Hoàng Lan Mộc Châu
(VNTB) – Chính quyền cộng sản tạo ra cho mọi người cảm giác phải phụ thuộc vào đảng
Trong cuốn “48 Laws of Power”, luật số 11 (1), Robert Greene kể câu chuyện về một condottiere, một chỉ huy lính đánh thuê ở Ý thời trung cổ. Ông có công lớn cứu cả thành Venice. Dân biết ơn vô cùng, nhưng kết quả thảm thương đã đến với ông ta.
Theo câu chuyện, một condottiere, đã được thành phố Venice thuê để chiến đấu chống lại kẻ thù. Ông ta là một nhà lãnh đạo quân sự giàu kinh nghiệm và nổi tiếng là người dũng cảm và thành công trong trận chiến, đã cứu dân thành phố này khỏi tay kẻ thù. Dân chúng muốn tưởng thưởng ông về những cống hiến vô giá của ông cho thành phố, nhưng họ không tìm được phần thưởng nào xứng đáng dù đã đưa ông lên làm Thống Đốc của họ. Trớ trêu thay, thời gian trôi qua, dân Venice trở nên cảnh giác với sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của người lính đánh thuê này. Họ nhận ra rằng họ tiếp tục phụ thuộc, chịu ơn quá nhiều vào ông, ông đang thể trở thành mối đe dọa đối với quyền lực của người dân, nói cách khác họ trở thành kẻ nô lệ của ông. Hai điều này khiến họ đi đến quyết định biến ông ta thành vị thần bất tử, Thánh Bảo Hộ của thành phố…
Đây là một câu chuyện cảnh báo về sự nguy hiểm của việc một người, hay một chính quyền nào đó, đã hay đang trở nên quá cần thiết đối với người dân.
Đó là tình trạng của đảng cầm quyền tại Việt Nam nói riêng và với một số nước khác còn nằm trong tay cộng sản nói chung, nơi chính quyền ra sức tìm cách này cách khác khiến người dân phải luôn biết ơn họ, lệ thuộc vào họ cả vật chất lẫn tinh thần, hòng tước bỏ quyền lực của dân và áp đặt ách nô lệ một cách khéo léo trên họ.
“Ơn Bác ơn Đảng”- với bác, đảng viết hoa – là điều ĐCSVN rất muốn người dân từ mới sanh ra, cho đến khi nhắm mắt lìa đời đều phải thuộc nằm lòng. Họ muốn bất cứ thứ gì cho dân, dân cũng phải chịu ơn. Dân phải hiểu bất cứ điều gì có được đều nhờ đảng, nhờ bác. Đảng nhắc đi nhắc lại, bơm vào đầu óc mỗi người sống dưới chế độ cộng sản câu kinh nhật tụng, “Không có bác, không có đảng thì có được ngày nay không?” Nhiều người bị tiêm nhiễm và trở thành con vẹt nuôi của đảng.
Chính quyền cộng sản tạo ra cho mọi người cảm giác phải phụ thuộc vào đảng, người dân phải cúi đầu niệm câu kinh về đảng.
“Đảng là cuộc sống của tôi”
Đảng là cuộc sống của tôi, mãi mãi đi theo người.
Từ tuổi còn thơ đời tôi chưa sống gió.
Đảng đã cho tôi lẽ sống niềm tin, giữa biển khơi biết đâu là bờ.
Bầu trời xanh chưa thấy bao giờ.
Đảng là một ngôi sao sáng, sáng nhất trong muôn vì sao giữa trời tối đêm mịt mùng.
Vẫn một màu sáng trong.
Đảng làm nên bài ca chiến thắng cho đất nước và tình yêu.
Cho mọi ước mơ trên đời vui.
Ôi Đảng của tôi ơi! Mãi mãi ơn người! (Nhac Nguyễn Đức Toàn)
Về Bác! Con cháu phải xem bác là thánh thần của dân tộc.
Cả làng đau mắt xưa nay
Bác về, như có bàn tay diệu kỳ
Tình thương lòng Bác chở che
Giếng sâu trong vắt bốn bề khơi lên
Bác cho con gái mắt huyền
Cụ già mắt sáng trẻ em mắt tròn (Thơ Phan Thị Thanh Nhàn)
Bằng cách mê hoặc, nhồi sọ, tẩy não dân chúng từng giờ, từng ngày, từ lúc còn là bé mẫu giáo trở lên, ĐCSVN có quyền lực và khả năng kiểm soát dân chúng trong bất kỳ tình huống nào. Điều phụ thuộc này có thể ở dạng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, kỹ năng, kiến thức hoặc tài nguyên. Khi người dân trở nên phụ thuộc vào chính quyền, họ sẽ mất khả năng thách thức quyền lực, vì họ sợ mất những gì chính quyền cung cấp.
Việc phải phụ thuộc vào nhà nước từ cân gạo, bó rau, cái kim, sợi chỉ hay miếng vải màn cho phụ nữ hàng tháng bây giờ đã qua, nhưng người dân càng bị phụ thuộc vào chính phủ ở nhiều lĩnh vực to lớn hơn, tinh vi, quan trọng sâu rộng hơn, ví dụ chỉ có một hệ thống thông tin, dù có nhiều báo đài, nhưng đều trong tay kiểm soát của nhà nước; chỉ cho phép một công đoàn và vài hệ thống bảo hiểm y tế quốc doanh hay núp bóng nhà nước, đảng muốn người dân bị phụ thuộc hoàn toàn vào chính phủ. Bằng cách chỉ có một hệ thống thông tin của đảng, hạn chế các lựa chọn về công đoàn và bảo hiểm y tế, chính phủ có thể kiểm soát và giám sát hoạt động của nhân dân dễ dàng hơn, cũng như hạn chế ảnh hưởng của các quan điểm và tư tưởng của dân trong nước. Điều này dẫn đến tình trạng tăng quyền lực và sự kiểm soát của chính phủ đối với người dân. Dân phải phụ thuộc vào chính phủ để nhận được sự hỗ trợ vật chất, và phải suy nghĩ, hành động theo ý muốn của đảng.
Trong xã hội bị cai trị bởi đảng duy nhất, đảng luôn thực hành rất nhiều mánh lới, dẫn người dân vào tròng biết ơn và tuân phục họ.
Sự lệ thuộc vào một đảng khiến người ta trở nên yếu đuối, mất sức đề kháng, dân mất tự chủ, tự do, mất luôn cả nhân quyền.
Phụ thuộc vào đảng, chính phủ vì mong được an toàn cho bản thân và gia đình có thể khiến các cá nhân dễ bị tổn thương và trở thành nô lệ như chính quyền muốn. Điều này có thể dẫn đến việc mất quyền tự quyết cá nhân và làm suy yếu khả năng của một người trong việc chống lại bất kỳ hành vi lạm quyền nào của đảng, chính phủ.
Sự phụ thuộc khiến người dân dễ dàng dâng hai tay xin “dâng hiến” con người mình, gia đình mình cho đảng, chính phủ, khiến sự giám sát và kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đối với cá nhân và toàn xã hội càng chặt chẽ, dẫn đến mất quyền riêng tư và quyền tự do của con người. Trong nhiều trường hợp điều này cũng có thể dẫn đến vi phạm nhân quyền.
Bị “hành là chính”, nhưng xong việc vẫn cúi đầu hân hoan cảm ơn, khi có việc đến công sở là một hình thức bị áp bức, vi phạm nhân phẩm, đi ngược lại việc thúc đẩy quyền tự do cá nhân và nhân quyền. Điều quan trọng đối với các cá nhân và xã hội là phấn đấu hướng tới sự độc lập, tự túc và tự quyết, thay vì dựa vào người khác để đáp ứng nhu cầu của họ. Do đó, điều quan trọng là các cá nhân phải duy trì mức độ tự túc và độc lập, đồng thời ủng hộ và thực hiện các quyền của mình với tư cách là công dân.
Tuy nhiên trong xã hội mà chiến lược của đảng cầm quyền là tìm cách bắt mọi người phải luôn tỏ lòng biết ơn và từ bỏ nhân vị, nhân quyền để phục vụ đảng, nhà nước, cũng có không ít người thoát được cái vòng kim cô. Họ là những người, nếu là đảng viên thì bị kết tội tự diễn biến, tự chuyển hóa, nếu là dân thường thì bị gán cho là phản động:
Tâm trí cởi mở và yêu tự do: Sẵn sàng xem xét những ý tưởng và quan điểm mới. Họ không ngần ngại bỏ qua điều gì đó chỉ vì nó khác với những gì đã quen, đã bị nhử mồi.
Chấp nhận sự thay đổi: Nhận ra rằng sự thay đổi là điều cần thiết và thường hằng trong cuộc sống và việc thích nghi với các tình huống mới là cần thiết cho sự phát triển và tiến bộ.
Linh hoạt: Không cứng nhắc trong suy nghĩ hay hành động. Sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết dựa trên thông tin mới hoặc hoàn cảnh thay đổi.
Không ngừng học hỏi: Đầu tư vào giáo dục và phát triển cá nhân. Luôn cập nhật các xu hướng và tiến bộ trong lĩnh vực hoặc ngành của mình.
Làm quen với những quan điểm đa dạng: Tìm kiếm và tương tác với những người có nền tảng, kinh nghiệm và quan điểm khác, giúp mở rộng quan điểm riêng và thách thức các giả định của mình.
Trở lại câu chuyện của người lính đánh thuê. Dân đã biến ông thành vị Thánh Bảo Hộ thành phố bằng cách giết chết ông ta.
Bài học áp dụng cho ĐCSVN, tổ chức lúc nào cũng kể lể công lao của họ, muốn người dân phải ghi ơn và thuần phục, đi ngược lại việc thúc đẩy quyền tự do cá nhân và nhân quyền. Điều quan trọng đối với các cá nhân và xã hội là phấn đấu hướng tới sự độc lập, tự túc và tự quyết, thay vì dựa vào chính quyền hay đảng để được đáp ứng nhu cầu chính đáng và sự tự do của họ.
Đừng tưởng dùng xảo thuật bắt người dân phụ thuộc vào chính quyền làm cho con người yếu đi, mất đi sức đề kháng, mất đi sự riêng tư, tự do, thậm chí cả nhân quyền là dân sẽ mãi mãi vâng phục, chịu mất quyền lực, mất nhân phẩm, nhân quyền, cúi đầu nghe theo đảng, làm nô lệ cho đảng. Có ngày người dân sẽ đứng lên bắt đảng tự xử đi, hay dẫn đảng qua cầu Bridge of Sighs đi đến quảng trường Piazza San Marco! (1)
_______________
Tham khảo
(*) The 47 Laws of Power. Robert Greene. Penguin Books 2000. 76th Printing. Page 82