Đoàn Hưng Quốc
(VNTB) – Tiêu chuẩn ngành báo ở Mỹ nay lại là phân biệt tin thật phe ta chống tin giả phe địch, tức là nhà báo trở nên quan tòa.
Hậu quả của thời đại Trump là những cơ quan ngôn luận như CNN, New York Times… trước đây được xem như mẫu mực của nền tự do báo chí toàn cầu với các thông tin trung thực, nhưng nay thiên vị về một phía mà trở nên phiếm diện một chiều.
Không một nhà báo hay cơ quan ngôn luận nào có thể hoàn toàn trung lập giữa tả và hữu. Nhưng các báo lớn (báo chí nơi đây dùng theo nghĩa rộng gồm thông tin trên tivi, radio, Internet, báo giấy, v.v…) đều cố gắng giữ uy tín và tiêu chuẩn nghề nghiệp bằng cách phân biệt giữa phần thông tin đa chiều-trung thực và những bình luận thể hiện quan điểm của người viết hay của tờ báo.
Nhưng tiêu chuẩn ngành báo ở Mỹ nay lại là phân biệt tin thật phe ta chống tin giả phe địch, tức là nhà báo trở nên quan tòa. Uy tín đối với quần chúng nơi lập trường bênh Trump (Fox) hay chống Trump (CNN) còn thái độ trung lập bị gọi là thiếu xương sống.
Thông tin bị che dấu giữa các hàng tít lớn Black Live Matter biểu tình đòi công lý (CNN) thay vì bạo loạn cướp phá tài sản (Fox); bị bóp méo khi tin về phe địch bị toà soạn phê bình là thiếu kiểm chứng, thiếu trung thực hay bị giới chuyên gia bác bỏ (phe nào cũng viện dẫn chuyên gia phía mình.)
Phần quan điểm trở thành tuyên truyền khi những nhà bình luận nổi tiếng như Paul Krugman (Nobel kinh tế) hay Thomas Friedman (tác giả quyển Thế Giới Phẳng The World Is Flat) trên New York Times nay không cần đọc nửa do các lập luận ra rả một chiều. Nhiều ký giả uy tín trên CNN như Christian Amanpour hay Fareed Zakaria (tác giả của sách nổi tiếng The Future of Freedom và The Post-American World) nay trở thành hẹp hòi thiên vị. Thông tin bị kiểm duyệt khi toà soạn tờ New York Times quyết định không đăng bài của Thượng Nghị Sĩ Tom Cotton vì cho rằng kích động cánh hữu mà trong khi lại đăng 100% những bình luận từ cánh tả, cánh cực tả hay trung hữu.
Những tiêu chuẩn của nền tự do báo chí đều bị xâm hại: không thiên vị, không bóp méo sự thật, không tuyên truyền và không kiểm duyệt.
Uy tín của nền báo chí Hoa Kỳ xuống thấp đến mức ngay trong cộng đồng Mỹ gốc Việt có nhiều độc giả mặc nhiên gạt bỏ các bản tin trên Fox hay CNN là “tin giả”. Điều này chưa từng xảy ra trước Trump lúc mà CNN vẫn được xem như cơ quan thông tấn hàng đầu.
Nhưng để tránh ngộ nhận, các báo như CNN và New York Times vẫn là nguồn thông tin uy tín về quốc tế và những khía cạnh không liên quan đến Trump như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Trung Đông v.v… Tuy nhiên do ảnh hưởng của Trump bao trùm lên chính sách ngoại giao nên người đọc phải cẩn thận khi các báo này hạ thấp nhiều tin tức quan trọng như Bắc Kinh đàn áp Hồng Kông hay bang giao giữa Do Thái và nhiều nước Ả Rập trong những ngày gần đây, một phần vì không còn chỗ trống trên trang đầu (90% bài vở bênh hay chống Trump) phần khác không thể giúp Trump tăng uy tín trước ngày bầu cử.
Hai tập san Foreign Affairs và The Economist vốn được xem là khuôn vàng thước ngọc cho các tư tưởng về nền Trật Tự Tự Do Toàn Cầu (Liberal World Order) nay xuống cấp khi bị phong trào dân túy lên án là khăng khăng bảo vệ quan điểm của thành phần tin hoa ưu tú (elites) mà xa rời giới bình dân và công nhân Tây Phương.
Người viết nhớ đến nhà thơ Nguyễn Chí Thiện phê phán giới tinh hoa học thuật Tây Phương qua bài thơ viết cho Bertrand Russell “Ông là một bậc triết nhân Nhưng về chính trị ông đần làm sao Ông bênh Việt Cộng ồn ào Nhưng ông hiểu chúng tị nào cho cam.”
Trong khi thông tin dòng chính (mainstream media) bị soi mòn thì thông tin dòng phụ (alternative media) bùng phát trong các e-mail dẫn giải tin tức bài vở và trên Facebook, Twitter,… Facebook được xem là sàn thông tin thật ở các nước độc tài (cho đến khi bị các nhà độc tài ép buộc xóa bỏ thông tin) nhưng lại là sàn thông tin giả ở Âu-Mỹ (cho đến khi bị chính quyền Âu-Mỹ áp lực đục bỏ thông tin.) Làm thế nào một công ty lợi nhuận tư nhân như Facebook, Youtube hay Twitter đủ thẩm quyền để kiểm duyệt ngôn luận?
Tự do báo chí là nền móng thứ tư trong dân chủ nhưng hiện không có phương sách cũng cố vai trò báo chí khi mà phương tiện truyền thông tăng vọt cùng lúc với xã hội bị chia rẽ sâu sắc như ở Mỹ hiện nay. Điều soi mòn dân chủ không phải là tin giả mà khi người dân mang tâm lý hoang mang hoài nghi mọi thông tin để trở thành cuồng nộ hoặc là vô cảm.
Nếu so sánh thì nền chuyên chế Trung Quốc như một chiếc lòng vàng bưng bít thông tin. Nhà nước toàn quyền quyết định con chim nào xui xẻo bị mang ra làm thịt trong khi vẫn nuôi số còn lại no đủ ca hát trong lồng dù không có tự do!