New York Times (6/9/2014) có một bài điều tra về sự mua chuộc ảnh hưởng Washington của nước ngoài thông qua các tổ chức nghiên cứu độc lập (think-tank) uy tín của Mỹ… Điều đó cho thấy chính sách đối ngoại của Washington ít nhiều bị tác động từ những chiến dịch vận động hậu trường (lobby) từ các think-tank…
Gõ cửa Washington
Các thỏa thuận ký kết năm ngoái của Bộ Ngoại giao Na Uy đã rõ ràng: Với 5 triệu USD, đối tác Na Uy tại Washington sẽ thúc đẩy các quan chức hàng đầu tại Nhà Trắng, Bộ Tài chính và Quốc hội tăng gấp đôi chi tiêu cho một chương trình viện trợ nước ngoài Hoa Kỳ. Tuy nhiên, người nhận tiền không phải là một trong những công ty vận động hành lang làm việc mỗi năm thay mặt cho chính phủ nước ngoài. Đó là Trung tâm Phát triển Toàn cầu, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, tức think-tank, một trong nhiều nhóm như vậy tại Washington mà giới lập pháp, quan chức chính phủ và giới truyền thông từ lâu đã dựa vào để cung cấp các phân tích chính sách độc lập cũng như chương trình học bổng. Hơn 10 nhóm nghiên cứu Washington nổi tiếng đã nhận được hàng chục triệu đôla từ các chính phủ nước ngoài trong những năm gần đây nhằm thúc đẩy quan chức chính phủ Hoa Kỳ áp dụng các chính sách có lợi cho phía tài trợ.
Số tiền này đang làm biến đổi thế giới, think-tank thành cánh tay cơ bắp của các tổ chức vận động hành lang thuộc chính phủ nước ngoài tại Washington. Và nó đã đặt ra loạt vấn đề: Một số học giả nói rằng họ đã bị áp lực để đưa đến những kết luận nghiên cứu có lợi cho chính phủ nước ngoài nào bỏ tiền tài trợ. Các think-tank không tiết lộ những điều khoản thỏa thuận mà họ đạt được với chính phủ nước ngoài. Và họ cũng không đăng ký với Chính phủ Hoa Kỳ khi đứng ra làm đại diện các nước tài trợ, điều có thể, trong một số trường hợp, là phạm luật.
Kết quả, các nhà hoạch định chính sách, vốn thường dựa vào think-tank, đã không nhận thức được vai trò của các chính phủ nước ngoài tài trợ cho nghiên cứu. Luật sư Joseph Sandler cho biết thỏa thuận giữa chính phủ nước ngoài và các think-tank Mỹ “đã mở ra một cánh cửa hoàn toàn mới cho thấy khía cạnh của sự ảnh hưởng mua chuộc tại Washington trước nay chưa từng được biết”.
Các thỏa thuận liên quan những think-tank có ảnh hưởng nhất Washington được biết gồm Viện Brookings, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (ISIS) và Hội đồng Đại Tây Dương. Mỗi think-tank này đều nhận tiền từ các quỹ nước ngoài, dùng in ấn phát hành tài liệu liên quan chính sách, tổ chức diễn đàn hội họp với giới chức cấp cao Chính phủ Hoa Kỳ trong khuôn khổ phù hợp với các chương trình nghị sự của chính phủ nước ngoài. Hầu hết nguồn tài trợ đến từ châu Âu, Trung Đông và vài nước châu Á, đặc biệt các quốc gia sản xuất dầu như Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar và Na Uy. Nguồn tài trợ thể hiện dưới nhiều hình thức. UAE, nguồn tài trợ chính của ISIS, đã lặng lẽ tặng hơn một triệu USD để giúp nâng cấp hạ tầng bóng lộn cho trung tâm này, cách không xa Nhà Trắng.
Qatar, quốc gia Trung Đông nhỏ nhưng giàu có, năm ngoái đã đồng ý đóng góp 14,8 triệu USD trong 4 năm cho Viện Brookings nhằm gây quỹ cho một phân nhánh Brookings ở Qatar, đồng thời cho một dự án về quan hệ Hoa Kỳ với thế giới Hồi giáo. Một số học giả cho rằng, sự đóng góp đã dẫn đến thỏa thuận ngầm rằng các nhóm nghiên cứu sẽ kiềm chế không chỉ trích chính phủ tài trợ. “Nếu một thành viên Quốc hội sử dụng báo cáo từ Brookings, họ cần phải biết rằng họ đã không nhận được đầy đủ thông tin”nhận xét của Saleem Ali, người từng làm việc tại Trung tâm Brookings Doha tại Qatar. Ali cho biết, ông đã được nhắc rằng, ông không thể chỉ trích Chính phủ Qatar trong các tài liệu báo cáo nghiên cứu.
Sự chi phối và ảnh hưởng
“Việc của chúng tôi là tạo ra ảnh hưởng chính sách bằng các nghiên cứu học thuật, độc lập, dựa trên các tiêu chí khách quan; và để thích hợp với việc hoạch định chính sách, chúng tôi phải tham gia với các nhà hoạch định chính sách”, Martin S. Indyk, Phó chủ tịch và Giám đốc chương trình chính sách đối ngoại của Brookings nói, một trong những think-tank lâu đời nhất và uy tín nhất Washington. “Tiền của chúng tôi là uy tín của chúng tôi”, phát biểu của Frederick Kempe, Giám đốc điều hành Hội đồng Đại Tây Dương, một trung tâm nghiên cứu phát triển đang phát triển nhanh, chuyên nghiên cứu các vấn đề quốc tế và đã nhận đóng góp từ ít nhất 25 quốc gia kể từ năm 2008.
Tuy nhiên, trong hợp đồng và văn bản nội bộ, các chính phủ nước ngoài thường nói rõ những gì họ mong đợi từ các nhóm nghiên cứu mà họ tài trợ. “Tại Washington, sẽ rất khó cho một đất nước nhỏ bé tiếp cận được giới chính trị gia, quan chức và chuyên gia có uy tín”, ghi nhận trong một báo cáo nội bộ thuộc Bộ Ngoại giao Na Uy. “Tài trợ cho think-tank là một trong những cách tiếp cận”báo cáo viết tiếp.
Giới chức nước ngoài mô tả các mối quan hệ với think-tank là quan trọng để chiến thắng ảnh hưởng trên sân khấu Washington, nơi hàng trăm quốc gia luôn tìm cách gây chú ý với Chính phủ Hoa Kỳ. Cách thức tiếp cận của họ khác nhau: Một số quốc gia làm việc trực tiếp với các think-tank, phác thảo hợp đồng để xác định phạm vi và hướng nghiên cứu. Một số nước khác thì góp tiền cho think-tank và sau đó chi cho các tổ chức vận động hành lang và tư vấn quan hệ công chúng để thúc đẩy think-tank “quảng bá” chương trình nghị sự nước mình.
Ranh giới giữa nghiên cứu và vận động hành lang đôi khi khó phân biệt. Năm ngoái, Nhật Bản bắt đầu nỗ lực thuyết phục quan chức Mỹ thúc đẩy đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do được gọi là Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản. Chiến dịch lobby của họ được thực hiện thông qua Hãng lobby Akin Gump tại Washington DC. Thế là các chuyên gia lobby Akin Gump tiếp cận một số thành viên có ảnh hưởng trong Quốc hội và cả nhân viên của họ, trong đó có trợ lý của hai dân biểu Cộng hòa là Charles Boustany Jr và Dave Reichert. Kết quả, tháng 10/2013, các nghị sĩ Mỹ lập ra nhóm “Những người bạn của đối tác xuyên Thái Bình Dương”.
Để tăng cường uy tín cho nhóm, giới chức Nhật còn vận động bên ngoài Quốc hội. Trong vòng vài tuần, họ nhận được ủng hộ từ ISIS, nơi mà Nhật Bản đã đóng góp tài chính lâu năm. Trong bốn năm qua, ISIS đã được Nhật tài trợ 1,1 triệu USD cho “nghiên cứu và tư vấn” nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư trực tiếp giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ. ISIS còn tiếp đón nhiều viên chức cấp cao Nhật Bản, gồm Hiroshi Waguri thuộc Bộ Quốc phòng, hoặc Shinichi Isobe, viên chức điều hành một tổ chức thương mại Nhật.
Qatar và UAEhai quốc gia có căn cứ quân sự Hoa Kỳ và đều xem sự hiện diện quân sự của Mỹ là cần thiết cho an ninh quốc gia họđã đặc biệt tích cực trong việc tài trợ cho các think-tank Mỹ. Hai nước này lại tranh nhau để lôi kéo và định hình cách nhìn phương Tây về họ. Qatar cho rằng, Huynh đệ Hồi giáo là niềm hy vọng tốt nhất của thế giới Arập cho dân chủ, trong khi UAE tìm cách thuyết phục các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ tin rằng, Brotherhood là mối đe dọa nguy hiểm cho sự ổn định của khu vực.
Các nước nhỏ thấy rằng họ có thể đạt được ảnh hưởng lớn nhờ hợp tác với các think-tank Mỹ. Có lẽ ví dụ tốt nhất là Na Uy. Là một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, thành viên NATO và là chuyên gia đàm phán hòa bình tại các điểm trên toàn thế giới, Na Uy đã thành công sử dụng think-tank để mang lại lợi ích riêng. Họ đã đóng góp ít nhất 24 triệu USD cho các think-tank Mỹ trong bốn năm qua. Tài liệu thu được tiết lộ rằng các think-tank Mỹ, sau khi nhận được tiền từ Na Uy, đã tìm ủng hộ từ Washington nhằm tăng cường vai trò Na Uy trong NATO, thúc đẩy kế hoạch mở rộng khai thác dầu mỏ ở Bắc Cực và đẩy mạnh chương trình nghị sự biến đổi khí hậu mà Na Uy đề nghị.
Na Uy là nhà tài trợ chính cho nỗ lực bảo vệ rừng trên thế giới. Tuy nhiên, trong khi nhiều nhà hoạt động môi trường hoan nghênh vận động hành lang của nước này thì một số ý kiến khác cho biết, việc làm chậm nạn phá rừng có thể “mua thêm thời gian” cho các công ty dầu Na Uy tiếp tục bán nhiên liệu hóa thạch trên thị trường toàn cầu ngay cả khi Na Uy và các nước khác thúc đẩy mới chính sách giảm carbon. Na Uy cũng tài trợ cho nghiên cứu Bắc Cực tại ISIS, vào thời điểm mà quốc gia này đang tìm cách mở rộng khoan dầu ở khu vực Bắc Cực. Trong một báo cáo tháng 3/2013, các học giả từ ISIS đã kêu gọi Chính phủ Obama tăng cường sự hiện diện quân sự Mỹ tại Bắc Cực, để bảo vệ những nỗ lực khai thác năng lượngmột yêu cầu rất có lợi cho Na Uy.
Có một trường hợp cho thấy sự “nhạy cảm đặc biệt quan trọng” khi nói đến quan hệ giữa các think-tank và chính phủ nước ngoài. Qatar với Viện Brookings là thí dụ. Ban điều hành Brookings nói rằng, các nhà nghiên cứu của họ “không bị ảnh hưởng bởi quan điểm của các nhà tài trợ”, ở phân nhánh Qatar cũng như tại tổng hành dinh ở Washington DC. Họ cũng chỉ ra một số báo cáo được công bố tại Trung tâm Brookings. Tuy nhiên, có lẽ phải có một lý do gì đó mà việc chỉ trích Qatar không bao giờ hiện diện trong các báo cáonghiên cứu của Brookings về nước này!
Theo PetroTimes