VNTB – Quản trị quốc gia: những vấn đề đặt ra trong nhiệm kỳ mới của Quốc hội Việt Nam

VNTB – Quản trị quốc gia: những vấn đề đặt ra trong nhiệm kỳ mới của Quốc hội Việt Nam

Lynn Huỳnh

(VNTB) – Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày Chủ nhật, 23/5/2021.

Bao cấp chính trị?

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Việc “lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026” ở đây, là các nhân sự được Đại hội Đảng lần thứ 13 dự kiến diễn ra vào quý 1-2020, bầu chọn, trong đó sẽ có nhân sự của Bộ Chính trị, và liệu ông Nguyễn Phú Trọng có tiếp tục ‘tín nhiệm’ hay không thì vẫn là câu hỏi bỏ ngõ.

Từ Chỉ thị số 45-CT/TW kể trên, cho thấy gần như Bộ Chính trị toàn quyền chi phối việc bầu chọn Quốc hội. Điều này nếu xét theo luật Hiến pháp thì là vi phạm, vì hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn luôn khẳng định Quốc hội là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất.

Liên quan các vấn đề quản trị quốc gia cần mạnh dạn thoát khỏi ‘bao cấp chính trị’, nhà báo Nguyễn Đức Tính, báo Pháp Luật TP.HCM, bày tỏ quyền công dân cho đòi hỏi “Tôi muốn” được hiến định tại Điều 28.1 “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”:

“Tôi muốn quốc gia có thể cân bằng ngân sách, củng cố kinh tế nội địa mà không lệ thuộc vào các chiêu trò bẩn của ‘bạn vàng’ chính thể Trung Quốc.

Tôi muốn Tiếng Nói Công dân sẽ luôn cất lên bằng mọi phương thức, biểu thị. Tiếng nói Công dân sẽ át đi cái mồm điêu toa mị dân của 1 số kẻ vì lợi ích nhóm, bè phái, vây cánh để giành lại sự đoàn kết chung tay của mọi công dân vì lợi ích Quốc gia.

Tôi muốn “Chúng ta có thể” tạo ra, xây dựng một Chính phủ có trách nhiệm với Đất nước. Một Chính phủ biết xấu hổ “giải tán” khi nội các có kẻ tham nhũng, vô lại, khoác lác… Một Quốc hội đủ quyền năng lập pháp, luận tội bất kỳ quan chức nào phạm pháp, vi hiến và tống cổ chúng vào tù.

Chúng ta có nhiều vấn đề cần giải quyết mà một mình Chính phủ không thể. Khi chính công dân phó mặc cho Chính phủ hành động, vận hành theo sự duy ý chí, mù tối, luẩn quẩn… Chính chúng ta, con cái, người thân chúng ta sẽ gánh lấy hậu quả từ kinh tế, giáo dục, tư pháp đến môi trường….

Tôi muốn, mỗi người là một công dân biết lên tiếng, phản tỉnh, cảnh giác với các chính sách sai trái.

Tôi mong chúng ta Thức tỉnh hàng giờ, hàng ngày”.

Quản trị quốc gia không đơn giản là cái lò đốt tham nhũng

Ở Việt Nam trong mấy năm gần đây không ít ý kiến khen ngợi về việc ông Nguyễn Phú Trọng đã ‘thức thời’, từ việc e dè ‘ném chuột sở vỡ bình quý’, cho tới ‘đốt lò tham nhũng’ từng cháy tưng bừng các ‘củi đảng viên’, ‘củi gộc quan chức’ ở cấp ủy viên trung ương đảng.

Thế nhưng các hành động ‘cách chức hồi tố’ của ông tổng bí thư lại không thuyết phục về căn cứ pháp lý; thậm chí đó còn là vi hiến, vì ở điều 4.3, Hiến pháp ghi rằng, “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Một dẫn chứng để minh họa cho phần “Tôi muốn” kể trên của nhà báo Nguyễn Đức Tính, đó là câu chuyện về một phiên bản Thủ Thiêm ở thành phố Nha Trang.

Vụ việc này mà được quản trị theo luật pháp, có lẽ các bề trên đỡ đầu phải xộ khám lâu rồi, chứ không phải vẫn ung dung tự tại, mà ngay cả ‘lò ông Trọng’ cũng không ‘bắt lửa’ được số ‘củi gộc’ này.

Đó là dự án nghỉ dưỡng Sông Lô, Nha Trang, Khánh Hòa với chủ đầu tư là một bà trùm nổi tiếng ‘bà Tư Hường’ (1935 – 2017).

Mới đây, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã gửi văn bản đến các cơ quan trung ương để yêu cầu làm rõ 12 điểm sai phạm của dự án nghỉ dưỡng Sông Lô. Đây là dự án mà người dân Nha Trang thưa kiện gần 20 năm qua như người dân ở bán đảo Thủ Thiêm, Sài Gòn.

Tương tự như Thủ Thiêm, năm 2001, Thủ tướng phê duyệt dự án cho bà Tư Hường có tổng diện tích 180 ha. Tuy nhiên chính quyền Khánh Hòa đã ‘tiện tay’ lấy luôn các phần đất nằm ngoài diện tích mà Thủ tướng phê duyệt. Về sau, chính quyền Khánh Hòa cũng ‘học theo sách Lê Thanh Hải’ trong vụ Thủ Thiêm, thông báo với dân rằng các bản đồ mà người dân viện dẫn trong chuyện thu lố, hiện không có lưu trong cơ quan quản lý địa chính.

Ngoài ra, chính quyền tỉnh Khánh Hòa thu hồi đất, nhưng không ban hành quyết định thu hồi đến các hộ dân, cũng như phương án đền bù, tái định cư theo quy định của Luật Đất đai các năm 1993, 2003 và 2013.

Mặt khác, theo Luật Đất đai, chủ đầu tư dự án Sông Lô khi thỏa thuận ‘thu hồi đất’ của người dân, thì đó là dự án kinh tế thương mại, nhưng lại tiến hành bồi thường theo giá nhà nước áp dụng cho các công trình an ninh quốc gia, công trình công cộng. Điều này, theo giác độ nào đó, tương tự như vụ cưỡng chế khu vườn rau Lộc Hưng, phường 6, Tân Bình – TP.HCM, tháng 12/2019.

Nếu ở Việt Nam có được một Quốc hội đủ quyền năng lập pháp, luận tội bất kỳ quan chức nào phạm pháp, vi hiến và tống cổ chúng vào tù, thì có lẽ ít nhất cũng không để oán than ngút trời như ở Thủ Thiêm, Sông Lô, Lộc Hưng, và còn rất nhiều nơi khác nữa trên cả nước.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Tran Hoat 4 years

    Rất nhiều người ủng hộ ý kiến của nhà báo Nguyễn Đức Tính,nhưng sự thật có được như thế hay không mới quan trọng