng?

Để tránh bị quy chụp vào các điều luật hình sự về chuyện “nói xấu Đảng”, ở đây muốn bàn thuần về ngữ nghĩa câu từ tiếng Việt, điều mà một giáo sư có bằng cấp về văn học như ông Nguyễn Phú Trọng chắc không ngại khi luận bàn.

Quyền tự do tư tưởng theo công ước quốc tế

Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (tiếng Anh: International Covenant on Civil and Political Rights, viết tắt: ICCPR) là một công ước quốc tế do Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 16-12-1966, có hiệu lực từ ngày 23-3-1976.

Công ước là một phần của hệ thống luật nhân quyền quốc tế, cùng với Công ước Quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được đặt dưới sự giám sát riêng của Ủy ban Nhân quyền, độc lập với Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

ICCPR nói rằng tự do tư tưởng là một quyền tuyệt đối. Trong Bình luận chung số 22 (1993), Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc khuyến cáo cần phân biệt tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo hoặc tín ngưỡng với tự do biểu đạt tôn giáo hoặc tín ngưỡng: “Không cho phép bất kỳ giới hạn nào đối với quyền tự do tư tưởng và lương tâm hoặc tự do có hoặc chấp nhận một tôn giáo hoặc tín ngưỡng theo sự lựa chọn của một người. Những quyền tự do này được bảo vệ vô điều kiện”.

Như vậy, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, một mặt phải tôn trọng những gì đã tuyên thệ lúc làm lễ kết nạp vào Đảng, mặt khác thì đảng viên đó vẫn không thể mất quyền tự do tư tưởng mang tính phổ quát được ICCPR quy định. Và nếu cách hiểu đó thật sự được tôn trọng, và lời kêu gọi ở diễn văn bế mạc Hội nghị trung ương 8 là “thành ý”, thì sắp tới đây cần điều chỉnh lại cách hiểu của “tự diễn biến – tự chuyển hóa”; qua đó yêu cầu “phê – tự phê” cũng sẽ có những lời thật lòng hơn, chân tình hơn mà không ngại bị chụp mũ phản động.

Tự do học thuật có tiếp tục chịu sự định hướng chính trị?

Mười năm trước, năm 2013, các thảo luận về Đề án đổi mới giáo dục được cho là sẽ “làm lay chuyển nền giáo dục”, đã bàn tới chủ đề tự do học thuật.

Luật Giáo dục đại học 2012 trong lần sửa đổi, bổ sung năm 2018 gần đây đã bổ sung điều khoản về tự chủ học thuật của cơ sở giáo dục đại học và giảng viên. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học có “quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn” và giảng viên có quyền “độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học”.

Mặc dù các điều khoản này không dùng thuật ngữ “tự do học thuật” nhưng vẫn thể hiện tinh thần của quyền này. Sửa đổi vừa nêu góp phần nâng cao quyền tự do học thuật của cả cơ sở giáo dục đại học và giảng viên.

Trên thực tế thì đến nay vẫn còn nguyên vẹn đó nỗi sợ hãi của giảng viên khi mà dưới góc độ cá nhân người giảng dạy – nghiên cứu, thì tự do học thuật được buộc phải hiểu là “tự do của một người trong việc giảng dạy và nghiên cứu nhằm tìm kiếm sự thật không giới hạn nhưng phải phù hợp định hướng chính trị ở từng thời kỳ mà Đảng đưa ra”.

Nếu giảng viên nào hiểu “tự do học thuật là tìm kiếm sự thật không giới hạn mà không gặp phải nỗi sợ hãi về hình phạt hay mất việc vì đã xâm phạm một quan điểm chính thống về chính trị, tôn giáo hay xã hội”, thì chắc chắn giảng viên đó sớm muộn gì cũng đối mặt với điều luật hình sự trong nhóm an ninh quốc gia.

Liệu lần này nếu thực hiện theo lời kêu gọi ở cuối mùa quyền lực của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, giới trí thức đã có thể được quyền tự do “đa nguyên học thuật – đa nguyên tư tưởng” trong giảng dạy ở bậc đại học, cho đến các ứng xử của “cống hiến tầm nguyên khí quốc gia”?

 

Tham khảo

https://vietnamthoibao.org/vntb-chua-thay-gi-moi-o-hoi-nghi-trung-uong-8-vua-ket-thuc/

https://vietnamthoibao.org/vntb-dung-tuyen-the-nhu-mot-thu-benh-hinh-thuc/


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)