VNTB – An toàn là trên hết

VNTB – An toàn là trên hết

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Tân chủ tịch nước có ngay bài diễn văn sau nghi thức tuyên thệ là một kịch bản rập khuôn mang tính an toàn.

 

Gọi là rập khuôn vì bài diễn văn được viết trau chuốt mà chẳng cần đến sự tinh ý, người nghe dễ dàng nhận ra đây là bài chuẩn bị sẵn để ông tân chủ tịch nước đọc như một quy định của nghi thức trước các đại biểu Quốc hội và ống kính truyền hình.

Tân chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phải đến cuối năm nay mới tròn tuổi 53, và ông hiện được ghi nhận là chủ tịch nước trẻ nhất trong lịch sử ở miền Bắc Việt Nam tính từ năm 1945, và cả nước tính từ tháng 4-1975.

Đường học vấn của ông thấy khai trong lý lịch được công khai như sau: Năm 1988, Võ Văn Thưởng trúng tuyển đại học, theo học chuyên ngành Triết học Marx-Lenin tại Khoa Triết học, trường Đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP.HCM).

Năm 1992, ông tốt nghiệp Cử nhân Triết học Marx-Lenin. Sau đó, ông theo học cao học chuyên ngành Triết học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, nhận bằng Thạc sĩ Triết học năm 1999 với luận văn về đạo đức trong sinh viên, học sinh TP.HCM.

Năm 2017, ông được trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vinh danh vào danh sách 10 gương mặt cựu sinh viên tiêu biểu của nhà trường.

Ngày 18 tháng 11 năm 1993, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam, trở thành đảng viên chính thức vào ngày 18 tháng 11 năm 1994. Trong quá trình hoạt động Đảng và Nhà nước, ông theo học các khóa tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhận bằng Cao cấp lý luận chính trị.

Xuất thân ở một trường từng là Đại học Văn khoa Sài Gòn một thuở nên dàn trợ lý của ông Võ Văn Thưởng đã rất khéo léo khi soạn diễn văn ở đoạn kết cho tân chủ tịch đọc ra mắt Quốc hội bằng mượn mấy câu thơ trong thi phẩm “Những đêm hành quân” của Xuân Diệu, và trước đó là câu thể tự sự: “để nói thay lòng mình về cam kết của tôi với Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước trong hành trình sắp tới”.

Nếu cho phép được diễn giải mà không ngại bị quy chụp đều luật hình sự 117 hay 331, thì có lẽ người chấp bút soạn diễn văn mà tân chủ tịch nước đã đọc liền mạch ngay sau nghi thức tuyên thệ nhậm chức, đang muốn ‘ve vuốt’ ngài tân chủ tịch nước bằng một ngôn ngữ thơ ca của “ý tại ngôn ngoại” mang tính dân túy.

Vì sao lại chọn bốn câu thơ:

” Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi

Cùng đổ mồi hôi cùng sôi giọt máu

Cùng sống với cuộc đời chiến đấu

Của triệu người yêu dấu gian lao?

Một nhà báo nữ đã bình phẩm đại để thế này: Với bốn câu thơ đó, nó có nghĩa là sắp tới đây ngài sẽ cùng nếm cái hoang mang của hàng vạn công nhân trong làn sóng thất nghiệp. Ngài cũng sẽ toát mồ hôi giữa cái nắng chói chang của đội quân xe công nghệ. Và dĩ nhiên lúc đó ngài sẽ thấu cái đói rã ruột của bao kẻ cơ nhỡ ở chốn hè phố.

Khi đã cùng xương thịt với nhân dân, nghĩa là ngài cũng sẽ phát sốt khi bị hành lên hành xuống bởi các thủ tục công quyền rắc rối. Rồi đây ngài cũng sẽ hoa mắt chóng mặt với sự chồng chéo của các chính sách, các ban ngành ngay trong chính đảng của ngài.

Có thể sắp tới đây người dân cần lao mà ngài muốn gắn bó xương thịt sẽ được thấy là ngài sẽ chiến đấu trong tư thế của những cần lao! Ngài sẽ chỉ ra những sai phạm bất công mà chẳng hề sợ bị gọi là “thế lực thù địch”, là “diễn biến hòa bình” hay “tự diễn biến” như lúc ngài còn giữ chức Thường trực Ban bí thư.

Và nếu có một ngày, ngài đi vi hành trong nơi dân nghèo bị cướp đất, thì mãi mãi sẽ không còn kẻ ba hoa về “một  trận đánh đẹp”…

Đúng là thật sự hồng phúc cho dân tộc này khi có một tân chủ tịch nước tâm nguyện cùng xương thịt với giới cần lao – cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu của liêm chính mưu sinh – cùng sống với cuộc đời như hàng triệu người dân yếu thế đang phải cúi đầu trước bạo quyền, trước đe dọa của những điều luật hình sự sẵn sàng tống người ta vào chốn lao tù nếu như cứ mãi thắc mắc cho đòi hỏi về quyền con người, dù đó là con người xã hội chủ nghĩa…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)