VNTB – Lướt Mạng Xã Hội dịp 30.4 năm nay

VNTB – Lướt Mạng Xã Hội dịp 30.4 năm nay

Giang Tử

(VNTB) – Tại sao một chiến sĩ biệt động đã trực tiếp tham gia kháng chiến như cô Nhíp lại bỏ đất nước ra đi ? Tại sao con của một cán bộ sĩ quan in dấu vào trang lịch sử đồng thời là một trí thức (ông Bùi Văn Tùng) lại chọn tương lai cho mình ở nước Mỹ ?

***

Dẫn nhập

Hàng năm vào dịp 30.4 và các lễ lạt khác, trên Mạng Xã Hội  đều nổ ra các cuộc tranh luận khi thì ôn hoà, lúc gay gắt trong các nhóm bạn Facebook. Không thể kể những xúc cảm khó kìm nén của các facebookers, dẫn đến nặng lời thóa mạ lẫn nhau ngày càng tăng. Nhìn chung, chất lượng tranh luận ngày càng cao, đi vào những vấn đề cốt lõi. Người ta lật lại câu chuyện từ ngày thành lập Đảng CSVNN, qua Sự biến Tháng Tám 1945 đến Hiệp nghị Geneva, Hiệp nghị Paris…đến Sự biến 30.4.1975.

 

Thật khó mà tường thuật lại hết ! Có điều chắc chắn, qua tranh luận, thảo luận tự do, nhận thức lịch sử của người Việt ngày càng sâu hơn. Dân trí  Việt ngày càng cao hơn. Đó là lẽ tất nhiên và là điều đáng mừng cho một bộ sử đầy đủ trong tương lại.

 

Trong quan niệm phương Tây, lịch sử thực ra là những câu chuyện (Story/ stories) khi trước tác thành pho sách truyền đời đã qua gọi là History. Stories bao giờ cũng phong phú hơn, đầy đủ hơn History.

 

Tôi thu lượm một số sự kiện nho nhỏ, vài cái Stories để bổ sung cho History dằng dặc hơn nửa thế kỷ hiện chỉ được viết bởi “bên thắng cuộc”.

 

  1. Truyện ngắn điều tra mini “Tiên sư thằng chiến tranh” (1)

 

Thái Bá Tân, nhà thơ nhà giáo nghỉ hưu, hiện ở Hà Nội viết (2):

“Vào năm ấy, ở mặt trận ấy, hai nghìn người lính trẻ được lệnh xuống đồng bằng tham chiến. Sau một đêm, chỉ ba mươi người sống sót trở về! Nhiều năm qua tôi luôn bị ám ảnh bởi con số khủng khiếp này trong một câu khô khan và thuần túy mang tính thông tin. Chính xác đó là câu thơ trong bài “Ai? Tôi!” của nhà thơ Chế Lan Viên khi ông viết về chiến dịch Mậu Thân trong Di cảo (Di cảo 3). 

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng 

Chỉ một đêm, còn sống có 30

Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó ? 

Tôi ! Tôi – người viết những câu thơ cổ võ 

Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong. 

Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm 

Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ

 

Nhà thơ- Một tâm hồn nhạy cảm! Một nhân cách lớn! Đằng sau những con số này là những con số khác còn khủng khiếp hơn: “Một triệu người lính cách mạng và hai triệu dân thường Việt Nam đã hy sinh trong cái ta thường gọi là “cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”. Binh lính Sài Gòn hai trăm tám mươi hai nghìn thiệt mạng”.

Như nhà thơ, tôi cũng bị ám ảnh bởi câu hỏi của ông: “Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2000 người đó”? Không phải tôi, tất nhiên, vì tôi là người bình thường và chỉ nhờ ngẫu nhiên mới không bị gộp vào con số đó. Tôi không ra lệnh, không đưa ra các quyết sách lớn về đại cục. 

Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa tôi hoàn toàn vô tội. Không, tôi vẫn phải chịu một phần trách nhiệm vì đơn giản tôi là một công dân và đã để đất nước mình rơi vào hoàn cảnh như vậy. Một công dân tốt còn biết đau về cái chết của đồng bào. 

Câu hỏi tiếp: Liêu có đáng phải hy sinh ghê gớm như thế để “giải phóng dân tộc” không, mà rồi, giải phóng khỏi ai? Khỏi những đồng bào Việt Nam khác ở bên kia chiến tuyến ư ? 

Một câu hỏi nữa: Ba mươi người sống sót trong số 2000 người ấy bây giờ thế nào, và họ nghĩ gì về sự trận đánh ấy của họ mà đài báo ta lúc ấy gọi là “thắng lợi, nhưng ta phải chịu một số thương vong nhất định”? Khá vất vả, cuối cùng tôi cũng tìm được một người, ngay trong huyện Diễn Châu quê tôi (Nghệ An). Điều này lần nữa làm tôi giật mình: Sao lúc nào, ở đâu có đánh nhau ác liệt nhất và nhiều người chết nhất cũng có mặt những người lính nông dân Nghệ Tĩnh của tôi? Có thể chỉ ngẫu nhiên, nhưng vẫn giật mình. Đó là một lão nông trạc tuổi tôi, trên sáu mươi chút ít, nhưng trông hom hem với một chân thọt và một tay hơi khuỳnh khuỳnh. 

Chuyện từ đời tám hoánh nào, hơi đâu mà nhớ đến. Mà cũng chẳng còn lúc nào rỗi để nhớ”. Ông nói khi tôi gợi chuyện. “Con cháu một bầy, toàn ăn hại. Lại thêm trận lụt vừa rồi ngập hết lúa như bác thấy.

– Bác có cảm giác thế nào khi sống sót trở về rừng?

– May ! Còn thế nào nữa. May thoát chết như bác nói. Nhờ giả vờ chết mà sống đấy. 

– Sau đó thì sao ạ ?

– Thì đánh nhau tiếp. Trong số ba mươi người sống sót lần ấy, nghe nói chỉ năm người trở về nhà khi chiến tranh kết thúc. Trong đó có tôi. Cũng nhờ may rủi thôi. 

Tôi lặng người, chẳng biết nói gì thêm.

– Sự hy sinh của các bác thật to lớn. Tôi lên tiếng khi thấy im lặng mãi bất tiện. “Các bác là những người anh hùng, dũng cảm, dám xã thân vì nước…” 

– Anh hùng, dũng cảm cái đếch gì. Người ta bảo đi lính thì đi. Bảo xung phong thì xung phong. Không xung phong, không dũng cảm mà được à? Không bị địch bắn chết thì cũng bị đồng đội đằng sau bắn vào lưng! Chiến tranh là thế. Tiên sư thằng chiến tranh! 

Mấy thằng nhỏ thấy có khách, xúm lại hóng hớt. Ông chúng quát: “Chúng mày biến! Mai kia thằng Tàu nó đánh, sẽ đến lượt chúng mày! Không thoát được đâu !”.

Cuộc gặp này để lại trong tôi một ấn tượng nặng nề. Tôi cũng may. May chưa bao giờ viết thơ cổ vũ người khác ra trận. May không phải là một trong ba mươi người sống sót ấy, chính xác hơn, năm người. Nếu không tôi sẽ đau khổ lắm. Chả là đời trót cho tôi cái chữ nên hay suy luận và mặc cảm. May nữa là tôi không bao giờ phải bắn vào lưng đồng đội nếu họ không xung phong, và ngược lại. May! Và tôi cảm ơn số phận điều ấy. 

 

FB Phạm Thúy Oanh (bình luận): Nhưng tôi cũng có con cháu, và như ông ấy nói, mai kia thằng Tàu đánh mình, sẽ đến lượt chúng. Nghĩ mà sợ. Sợ và buồn. Vì lão nông kia, tôi và con cháu của tôi không có sự lựa chọn nào khác. Vì chúng tôi, vì tất cả chúng ta, đơn giản chỉ là những con tốt vô danh trên bàn cờ của các nhà lãnh đạo đất nước.

 

  1. Hai cô gái nổi tiếng hiện sống ở Mỹ

Hôm qua Facebook của nhà thơ Văn Công Hùng có nêu hai trường hợp (3) :


Nhân vật thứ nhất

– Một là cô Nhíp nữ biệt động nội thành là người sáng ngày 29/4/1975 đã khoác súng AK dẫn đường cho đoàn xe tăng quân giải phóng tiến vào sân  bay Tân Sơn Nhất. 

 

Bộ phim Cô Nhíp của hàng phim Giải phóng 

Ngày 29/4/1975, xe tăng của quân Bắc Việt đã vào đến cửa ngõ Sài Gòn theo hướng Tây Bắc. Trên xe có một cô gái trẻ, xinh đẹp, đầu đội mũ tai bèo, dẫn đường. Sau này, đạo diễn Khương Mễ, kịch bản Nguyễn Trí Việt của Hãng phim Giải Phóng đã dựa vào hình tượng đó để dựng thành phim: “Cô Nhíp” 1976  trong đó cô Nhíp dược mới đóng vai luôn.

 

Cô Cao Thị Nhíp quê Tiền Giang, lên Sài Gòn hoạt động cách mạng, tham gia biệt động thành dưới vỏ bọc là người làm công cho gia đình một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa. Vốn thông thuộc đường sá, cô Nhíp dẫn đường cho xe tăng vào đánh sân bay Tân Sơn Nhất, 

 

Năm 1983 cô Nhíp làm ở Công ty Thương nghiệp tổng hợp Quận 5 rồi sang Mỹ, mang quốc tịch Mỹ với tên họ khác, ở thành phố Garden Grove, Nam California. 

 

(Hiện tại trên mạng youtube Đài THVN đã xóa bộ phim trên, các đài TV trong nước mấy năm qua cũng không chiếu bộ phim này nữa). 


Trả lời: cô Nhíp đã qua Mỹ sống từ lâu. Cô đã mang quốc tịch Mỹ với tên họ khác. Một khoảng  đời với cái tên Nhíp trước đây, cô đã tự chôn vùi. (4)

Mùa hè cách đây vài năm, ở thành phố Garden Grove, Nam California, một bạn cũ gặp lại Nhíp. Vẫn xinh đẹp như xưa nhưng khi được hỏi về ngày 29/4/1975, Nhíp trả lời: “Tôi đã quên rồi. Quên lâu lắm rồi”.

Một buổi sáng thượng tuần tháng 10 năm ngoái, “Cô Nhíp” đến nhà thăm tôi khi vừa từ California về lại VN.

Tôi và nó là đôi bạn thân trước khi nó rời bỏ Sài Gòn để đến nước Mỹ xa xôi và trở thành cư dân ở đó.

Hai mươi năm có lẻ. “Cô Nhíp” năm xưa đã mất dấu thật rồi. Chỉ còn đây, một người Mỹ gốc Việt.

Chuyện gì đã xảy ra trên quê hương VN tôi vậy? Sử sách sẽ ghi chép thế nào đây ? Cả tôi lẫn nó đều không ai nhắc về “Cô Nhíp” với chiếc xe tăng từ Củ Chi tiến về Sài Gòn cách đây 40 năm, về cái chuyện nó rời bỏ VN và quên đi quá khứ “hào hùng” của nó.

Có nỗi xót xa không thể nói thành lời.

Nhân vật thứ hai là con gái của đại tá Bùi Văn Tùng, bác sĩ Bùi Thị Quỳnh Hoa hiện sống ở California, trả lời đài BBC hôm 30/4. (5) Sau khi kể một số chuyện về người cha đã soạn lời tuyên bố đầu hàng của TT.Dương Văn Minh, bà kiến nghị Việt Nam nên gọi ngày 30/4 là “Ngày Tưởng Niệm” (Memorial Day) nếu thực sự muốn hoà giải hòa hợp. 

Ông đại tá Bùi Văn Tùng hiện sống ở thành phố HCM.

Ngày 30/4/1975 ông Bùi Văn Tùng khi đó là trung tá chính ủy lữ đoàn 203 xe tăng thiết giáp, đơn vị sớm nhất tiến vào dinh Độc Lập. Chính ông Bùi Văn Tùng là người đã thảo văn bản Tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống VNCH Dương Văn Minh đọc trên đài phát thanh và ông Tùng thay mặt quân đội NDVN chấp nhận lời tuyên bố chấm dứt cuộc Chiến tranh Việt Nam đó.

 

Tai sao một chiến sĩ biệt động đã trực tiếp tham gia kháng chiến như cô Nhíp lại bỏ đất nước ra đi ? 

 

Tại sao con của một cán bộ sĩ quan in dấu vào trang lịch sử đồng thời là một trí thức (ông Bùi Văn Tùng) lại chọn tương lai cho mình ở nước Mỹ ?

 

_____________

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/notes/hội-những-người-h%E1%BB%8Dc-tiếng-anh-thầy-thái-bá-tân/truyện-mi-ni-thứ-30/230442037018244

(2) https://www.facebook.com/notes/hội-những-người-h%E1%BB%8Dc-tiếng-anh-thầy-thái-bá-tân/truyện-mi-ni-thứ-30/230442037018244

(3) https://www.facebook.com/van.conghung.9

(4) https://kontumquetoi.com/2015/04/26/chuyen-co-nhip/

(5) https://www.facebook.com/BBCnewsVietnamese/posts/3417967978215920/

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)