Việt Nam Thời Báo

VNTB- Xử lý tham nhũng ở Việt Nam phải dứt điểm!

Đào Đức Thông
 
(VNTB) – Pháp luật cứ lôi bọn tham quan Hoà Thân thời nay ra xử, tịch thu tài sản là có ngay tiền làm đường làm cầu. Tiền ấy thực ra là tiền thuế từ mồ hôi, nước mắt của nhân dân  Việt Nam đóng góp xây dựng đất nước đã bị bọn Hòa Thân ăn chặn.
 
Từ kế hoạch vay vốn của Trung Quốc
 
Thời gian qua, dư luận trong và ngoài nước đang rất quan tâm đến vấn đề Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đề xuất Chính phủ vay từ ngân hàng Trung Quốc 7.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái.
 
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng vừa đồng thuận với đề xuất của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư. Diễn biến cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam đang bất chấp các rủi ro khi quyết định tiếp nhận các khoản vay  từ Trung Quốc vì thường phải đi kèm điều kiện sử dụng nhà thầu, công nghệ, máy móc của Trung Quốc.
 
Trong bối cảnh tàu Trung Quốc liên tiếp có những hành động khiêu khích trên biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam, khách du lịch và hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc quậy phá, vi phạm Pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam, v.v…thì phản ứng bất đồng quan điểm của dư luận trong và ngoài nước về khoản vay trên là dễ hiểu.
 
Thực ra, nhà cầm quyền Việt Nam cũng có vô số khó khăn trong việc thu xếp vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng cơ bản ở thời điểm này. Tham nhũng trong nước ngày càng cao, nợ công ngày càng tăng, nhưng ngân sách quốc gia lại eo hẹp. Tiền in trong khoản ấn định thì không đủ chi tiêu, còn in tùy tiện thì sẽ gây lạm phát. Hạ tầng không thông thì kinh tế ách tắc, đã khó lại càng thêm khốn, nên nếu  không đi vay nước ngoài thì tiền đâu mà làm đường, xây cầu?
Việt Nam có quyền tìm kiếm đối tác để vay và đương nhiên là các điều kiện có lợi thì mới vay. Điều kiện vay thế nào, vay ai phải xem xét cẩn trọng, không phải cứ có nguồn vay tốt mà không chú ý các hệ quả xấu sau này. Còn quyết định cuối cùng phụ thuộc vào từng dự án cụ thể, vay thế nào, sử dụng vốn ra sao. Từ những dự án trong quá khứ mà Việt Nam đang thực hiện có vay vốn của Trung Quốc  sáu đó  bị đội vốn, chính quyền Việt Nam phải lấy đó làm bài học trong việc tiếp nhận nguồn vốn vay từ nước ngoài để thực hiện các dự án trong tương lai.
 
Nhìn lại vụ án tham nhũng lớn triều Mãn Thanh
 
Cuối đời vua Càn Long ngân khố triều đình nhà Thanh (Trung Quốc) vô cùng eo hẹp. Khi Càn Long qua đời, vua Gia Khánh lên ngôi nắm được thực quyền, lúc ấy tên quan tham bậc nhất lịch sử Trung Hoa là Hòa Thân mới bị đem ra xét xử.
 
Vốn được bảo đảm bởi sự ưu ái của vua Càn Long, quan đại thần Hòa Thân đã làm loạn chốn quan trường. Trong những năm tháng làm quan, Hòa Thân đã vơ vét và thao túng, ăn hối lộ, tham nhũng của cải của nhân dân và triều đình Mãn Thanh. Của cải của Hòa Thân nhiều đến mức trong dân gian có tương truyền rằng “Cái Càn Long có Hòa Thân có, cái Càn Long không có chưa chắc Hòa Thân không có”. Những năm tại chức, Hòa Thân đặt ra luật “Nghị tội ngân” – lấy bạc để chuộc tội, nên quan lại trở nên tham nhũng khủng khiếp.
 
Trong 24 năm đứng núp dưới bóng vua Càn Long, Hoà Thân đã dùng quyền lực mà Càn Long ban cho để buôn quán bán chức, can thiệp chi tiêu, ăn chặn tới 88% vật phẩm, vàng bạc châu báu của triều đình, thâu tóm ở chốn thương trường.Tài sản của Hoà Thân được thống kê sơ bộ gồm: dinh thự 3.000 phòng, đất đai 8.000 mẫu, 42 ngân hàng, 75 hiệu cầm đồ, 100.000 lạng vàng nguyên chất, 65.000 lạng vàng bọc đồng, 95 triệu lạng bạc. Tổng tài sản của Hoà Thân bị tịch thu ước khoảng 1.100 triệu lạng bạc, tương đương số thu ngân khố của triều đình nhà Thanh thu trong 10 năm. Khi xử một quan tham Hoà Thân, ngân khố nhà Thanh từ cạn kiệt lại dồi dào. Vì thế trong dân gian có câu nói châm biếm vần miệng là: “Hòa Thân bị đổ, Gia Khánh vớ bở”.
 
Việt Nam thất thoát bao nhiêu từ xử lý không kiên quyết?
 
Trong những năm vừa qua, tham nhũng đã trở thành quốc nạn của đất nước Việt Nam, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với nhà cầm quyền, làm lung đoạn nền kinh tế, phá hoại an ninh quốc gia.
 
Vừa qua, trong báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ Việt Nam cho biết trong 10 năm qua ở  Việt Nam thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện là gần 60.000 tỉ đồng và trên 400 ha đất. Nhưng đến nay số tiền đã thu hồi cho nhà nước chỉ gần 5.000 tỉ đồng và hơn 200 ha đất. Như vậy con số tài sản thu hồi lại được chỉ chiếm gần 8%. Tham nhũng trong nước vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhất là đất đai, ngân hàng, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, tổ chức-cán bộ,v.v…chưa bị đẩy lùi.
 
Những con số nêu  trên đã nói lên tất cả và có sự khác biệt rất lớn giữa quan tham đời xưa và quan tham đời nay cũng như mức độ nghiêm trọng, ,mưu ma chước quỷ của quan tham ngày nay.
Lý giải việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp, người lãnh đạo của Thanh tra Chính phủ cho rằng do nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản. Thậm chí các quan chức tham nhũng đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt được, tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không còn khả năng khắc phục hậu quả.
Thủ đoạn của các quan tham trong việc  tẩu tán tài sản vô cùng tinh vi, như lấy tên người thân để đứng tên “chính chủ” tài sản và còn có vô vàn cách khác để tẩu tán tài sản. Một trong những con đường tẩu tán khá phổ biến, đó là gửi ở các ngân hàng nước ngoài, mua tài sản ở nước ngoài và các thương vụ mua bán với người nước ngoài. Bằng thủ đoạn bắt tay với người nước ngoài để kê khống, nâng giá trị của tài sản lên để chia chác. Như vụ việc Giang Kim Đạt (nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh công ty Vinashinlines) chiếm đoạt gần 19 triệu USD, sau đó “chuyển dịch” cho người thân, thậm chí tẩu tán ra nước ngoài… Những sự viện trên đặt ra vấn đề khá nhức nhối trong cuộc chiến chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam.
Làm gì để ngăn chặn quốc nạn tham nhũng?
 
Hiện nay cách làm việc của đảng và nhà cầm quyền Việt Nam còn độc tài thì việc công khai, minh bạch còn hạn chế, chưa xóa bỏ được cơ chế “xin-cho”, đấy chính là điều kiện dung dưỡng và làm tham nhũng nảy sinh nhiều.
 
Trong một số vụ án tham nhũng, nhiều tài sản do đối tượng chiếm đoạt đã được chuyển hóa thành tài sản của người thân và chuyển dịch ra nước ngoài. Khi phát hiện ra dấu hiệu của đối tượng tham nhũng, Cơ quan điều tra tiến hành khởi tố, bắt tạm giam thì tài sản đã bị chuyển hóa, bốc hơi, không thể thu hồi được. Từ thực tế đó, cần thiết bổ sung quy định cho phép cơ quan chức năng được quyền phong tỏa tài khoản của người thân đối tượng có dấu hiệu tham nhũng trong thời gian nhất định.

 

Từ vụ án tham nhũng trong lịch sử Trung Hoa của Hòa Thân, cho thấy đảng và nhà cầm quyền Việt Nam ngày nay không cần phải vất vả đi vay tiền ở đâu xa xôi. Nguồn tiền lớn đang ở ngay trong Việt Nam. Pháp luật cứ lôi bọn tham quan Hoà Thân thời nay ra xử, tịch thu tài sản là có ngay tiền làm đường làm cầu. Tiền ấy thực ra là tiền thuế từ mồ hôi, nước mắt của nhân dân  Việt Nam đóng góp xây dựng đất nước đã bị bọn Hòa Thân ăn chặn.

Tin bài liên quan:

VNTB – Cổ súy tam quyền phân lập không phải để nhằm chống nhà nước XHCN

Phan Thanh Hung

VNTB – “Phải kỷ luật, kỷ luật vài người để cứu muôn người”

Phan Thanh Hung

VNTB – Chơi khăm chữ nghĩa

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.