Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tử hình tăng vì… án lệ?

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Án giết người ở Việt Nam dẫn đến mức tuyên tử hình sở dĩ tăng, vì… khi xét xử đã áp dụng ‘án lệ’ (?!)

 

Ở nhiều vụ án, do mâu thuẫn bột phát, bị can dùng hung khí nguy hiểm (dao, gậy) tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại nhưng mức độ và cường độ tấn công không mạnh, bị hại chỉ bị thương tích nhẹ (có vụ từ 3 – 6%), không có hậu quả chết người xảy ra.

Cơ quan điều tra khởi tố bị can về tội cố ý gây thương tích và được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. Tuy nhiên, đến giai đoạn xét xử, tòa án lại cho rằng phạm tội giết người và trả hồ sơ để điều tra bổ sung, có trường hợp trả nhiều lần, thậm chí tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm.

Sự khác biệt trong quan điểm như trên xuất phát từ việc áp dụng các án lệ, trong đó có án lệ số 47/2021. Tòa án chỉ căn cứ vào yếu tố “dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể”, và cho rằng người phạm tội có ý thức tước đoạt mạng sống của bị hại, mà không xem xét, đánh giá các yếu tố khác như mâu thuẫn giữa hai bên, cường độ tấn công, tỷ lệ thương tích…

Án lệ số 47/2021/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 25-11-2021 và được công bố theo Quyết định số 594/QĐ-CA ngày 31-12-2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Như vậy nếu ý kiến trên từ Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái là đúng, thì “án giết người” chỉ bắt đầu tăng kể từ đầu năm 2022.

Phản hồi ý kiến của Đoàn Đại biểu Quốc hội Yên Bái, phía Tòa án nhân dân tối cao cho biết: “Không phải trường hợp nào bị cáo có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại cũng áp dụng án lệ số 47/2021, mà chỉ xem xét áp dụng án lệ này trong trường hợp hành vi của bị cáo có đầy đủ các yếu tố nêu trên để xác định bị cáo phạm tội giết người thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt”.

Vậy án lệ đánh số 47/2021 có nội dung ra sao mà cử tri Yên Bái đã nhận định là, “yếu tố làm tăng số vụ án giết người trong phạm pháp hình sự, ảnh hưởng không nhỏ tới tỷ lệ điều tra, khám phá án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo chỉ tiêu Quốc hội giao”?.

Tình huống án lệ: Bị cáo dùng dao là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng bụng của bị hại là vùng trọng yếu của cơ thể con người. Bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo.

Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải xác định bị cáo chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ: Điều 18; điểm a, n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tương ứng với Điều 15; điểm a, n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Từ khoá của án lệ: “Dùng dao đâm”; “Hung khí nguy hiểm”; “Vùng bụng”; “Vùng trọng yếu của cơ thể”; “Giết người”.

Nội dung án lệ – trích phần nhận định của Tòa án nhân dân tối cao: “Mặc dù giữa Nguyễn Đình Đ và anh Cao Văn C không có mâu thuẫn trước đó, nhưng từ lời nói của anh C “Tao thích đánh nhau, thích đổ thêm dầu vào lửa đấy. Mày là thằng nào mà đến đây hổ báo”, Đ cầm dao (loại dao dùng làm hàng mây tre đan, chuôi gỗ dài 11 cm, lưỡi bằng sắt dài 13,5cm, đầu mũi dao nhọn hơi cong, bản dao nơi rộng nhất 2,5cm) chỉ vào mặt anh C nói “Mày thích đánh nhau à” rồi dùng dao đâm một nhát vào bụng anh C làm anh C bỏ chạy.

Như vậy, chỉ vì lời nói của anh C có tính chất thách thức, kích động mà Đ đã dùng dao nhọn là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng bụng (mạn sườn bên trái) của anh C là vùng trọng yếu trên cơ thể con người.

Theo kết luận giám định thì anh C bị thương tích 05%, và đây là thương tích ở thời điểm giám định (sau gần 05 tháng vụ án xảy ra), không phải thương tích ở thời điểm xảy ra vụ án, nên không phản ánh đúng thương tích của anh C và tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Việc anh C không chết là ngoài ý muốn chủ quan của Đ. Do đó, hành vi nêu trên của Đ đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người”, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt và có tính chất côn đồ”.

Quyết định: Căn cứ khoản 4 Điều 382, khoản 1 Điều 388, Điều 389 Bộ luật tố tụng hình sự:

1. Không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Giữ nguyên Bản án hình sự phúc thẩm số 01/2016/HSPT ngày 06-01-2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về tội danh và hình phạt đối với Nguyễn Đình Đ. là “tử hình”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Ai chịu trách nhiệm về phát biểu của khách mời?

Phan Thanh Hung

VNTB – Ngân hàng SCB có liên quan đến vụ án bà Trương Mỹ Lan

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Phê và tự phê trong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo