Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lạm bàn về ‘đối lập trên mạng’

quyền tự do báo chí

 

Nguyễn Hiền

(VNTB) – Dĩ nhiên, Việt Nam vẫn chưa xuất hiện hình thái một tổ chức đối lập, trên cơ sở một hệ thống an ninh đủ rộng và sâu để dập tắt mọi tổ chức hình thành từ trong trứng nước, nhưng mạng xã hội đã tạo ra một ‘đối lập trên mạng’, như cách mà nhà nghiên cứu lịch sử cận hiện và đương đại Việt Nam, ông Francois Guillemot, đến từ Đại học Sư phạm Lyon (ENS de Lyon) nói với BBC News Tiếng Việt.

Chính thể Việt Nam lo sợ đối lập hình thành trong và ngoài nước đối với các chủ trương, chính sách và đường lối của Nhà nước Việt Nam, mà cụ thể là tổ chức ĐCSVN.

Vào ngày 21/12/2014, Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị cho ngành Công an “nắm chắc tình hình, không để xảy ra hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước”! Và hiện nay, Việt Nam cũng xác định lực lượng chính trị thứ ba với hàm nghĩa chung chung là ‘thế lực thù địch’.

Thế lực thù địch cũng được diễn giải nhiều qua sự kiện ĐCSVN ban hành một văn bản cấm Đảng viên không được bàn đến xã hội dân sự. Nếu xét trên phương diện ‘thế lực thù địch’, thì có thể hiểu đa nguyên cũng là một hình thái ‘chính trị đối lập’, và xã hội dân sự là yếu tố nằm trong đó.

Cách mà Nhà nước Việt Nam tìm cách bao quát ‘thế lực thù địch’ nhằm ngăn chặn ‘đối lập chính trị’ cũng lan dần sang trấn áp các tiếng nói đối lập trên mạng, những người thường xuyên chỉ trích hoặc có những quan điểm đối lập hoàn toàn với các chủ trương – chính sách của đảng và nhà nước Việt Nam. Sự hình thành Luật an ninh mạng, hay hàng dài facebooker bị bắt hoặc phạt hành chính gần đây là biểu hiện của cách thức di chuyển hạ cấp từ ‘chính trị đối lập’ sang ‘tiếng nói đối lập’.

Trong buổi chất vấn Quốc Hội gần đây, người đứng đầu cơ quan Bộ Công an và Bộ Thông tin – Truyền thông cũng tiếp tục đặt khái niệm ‘an ninh quốc gia’ khi đề cập đến các hiện tượng xảy ra trên mạng xã hội (chủ yếu là Facebook). Điều đó cho thấy, bản chất của vấn đề hiện nay chính là Nhà nước Việt Nam nhìn nhận Facebooke đã trở thành một nơi mà tiếng nói bất đồng (thậm chí là đối lập hoàn toàn) diễn ra mạnh mẽ nhất, và sẽ là nguồn cơn để trở thành nơi tụ tập ở một tổ chức đối lập ngoài đời.

Một bài viết với tiêu đề ‘Nhận diện những kẻ cầm đầu các tổ chức mới chống phá Việt Nam’ trên báo CAND vào tháng 7/2019, có thể dễ dàng nhận ra các tổ chức như ‘Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời’, ‘Triều đại việt’ có sự liên kết và tập hợp được trong quá trình tương tác trên mạng xã hội.

Thế nhưng, con số để đi từ ‘đối lập’ hay ‘bất đồng’ trên mạng để trở thành ‘đối lập chính trị’ hay ‘tổ chức chính trị đối lập’ là hiếm hoi. Câu chuyện ở đây không phải là ‘tổ chức chính trị đối lập’, mà là ‘tiếng nói bất đồng’ trên mạng xã hội.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – chủ tịch HĐND TP.HCM, trong buổi tiếp xúc cử tri quận Thủ Đức sáng 14/12/2018 khi bình luận về hiện tượng thiếu niềm tin về đảng. Bà nhận định, ‘Tôi không nghĩ người dân chửi Đảng mà thực tế là họ có bất bình, phê phán một số cán bộ đảng viên trong quá trình thi hành công vụ thiếu tôn trọng người dân, biến chất và tha hóa đạo đức’.

Thực ra, nếu xét trên phương diện của bà Tâm, thì đó là bất đồng chính kiến, là phản ứng mà niềm tin của người dân đối với hiện tượng nảy sinh trong đảng và nhà nước quá nhiều. Nhưng rõ ràng, khi hiện tượng đó nhiều đến mức lặp đi lặp lại, và hiện diện ở phạm vi ngày càng rộng trên mạng xã hội thì trở thành một hình thái ‘chửi đảng’, hay đúng hơn là ‘đối lập trên mạng xã hội’.

Những gì ĐCSVN hay nhà nước Việt Nam làm sẽ bị nghi ngờ và phê phán, phản ứng.

Điều mà người dân, các nhà nghiên cứu, quan sát đang xem xét là cách thức mà Nhà nước Việt Nam đáp trả đối với các hiện tượng rộng lớn đó trên mạng. Và dường như, theo một quỹ đạo cũ, là bắt giam.

Vào ngày 15/11, ông Nguyễn Năng Tĩnh, 43 tuổi, từng là giảng viên âm nhạc ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nghệ An được đưa ra xét xử vì ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,’ theo điều 117 của bộ luật hình sự Việt Nam.

Và ông John Sifton, Giám đốc vận động Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố trong một bài viết được đăng tải trên website của tổ chức này, ‘Nguyễn Năng Tĩnh là người mới nhất trong một chuỗi dài các nhà bất đồng chính kiến bị nhắm vào vì đăng tải thông tin và lên tiếng phê phán trên Facebook’.

Khi các tổ chức chính trị đối lập bị dập từ trứng nước, thì trấn áp bất đồng chính kiến trên mạng xã hội, dập tắt các tiếng nói ‘đối lập’ trên mạng có phải là mục tiêu tiếp theo của Nhà nước Việt Nam, trong bối cảnh rất nhiều Facebooker phải hầu tòa và bị án tù dài hạn?

Và đó có phải là cuộc tấn công rộng lớn thiếu tính khoan dung nhắm vào quyền tự do ngôn luận, khi mà Việt Nam vẫn đang là thành viên các Công ước về quyền con người, cũng như đã ký kết các hiệp định thương mại tự do mà nhân quyền (tự do ngôn luận) là một trong số những quyền cần được đảm bảo?

Làm thế nào để có thể ngăn chặn ‘đối lập trên mạng’ khi gốc gác vấn đề là sự sai trái của cơ chế vẫn tiếp tục tồn tại, gây tổn hại lợi ích người dân? Nhà tù nào cho đủ khi ‘đối lập trên mạng’ vẫn ngày càng nở rộ khi gốc gác vấn đề không được sửa chữa mà chỉ nhằm vào trấn áp quyền của công dân?

 

Tin bài liên quan:

Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam Công Bố Giải Nhân quyền Việt Nam 2020

Phan Thanh Hung

VNTB – Lý thuyết Nghị viện của thế giới vì sao lại khó áp dụng ở Việt Nam?

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam ở đâu trong tiến trình dân chủ hóa?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo