VNTB – Truyện Ngắn: Một cuộc chiến tranh

VNTB – Truyện Ngắn: Một cuộc chiến tranh

Trần Thế Kỷ

 

(VNTB) – Cuộc chiến cuối cùng đã kết thúc. Nó phải kết thúc. Nó không thể không kết thúc khi một bên đã quá mệt mỏi với cuộc huynh đệ tương tàn còn bên kia vẫn đang say máu đồng bào. Những người con hai miền nước Việt vừa cùng nhau viết nên chương sử đau thương nhất, cay đắng nhất của dân tộc họ.

Một chương sử đầy bi hận mà chỉ những kẻ vô nhân tính mới huênh hoang về nó.

 

Rời Paris một ngày đầu năm 1972, tôi tới Sài Gòn để làm việc tại Trung Tâm Văn Hóa Pháp theo lời mời của giám đốc Trung Tâm. Lúc này cuộc chiến Việt Nam vẫn đang tiếp diễn chưa biết khi nào kết thúc.

Với tôi đây cũng là cơ hội để nâng cao hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa Việt. Những người bạn Việt ở Pháp đã cho tôi ấn tượng tốt đẹp về đất nước này.

Sau mấy ngày tham quan thủ đô của miền Nam Việt Nam, tôi đến thăm giáo sư Nguyễn Ngọc Thuần, một người có hiểu biết uyên bác về ngôn ngữ Việt . Gia đình ông ở một ngôi nhà xinh xắn trong một hẻm cụt đường Hai Bà Trưng, không xa chỗ tôi làm là mấy.

Giáo sư Thuần vốn người Hà Nôi, di cư vào Nam năm 1954. Vợ chồng giáo sư có ba người con là Vinh, Phượng và Vũ. Vinh bằng tuổi tôi, là trung tá ở Bộ Tổng Tham Mưu, còn Phượng, Vũ đang là sinh viên.

Được biết giáo sư Thuần vốn là bạn cũ của giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, người có hai bằng tiến sĩ Luật và Văn chương Pháp. Sau năm 1954, người chọn miền Nam, kẻ chọn miền Bắc. Trong những lần trò chuyện với tôi, giáo sư Thuần đều tỏ ý tiếc cho giáo sư Tường.

Ông ấy sẽ mãi mãi hối hận về lựa chọn của mình. Ông ấy là một tài năng nhưng tài năng đó chẳng làm được gì trong một chế độ như thế.

Trong những cuộc gặp khá thường xuyên với giáo sư Thuần, tôi đều được chỉ bào tận tình và cung cấp nhiều tư liệu quí về ngôn ngữ Việt Nam nên nhờ thế trình độ tiếng Việt của tôi ngày càng mở rộng. Thời gian ở Việt Nam tôi thường đọc các tờ báo Việt. Tôi đặc biệt thích tờ Đông Phương mà chủ bút là bà Vân Sơn Phan Mỹ Trúc.

                                               *           *

                                                     *                                                 

 

Trung tá Vinh, con cả của giáo sư Thuần, cho tôi rất nhiều thiện cảm. Anh không chỉ am hiểu về quân sự mà còn thông thạo tiếng Anh và Pháp. Anh còn biết chơi cả đàn Piano lẫn Guitar. 

Thấy Vinh  yêu âm nhạc, tôi hỏi anh nghĩ thế nào về dòng nhạc phản chiến đang khá thịnh hành mà người nhạc sĩ nổi bật là Trịnh Công Sơn. Vinh đáp ngay:

Người ta hát nhạc phản chiến đơn giản là vì chẳng ai muốn chiến tranh. Ai cũng muốn sống trong hòa bình. Người lính chúng tôi nhiều khi cũng hát nhạc phản chiến vì chúng tôi nào ưa thích chiến tranh. Chúng tôi buộc phải cầm súng để bảo vệ miền Nam tự do. Trường hợp Trịnh Công Sơn thì có phần khác. Trong bài “Gia Tài Của Mẹ”, anh ta gọi ai đó là “Bọn lai căng, lũ bội tình”. Anh ta chửi đổng nhưng chúng tôi thừa biết anh ta chửi ai. Trong khi người lính chúng tôi xả thân để bảo vệ tự do cho miền Nam, để những người như Trịnh Công Sơn được tự do sáng tác thì anh ta lại tỏ ra rất bạc. Theo tôi, hai chữ “bội tình” rất thích hợp để gọi chính anh ta. Người ta cứ yêu nhạc Trịnh Công Sơn, cứ hát nhạc Trịnh Công Sơn nhưng đừng bao giờ quên đó là một kẻ rất vô ơn.

                                             *              *

                                                     *

 

Đến Việt Nam chưa bao lâu tôi đã được sống trong một mùa hè nóng bỏng mà báo chí lúc đó đã gọi nó bằng một từ đầy ấn tượng : Mùa Hè Đỏ Lửa  

Cuối tháng Ba năm 1972, hai sư đoàn bộ đội Bắc Việt với sự hỗ trợ của nhiều trung đoàn xe tăng và pháo binh , vượt vĩ tuyến 17. Đồng thời một sư đoàn khác với xe tăng yểm trợ từ Lào vượt qua Khe Sanh, tiến vào thung lũng sông Thạch Hãn.

Bị đánh bất ngờ , quân đội Việt Nam Cộng Hòa phải rút lui. Ngày 2 tháng Tư, phía Việt Nam Cộng Hòa bỏ Mai Lộc , căn cứ cuối cùng của họ ở phía Tây. Mấy tuần sau , bộ đội Bắc Việt chiếm thị xã Đông Hà. Rồi  thị xã Quảng Trị  rơi vào tay họ. Trước đó nhiều sư đoàn khác của Bắc Việt cũng ồ ạt tấn công tỉnh Bình Long nằm về phía Bắc Sài Gòn.

Ngày 12 tháng Tư , tiếng súng rền vang trên mặt trận Tây Nguyên. Hàng chục ngàn bộ đội Bắc Việt tấn công các cứ điểm quanh Đak Tô và Tân Cảnh . Hơn mười ngày sau hai nơi này thất thủ. Hàng ngàn binh lính Việt Nam Cộng Hòa rút chạy về Kon Tum.

Điều mà thế giới đặc biệt chú ý là quân đội Việt Nam Cộng Hòa rút tới đâu thì dân chúng kéo theo tới đó . Họ quá khiếp sợ cộng sản . Những cuộc thảm sát kinh hoàng như vụTết Mậu Thân ở Huế vẫn in sâu trong ký ức họ . Báo chí thế giới gọi sự di tản của dân chúng miền Nam là “Bỏ phiếu bằng chân”!

Không thể phủ nhận phía Bắc Việt đã có một mở đầu hoàn hảo. Tôi hỏi trung tá Vinh rằng liệu Việt Nam Cộng Hòa có thể đứng vững hay không, anh đáp một cách quả quyết:

Đúng là chúng tôi bị bất ngờ . Chúng tôi đã đánh gia sai đối phương. Nhưng chỉ là thất bại tạm thời. Sau khi bổ sung thiệt hại và tổ chức lại , chắc chắn chúng tôi sẽ đánh bại kẻ thù.

Quả đúng như anh nói, sau khi tổng thống Nguyễn Văn Thiệu giao quyền chỉ huy cho một nhà quân sư có tài là trung tướng Ngô Quang Trưởng, quân đội Việt Nam Cộng Hòa, với sự yểm trợ hỏa lực tối đa của Mỹ, đã khiến Cộng quân phải lui về phòng ngự. Hai tháng sau quân Việt Nam Cộng Hòa đã chiếm lại thành cổ Quảng Trị. Tại An Lộc, mấy sư đoàn cộng quân cũng bị đánh bật phải từ bỏ ý đồ bao vây Sài Gòn. Trên các phương tiện truyền thống ở miền Nam lúc ấy, người ta thường xuyên thấy những khẩu hiệu đầy tự hào của quân dân Việt Nam Cộng Hòa như: “Bình Long anh dũng”, “Kon Tum kiêu hùng”, “Trị Thiên vùng dậy”,…

Chiến dịch kết thúc, cả hai bên đều chịu thiệt hại nặng nề với hàng trăm ngàn người thương vong. Trên những nẻo đường tôi đi qua chốc chốc lại nhìn thấy những đám tang với lá cờ Việt Nam Cộng Hòa phủ trên quan tài. Một lần đến thăm giáo sư Thuần, tôi thấy Phượng đang khóc nức nở. Vũ cũng khóc. Thì ra Phượng vừa mất người yêu. Đó là Minh, trung úy biệt động quân, đã hy sinh trong trận An Lộc. Cả hai hẹn sẽ lấy nhau sau khi Phượng ra trường. Thế mà…Nỗi đau của Phượng cũng là nổi đau của hàng vạn gia đình trên khắp đất nước này. Cuốn “Mùa Hè Đỏ Lửa” của nhà văn Phan Nhật Nam được đánh giá là tác phẩm văn học đầy giá trị vì nó viết một cách chân thực về mùa hè đẫm máu này.

                                                *             *

                                                       *

Sau nhiều phen đàm phán tới lui, Hiệp định Paris được ký kết vào tháng Một năm 1973. Đối với Mỹ, đây là cách giúp họ thoát khỏi cuộc chiến đã làm họ hao người tốn của. Đối với Bắc Việt thì đây là mọi thắng lợi quan trọng vì đã đạt được ý đồ là người Mỹ phải rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam. Nhưng với Việt Nam Cộng Hòa đó lại là một thất bại khó nuốt trôi. Việt Nam Cộng Hòa được nhận định sẽ khó đứng vững một khi người Mỹ ra đi vì lực lượng thua kém hẳn Bắc Việt. Người Mỹ đến đất nước này cho bằng được giờ lại muốn đi cho bằng được. Họ muốn phủi tay tất cả, phủi sạch sẽ.

Ngay trong chính giới Mỹ đã có những tiếng nói phản đối kịch liệt hiệp định trên, cho rằng Mỹ đã bỏ rơi đồng minh một cách đáng hổ thẹn. Người phản đối mạnh mẽ nhất chính là thống đốc bang California là Ronald Reagan, người sau này trở thành một tổng thống vĩ đại của nước Mỹ. Ông là người luôn ủng hộ sự tham chiếm của Mỹ ở Việt Nam, xem đó là một nghĩa vụ của Mỹ đối với chính nghĩa tự do. Trong thời kỳ làm thống đốc California, Ronald Reagan thì hành đường lối cứng rắn đối với những sinh viên phản đối chiến tranh Việt Nam ở các trường đại học.

-Mỹ là người bạn bất trung. Trung tá Vinh có lần tâm sự với tôi. Nhưng dù gì Việt Nam Cộng Hòa vẫn sẽ trường tồn.

                                               *              *

                                                       *

Ngày 19 tháng Một năm 1974, một trận đánh bất ngờ xảy ra trên biển Đông thu hút sự quan tâm của thế giới. Đó là trận chiến giữa Hải quân Việt Nam Cộng Hòa với Hải quân Trung Quốc. Một cuộc đọ sức giữa gã khổng lồ và chàng tí hon. Do cán cân lực lượng quá chênh lệch nên Việt Nam Cộng Hòa đành để mất quần đảo Hoàng Sa vào tay quân xâm lược.

Bộ tư lệnh Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa yêu cầu sự trợ giúp của Đệ Thất hạm đội Mỹ để tái chiếm nhưng Mỹ từ chối. Có thể xem đây là một sự tái khẳng định của Mỹ rằng họ không còn là đồng minh chí cốt của Việt Nam Cộng Hòa. Song điều đáng nói nhất lại chính là thái độ của Bắc Việt. Trong khi phía Việt Nam Cộng Hòa không ngừng ra tuyên bố về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa thì phía Bắc Việt lại im lặng một cách khó hiểu. Phải chăng giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã có thỏa thuận mờ ám nào đó trong vụ việc này?

                                             

                                              *                *

                                                       *

Xin nhận nơi này làm quê hương” là tên một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang. Nó thường xuyên được hát bởi những người Việt có tấm lòng với quê hương thời chinh chiến: “…Xin nhận nơi này làm quê hương dẫu chưa thanh bình”.

Tôi nhớ độ cuối tháng Ba hay đầu tháng Tư năm 1975, tờ báo Đông Phương đăng một tít lớn trên trang nhất: Thôi nhận nơi này làm quê hương! Số báo hôm ấy có bài viết về một giáo sư đại học ở Sài Gòn vừa cùng gia đình bỏ nước đi sang Úc trên một chiếc ca nô. Dường như ông ta linh cảm sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa chỉ là vấn đề thời gian. Nhiều người chắc cũng nghĩ như ông. Sớm hay muộn miền Nam cũng rơi vào tay cộng sản. Mà có lẽ chẳng người dân nào lại muốn sống dưới sự cai trị của những người cộng sản.

Tình hình miền Nam lúc đó đang rất nguy ngập. Việc Phước Long thất thủ tháng Giêng năm 1975 rồi tới  Ban Mê Thuật cũng rơi mốt vào tay Cộng quân hai tháng sau đã là một đòn choáng váng mà đối phương giáng vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu quyết định rút quân trên địa bàn Tây Nguyên về giữ miền duyên hải Trung Bộ. Mấy ngày sau hầu như toàn bộ quân đoàn II bị tiêu diệt trong cuộc rút quân của họ.

Nhiều người cho rằng sai lầm của Nguyễn Văn Thiệu là đã biến một cuộc rút lui chiến thuật thành một cuộc tháo chạy tán loạn. Từ đó tình trạng hoang mang, mất tự tin lan tràn trong quân đội dẫn tới sự tan rã nhanh chóng khó lòng cứu văn của quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Theo tôi sai lầm của ông Thiệu là điều khó phủ nhận. Nhưng còn một điều quan trọng không kém chính là lòng quân đã sa sút từ lâu. Nhiều người lính Việt Nam Cộng Hòa mà tôi có dịp gặp gỡ đều cho biết họ rất chán nản với cuộc chém giết lẫn nhau giữa những người Việt máu đỏ da vàng. Họ mong muốn cuộc chiến, cách này hay cách khác, chấm dứt càng sớm càng tốt. “Mẹ Việt Nam khóc đã quá nhiều rồi. Mẹ không còn nước mắt để khóc nữa”, một người bảo tôi.

                                               *                  *

                                                        

Trong khi Việt Nam Cộng Hoà đang sống thoi thóp những ngày cuối cùng thì láng giềng của họ, nước Campuchia tự do, cũng đang  trong cơn hấp hối. Ngày 17 tháng Tư năm 1975, quân Khmer Đỏ ồ ạt tiến vào thủ đô Phnom Penh trong sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Lonnol, biến Camphuchia thành một nhà tù khổng lồ. Điều này có vẻ sẽ lập lại ở Việt Nam một khi Cộng quân tiến vào Sài Gòn.

Ngày 21 tháng Tư năm 1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức. Trong bài diễn văn ra đi mà vẫn được mọi người gọi là “diễn văn chửi Mỹ”, ông ta đã dùng lời lẽ nặng nề lên án người bạn Mỹ. Nhiều lần ông cố kiếm chế không để rơi những giọt nước mắt cay đắng.

Người lên thay Nguyễn Văn Thiệu là phó tổng thống Trần Văn Hương, một cụ già rất chân tình . Tôi nhớ mãi những lời tâm huyết ông nói với quốc dân: “…Tôi sẽ không đi đâu hết. Tôi sẽ gởi nắm xương tàn ở đất  nước này”.

Dù rất kính trọng ông nhưng tôi tự hỏi liệu một cụ già như ông có thể làm được gì trước tình cảnh rệu rã của Việt Nam Cộng Hòa.

Chỉ sau một tuần làm Tổng thống, cụ Hương phải nhường vị trí này cho tướng Dương Văn Minh , người mà cụ trước đó tỏ ra không mấy thiện cảm. Phải chăng người Mỹ đã dàn xếp chuyện này vì họ nghĩ rằng Bắc Việt có thể chấp nhận thương lượng với ông ta. Sau này tôi được biết tướng Minh có một người em trai là đại tá trong quân đội Bắc Việt.

Tối hôm ấy , trong lần gặp gỡ cuối cùng với trung tá Vinh, tôi hỏi anh có hy vọng gì vào tướng Minh không thì anh lắc đầu, vẻ buồn bã:

-Đừng ai chờ đợi gì ở một kẻ từng phản bội tổng thống Ngô Đình Diệm.

Sáng hôm sau Sài Gòn đắm chìm trong hỗn loạn. Cộng quân nã pháo tới tấp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, phá hủy nhiều phi cơ. Các tuyến phòng thủ của Việt Nam Cộng hòa bị chọc thủng từ mọi hướng. Sài Gòn hoàn toàn bị cô lập. Nhiều binh sĩ vất bỏ vũ khí về với gia đình, không còn ý chí chiến đấu.

Và chuyện phải đến đã đến. Sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975 Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện với quân đội Bắc Việt. Những lời này được phát đi phát lại trên sóng phát thanh. Sau mỗi lần phát người ta lại nghe thấy những hát: “Đừng kể Bắc, đừng kể Trung, đừng kể Nam làm gì…”.

Nhiều người Bắc di cư vào Nam năm 1954 sau này nói với tôi rằng khi nghe những lời đầu hàng của Dương Văn Minh, họ thấy buồn não nề, rằng 20 năm trước bỏ nhà cửa, ruộng vườn vào Nam tưởng đã thoát được cộng sản vậy mà vẫn không thoát.

Tối hôm đó tôi đến nhà giáo sư Thuần với ý nghĩ biết đâu có thể giúp họ được điều gì. Khi tôi tới trước cửa nhà thì nghe tiếng khóc nức nở. Tôi vội bước vào thì thấy một cảnh tượng đau lòng. Phượng, Vũ và vợ giáo sư Thuần đang khóc nức nở bên xác một người nằm trên chiếc giường con. Đó chính là người bạn thân của tôi , trung tá Vinh. Anh đã tự sát bằng một viên đạn bắn vào đầu sau khi nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Giáo sư Thuần ngồi thẫn thờ ở góc phòng. Tôi qùi xuống bên xác Vinh. Tôi khóc cho anh, khóc cho dân tộc này. Ngoài trời mưa rơi lất phất. Những giọt mưa tựa như nước mắt của đất trời.

Cuộc chiến cuối cùng đã kết thúc. Nó phải kết thúc. Nó không thể không kết thúc khi một bên đã quá mệt mỏi với cuộc huynh đệ tương tàn còn bên kia vẫn đang say máu đồng bào. Những người con hai miền nước Việt vừa cùng nhau viết nên chương sử đau thương nhất, cay đắng nhất của dân tộc họ.

Một chương sử đầy bi hận mà chỉ những kẻ vô nhân tính mới huênh hoang về nó.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)