Hàn Lam
(VNTB) – Định hướng của Việt Nam trong giai đoạn tới là thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Hội nghị cấp cao Việt Nam – Mỹ về Đầu tư và Đổi mới sáng tạo được tổ chức trong khuôn khổ hoạt động trong chương trình chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 đến 11-9 của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Theo thông cáo báo chí, định hướng của Việt Nam trong giai đoạn tới là thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Theo đó, ưu tiên các dự án như công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ hiện đại, xây dựng kết cấu hạ tầng, hoạt động nghiên cứu và phát triển,… Đây cũng là những lĩnh vực mà Mỹ có tiềm năng và thế mạnh. Hợp tác giữa hai nước trong những lĩnh vực này có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau để hai bên cùng phát triển.
Xem ra trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Phú Trọng nếu có lần tái bản thì cần tu chỉnh các kiến thức mang tính hàn lâm mà tác giả đã ‘sáng tạo’.
Bàn về nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, theo tác giả Nguyễn Phú Trọng thì hai giải pháp đầu tiên mà ông đề cập trong cuốn sách là: (i) đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; và (ii) phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các nhà lý luận Đảng đã khen ngợi hai giải pháp đầu tiên này của tác giả, đại khái rằng, “Việc khẳng định phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, thêm một lần nữa chúng ta tuyên ngôn với thế giới về một mô hình kinh tế thị trường được tiếp thu, kế thừa các giá trị của các mô hình kinh tế thị trường trên thế giới, tôn trọng những quy luật và nguyên tắc chung của kinh tế thị trường nhưng mang bản sắc Việt, phù hợp với lịch sử phát triển cũng như hiện trạng nền kinh tế, phù hợp với con đường mà dân tộc Việt Nam đã lựa chọn để hướng tới…”.
Những sáo ngữ tụng ca đầy khó hiểu trong ngợi ca – kiểu như, “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là một phiên bản “không đầy đủ” của kinh tế thị trường, mà hơn thế, là một kiểu kinh tế thị trường mới, là một mô hình tiến bộ, thể hiện rõ ở mục tiêu hướng tới, là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, nếu đặt trong nội dung của Hội nghị cấp cao Việt Nam – Mỹ về Đầu tư và Đổi mới sáng tạo được tổ chức trong khuôn khổ hoạt động trong chương trình chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 đến 11-9 của Tổng thống Mỹ Joe Biden, sẽ thành… lạc lõng vì tính phi hiện thực.
Dài dòng với những viện dẫn cụ thể như trên cho thấy nếu đặt trong nội dung “Đầu tư và Đổi mới sáng tạo” kèm việc đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường với Việt Nam xem ra các lý thuyết trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” giờ đây chỉ còn ý nghĩa của tài liệu tham khảo cho một thời kiên trì đeo đuổi “định hướng xã hội chủ nghĩa” với nền kinh tế.
“Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, tác giả Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như vậy trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đang được làm tài liệu học tập ở hệ thống trường chính trị.
Có lẽ nền kinh tế Việt Nam bắt đầu chuẩn bị sang một chương ‘lý thuyết’ mới kể từ sau ngày 11-9-2023.