VNTB – Liệu có khuất tất gì về ‘phân phối’ vắc xin?

VNTB – Liệu có khuất tất gì về ‘phân phối’ vắc xin?

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Xâu chuỗi các tin tức mà báo chí đăng công khai, cho thấy dường như có khuất tất về chuyện gọi là ‘phân phối’ vắc xin.

 

Khẳng định là đã có chích Vero Cell của Trung Quốc tại Sài Gòn

Trong bài báo “Bộ Y tế: Cố gắng cuối tháng 8, phân bổ cho TP.HCM 5 triệu liều vaccine” đăng trên Zing, tối 20-7-2021, có đoạn viết:

“Tiêm vaccine đợt 5 từ 21/7. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết để chuẩn bị cho đợt tiêm vaccine thứ 5, TP.HCM đã được phân bổ hơn 930.000 liều vaccine. Trong đó, 235.000 liều Moderna; gần 55.000 liều Pfizer; 19.000 liều Sinopharm. Số còn lại là AstraZeneca”.

Trong họp báo vào chiều ngày 26-7-2021, ông Dương Anh Đức giải thích, “19.000 liều vắc xin Sinopharm do Trung Quốc cung cấp. Đại sứ quán Trung Quốc đã đưa danh sách để tiêm cho công dân Trung Quốc tại Việt Nam”.

Trước đó, trong bản tin “Phân bổ 500.000 liều vaccine Vero Cell do Trung Quốc tài trợ cho 10 địa phương, đơn vị”, đăng chiều 23-6-2021, trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết như sau:

“Ngày 23-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường ký quyết định số 3020/QĐ-BYT về việc phân bổ vaccine phòng COVID-19 đợt 6. Theo đó, Bộ Y tế quyết định phân bổ 500.000 liều vaccine COVID-19 Vaccine (Vero Cell), Inactivated (tên khác là SARS – CoV-2 Vaccine (Vero Cell), Inactivated) do Chính phủ Trung Quốc viện trợ, cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (KSBT) 9 tỉnh và Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế, cụ thể như sau:

Bộ Y tế giao Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện tiếp nhận, bảo quản, gửi mẫu kiểm định chất lượng và vận chuyển ngay vaccine tới Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc để phân bổ ngay cho các địa phương, đơn vị trên.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tiếp nhận, bảo quản và tổ chức triển khai tiêm chủng ngay số vaccine được phân bổ cho người dân sống ở các xã giáp biên giới với Trung Quốc, người có nhu cầu trao đổi, hoạt động thương mại, dịch vụ với Trung Quốc và công dân Trung Quốc sống và làm việc trên địa bàn.

Trường hợp các đơn vị không sử dụng hết hoặc cần bổ sung thêm vaccine thì phối hợp với Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để chủ động điều phối tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên khác theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ”.

Thắc mắc: như vậy “19.000 liều vắc xin Sinopharm do Trung Quốc cung cấp. Đại sứ quán Trung Quốc đã đưa danh sách để tiêm cho công dân Trung Quốc tại Việt Nam” như lời của ông phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức là đến từ đâu, vì con số công khai ở quyết định số 3020/QĐ-BYT đã tròn 500.000 liều vắc xin Sinopharm.

Rất có thể câu trả lời ở đây là một số tỉnh nào đó ở biên giới phía Bắc đã “không sử dụng hết” vắc xin Sinopharm nên Bộ Y tế đã chuyển vào cho TP.HCM.

Khuất tất đến từ Bộ Y tế

Giờ là câu chuyện ghi nhận tại Hà Nội.

Ở bài báo “Vắc xin cho Hà Nội” đăng trên chuyên mục “Tuần Việt Nam” của báo điện tử Vietnam Net, đưa ra những con số so sánh sau đây:

Theo cổng thông tin Tiêm chủng của Trung tâm phòng chống Covid-19 quốc gia, Thủ đô đã được phân bổ 2.246.990 liều vắc xin, trong đó đã hoàn thành tiêm 777.983 liều tính đến ngày 2-8. Số liệu này cho thấy Hà Nội mới chỉ hoàn thành tiêm được vỏn vẹn 1/3 số phân bổ.

Tuy nhiên ở một phát biểu trong buổi họp báo hôm 1-8, ông Chu Ngọc Anh, chủ tịch thành phố Hà Nội lại nói rằng, “đến nay, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành tiêm gần 100% số lượng vắc xin đã nhận. Việc thực hiện biện pháp này phụ thuộc vào lượng vắc xin do Bộ Y tế phân bổ trong thời gian tới. Tới nay Hà Nội mới nhận được một phần số lượng vắc xin được phân bổ, vắc xin về đến đâu sẽ triển khai tiêm ngay đến đó”.

Rõ ràng mâu thuẫn: Thủ đô đã được phân bổ 2.246.990 liều vắc xin, và Hà Nội lại tiêm gần 100% số lượng vắc xin đã nhận với số liều tính đến ngày 2-8 là 777.983 liều. Vậy khoản dôi ra là 1.469.007 liều đã ‘chạy đi đâu’?

Câu trả lời dường như nằm ở bài báo “Bộ Y tế phân bổ thêm 1,8 triệu liều vaccine COVID-19 cho TP.HCM và Hà Nội” đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế sáng ngày 4-8-2021.

Theo đó, “Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh là địa phương được phân bổ nhiều nhất với 4.075.270 liều (bao gồm cả số lượng vaccine phân bổ cho các Viện, Bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vaccine trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 29%.

Tiếp theo, TP Hà Nội đã được phân bổ 2.943.770 liều (bao gồm cả số lượng vaccine phân bổ cho các Viện, Bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vaccine trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 26%”.

Hóa ra, Bộ Y tế đã tính gộp số phân bố cho các bệnh viện trung ương thành cho Hà Nội và TP.HCM. Kiểu thông tin này trước ngày 4-8, chưa bao giờ được Bộ Y tế đưa ra. Phải sau rất nhiều sức ép phải công khai, minh bạch thì mới có được cái mở ngoặc đầy ẩn tình ấy.

Nhìn từ những văn bản của Bệnh viện Thống Nhất, Bộ Y tế

Báo điện tử Một Thế Giới, “Vì sao Bệnh viện Thống Nhất đề xuất tiêm vắc xin Sinopharm cho Vạn Thịnh Phát?”, đăng chiều ngày 2-8-2021, dẫn lời ông Lê Đình Thanh – Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất:

“Vạn Thịnh Phát đã làm công văn xin tiêm vắc xin phòng COVID-19 trước thời điểm họ nhập vắc xin Sinopharm. Khi đó, bệnh viện có vắc xin AstraZeneca nên tiêm vắc xin này theo danh sách mà họ cung cấp; còn bây giờ đơn vị này nhập vắc xin Sinopharm đúng với tiêu chí của họ, nên chuyển sang vắc xin này sẽ hợp hơn.

Theo các chuyên gia y tế thế giới, trong tình trạng khẩn cấp có vắc xin gì thì nên tiêm vắc xin đó. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhập vắc xin Sinopharm với tiêu chí là một loại vắc xin tốt. Vì vậy chúng tôi đề xuất cho đơn vị này tiêm vắc xin Sinopharm, còn việc tiêm hay không là quyền của họ”.

“Chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo Chính phủ, UBND TP.HCM và Bộ Y tế. Theo chỉ đạo tiêm vắc xin là tiêm những gì mình đang có. Hiện nay đang có vắc xin Sinopharm mà Vạn Thịnh Phát đã nhập nên tiêm vắc xin này. Nếu đơn vị không đồng ý thì chúng tôi phải báo cáo, xin ý kiến Bộ Y tế. Tuy nhiên, hiện nay Vạn Thịnh Phát chưa có công văn trả lời nên chúng tôi tạm thời ngưng tiêm, chờ phản hồi của đơn vị này”, ông Thanh cho biết thêm.

Như vậy, nếu như các trích dẫn ở trên của báo Một Thế Giới là đúng, điều đó có nghĩa Bộ Y tế là nơi chịu trách nhiệm phân bổ vắc xin Sinopharm mà Vạn Thịnh Phát đã nhập về Việt Nam.

Trách nhiệm cuối cùng là của ai?

Tuy nhiên theo một bài báo được chú thích là “Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”, có tựa “5 triệu liều vaccine Vero Cells Beijing Institute do TP.Hồ Chí Minh tự mua, không phải của Bộ Y tế” đăng trên tờ Phụ nữ Việt Nam hiện đã bị gỡ (còn lưu ký tự tựa bài viết qua đường dân URL), nhưng đã kịp được bộ máy tìm kiếm Google tạo bản sao tự động, thì:

“Ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) Bộ Y tế không cấp vaccine Vero Cell Beijing Institute cho TP. Hồ Chí Minh. Lô vaccine mới nhập về do thành phố chủ động nhập cho riêng thành phố, do một công ty dược nhập khẩu và một doanh nghiệp tài trợ kinh phí. Chính vì vậy, lô vaccine tự nhập này là của riêng TP. Hồ Chí Minh, do thành phố quyết định, không phải do Bộ Y tế quyết định.

Ông Cường cũng cho biết, trong 3,1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đã cấp cho TP. Hồ Chí Minh là các vaccine Astrazeneca, Pfizer và Moderna. Các vaccine này do Bộ Y tế nhập về và phân phối cho các tỉnh, thành. Nếu tính cả 1 triệu liều vaccine Vero Cell Beijing Institute do TP. Hồ Chí Minh tự nhập nữa thành 4,1 triệu liều.

Dự kiến trong tháng 8/2021, Bộ Y tế sẽ cấp cho TP. Hồ Chí Minh 5 triệu liều vaccine ngừa Covid-19. Số vaccine này là từ nguồn Bộ Y tế (gồm các vaccine Pfizer, Astrazeneca, Moderna mà Bộ Y tế nhập và tiếp nhận tài trợ) chứ không phải 5 triệu liều Vero Cells mà TP. Hồ Chí Minh tự nhập, ông Cường nói.

Xung quanh vaccine Vero Cell mà TP. Hồ Chí Minh nhập về, ông Cường cho biết hiện Sinopharm Beijing đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, theo ông Cường, thực tế, Vero Cell chỉ là cái tên chung cho các loại vaccine theo công nghệ bất hoạt, không phải là tên riêng. Hơn nữa, đầu tháng 6/2021, Bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt vaccine Sinopharm là phê duyệt vaccine Sinopharm Bắc Kinh. Đây là loại vaccine đã được WHO phê duyệt và trong quyết định phê duyệt nhập khẩu 5 triệu liều vaccine Sinopharm của Cục Quản lý dược cũng ghi rất rõ là “Vero Cells Beijing Institute”. Chính vì thế, vaccine Sinopharm nhập về cho TP. Hồ Chí Minh là Sinopharm Bắc Kinh.

Nhiều người lo ngại vaccine Sinovac, Sinopharm đã được tiêm ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Cambodia… có hiệu quả thấp, vẫn nhiều người đã tiêm đủ liều bị nhiễm, nhiều người bị tử vong. Theo ông Cường, qua tìm hiểu thì được biết các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Cambodia… không chỉ dùng Sinopharm mà họ còn dùng cả Sinovac (có nước còn dùng Sinovac làm chủ đạo). Trong khi đó, vaccine Sinovac thì hiệu quả thấp hơn Sinopharm. Malaysia sau khi phát hiện ra Sinovac hiệu quả thấp đã quyết định ngừng Sinovac, chỉ dùng Sinopharm.

Như vậy có thể nói rằng, vaccine Sinopharm Bắc Kinh mà TP. Hồ Chí Minh nhập về là vaccine hiệu quả cao hơn 1,5 lần vaccine Sinovac mà Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Cambodia đã dùng”.

Nhắc lại: bài báo với lời dẫn về phát ngôn cụ thể của ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) đã bị tháo. Đây là bài viết được đánh dấu (*) và in đậm “Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Với dòng in đậm có đánh dấu sao (*) trên báo Phụ nữ Việt Nam, cho thấy đây là tuyến bài thực hiện theo yêu cầu chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, nơi mà ngài Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long từng giữ chức phó Ban.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)