Việt Nam Thời Báo

VNTB – Mây đen và bầu trời vẫn xám xịt dù ‘mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam’

 

Lynn Huỳnh

(VNTB) – “Không biết có phải vì thế mà Ngân hàng Thế giới đưa ra nhận định: Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng lên Việt Nam. Đó là chứng cứ thứ nhất mà năm nay hơn năm ngoái về kinh tế – xã hội, cho thấy ý chí Việt Nam, khát vọng vươn lên” – Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu.

Người viết chưa tìm thấy câu nhận định “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng lên Việt Nam” mà ông Nguyễn Phú Trọng dẫn ra đó vốn nằm ở tài liệu nào của Ngân hàng Thế giới.

Hầu hết các tờ báo điện tử ở Việt Nam đã trích đăng câu phát biểu ‘giàu biểu cảm’ ấy của ông Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra trong hai ngày 30 và 31-12 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Câu ví von trong phát biểu đó, nếu hiểu theo nghĩa thuần về địa lý mô tả ‘mây đen’, ‘mặt trời’ thì sẽ rất trớ trêu với bản tin cũng trong ngày 30-12 trên báo chí: “Từ sáng đến tận chiều 30-12, bầu trời tại TP.HCM bị bao phủ bởi một lớp mù khá dày đặc màu trắng đục khiến tầm nhìn bị hạn chế. Vì sao?”. Trích bài báo “Vì sao mù dày đặc lại bao phủ TP.HCM?” – https://tuoitre.vn/vi-sao-mu-day-dac-lai-bao-phu-tp-hcm-20191230155237609.htm

Nếu câu so sánh ‘mây đen’ và ‘mặt trời’ được hiểu theo nghĩa bóng bẩy về nền kinh tế, thì phải giải thích sao đây khi thực tế cả nghĩa đen lẫn bóng đều là “Lẽ nào chúng ta chỉ ngửa mặt nhìn trời ô nhiễm mù mịt?” – https://tuoitre.vn/le-nao-chung-ta-chi-ngua-mat-nhin-troi-o-nhiem-mu-mit-20191215085452015.htm

Giả dụ như đúng là trong một tài liệu Anh ngữ nào đó của Ngân hàng Thế giới có đoạn được dịch thoát ý sang tiếng Việt như lời của ông Nguyễn Phú Trọng về ‘mây đen’ và ‘mặt trời’, thì nên hiểu sao đây khi người dân ở nơi ‘mặt trời đang tỏa sáng’ lại rũ nhau tìm mọi cách sang xứ ‘mây đen’ để mưu sinh, đến độ phải mất mạng như vụ 39 thảm cảnh hôm tháng 10-2019 tại Anh quốc, nhưng họ vẫn không từ nan?

Trong một báo cáo được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dẫn nguồn từ Ngân hàng Thế giới, cho hay lượng kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2019 ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm trước. Nếu ai đó tìm hiểu nguồn trích dẫn ấy từ Ngân hàng Thế giới, sẽ biết thêm là báo cáo này diễn giải lượng người nhập cư chính thống của Việt Nam sang Nhật Bản tăng nhanh nhất so với các thị trường khác. Việt Nam cũng là 1 trong 9 nước được Nhật Bản xác định là nguồn cung lao động nước ngoài lớn cho quốc gia này. Năm 2018, trong số 142.800 người Việt sang các nước, có 68.700 người đã tới Nhật Bản, tiếp theo là Đài Loan (60.400 người), Hàn Quốc (6.500 người)…

Phía Việt Nam đã đưa ra con số thống kê như sau qua phát biểu của thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – bà Nguyễn Thị Hà tại Hội nghị truyền thông về xuất khẩu lao động: “Năm 2017, xuất khẩu lao động đạt được con số kỷ lục với trên 134 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 28,3% so với kế hoạch năm.

Năm 2018 tiếp tục là một năm thành công trong lĩnh vực xuất khẩu lao động với tổng số lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài đạt hơn 142 nghìn người, vượt 30% so với kế hoạch, là năm thứ năm liên tiếp có số lượng vượt mức 100.000 lao động.

Riêng 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã được tổng số gần 67 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 55,82% kế hoạch năm 2019. Tính chung từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã đưa được hơn 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài” – http://dangcongsan.vn/xa-hoi/lao-dong-xuat-khau-cua-viet-nam-dang-o-dau-so-voi-cac-nuoc-538257.html

Một chút bàn luận về thuật ngữ thống kê ở đây. Theo phân tích của chuyên gia thống kê Bùi Trinh, lâu nay, dường như chỉ duy nhất chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) được sử dụng và đề cập một cách phổ biến, những báo cáo của các cơ quan và cả các nghiên cứu chỉ bàn và phân tích về GDP. Trong khi thực tế trong hệ thống các tài khoản quốc gia, GDP không phải chỉ tiêu quan trọng nhất. Bởi ngoài GDP còn các chỉ tiêu như GNI (thu nhập quốc gia), NDI (thu nhập quốc gia khả dụng), thu nhập từ sở hữu, chi trả sở hữu, chuyển nhượng (kiều hối) và saving (tiết kiệm).

Nguồn lực của nền kinh tế thực chất là chỉ tiêu tiết kiệm, là nguồn lực cơ bản để tái đầu tư. Nguồn tiết kiệm bao gồm NDI trừ đi tiêu dùng cuối cùng (của hộ gia đình và của Chính phủ). Do đó, nếu tiết kiệm không đủ để đầu tư, nền kinh tế phải đi vay. Niên giám Thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, tỷ lệ giữa GNI và GDP đang ngày càng bị nới rộng đáng kể. Năm 2010, tỷ lệ giữa GNI và GDP là 97%, đến năm 2018 tỷ lệ này chỉ còn 93%. Điều này cho thấy luồng tiền chảy ra nước ngoài thông qua chỉ tiêu, hoặc chi trả sở hữu ngày càng nhiều.

Tăng trưởng bình quân chi trả sở hữu thuần trong giai đoạn 2010-2018 theo giá hiện hành 29%, trong khi tăng trưởng GDP theo giá hiện hành bình quân giai đoạn này 16%, như vậy có thể thấy luồng tiền chảy ra nước ngoài tăng nhanh hơn tăng trưởng GDP lên đến 13 điểm phần trăm.

Năm 2018, theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê, chi trả sở hữu đạt khoảng 18 tỷ USD. Phần nhiều trong khoản 18 tỷ USD này là khu vực FDI chuyển tiền về nước sau khi được hưởng mọi ưu đãi về chính sách đầu tư của phía Việt Nam. Ước tính chi trả sở hữu năm 2019 có thể trên 19 tỷ USD.

Một sự thật trớ trêu đang diễn ra của nền kinh tế Việt Nam là tăng trưởng GDP đang phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI. Điều này cho thấy một nghịch lý phải chăng càng tăng trưởng GDP càng khiến nguồn lực của nền kinh tế bị bào mòn? Và tất cả những điều ấy dường như đã không được cập nhật đầy đủ, khi đội ngũ thư ký của ông Tổng bí thư – Chủ tịch nước lúc biên soạn các diễn văn thích hợp tại những hội nghị tầm vóc chuyên biệt khác nhau, đã ‘quên’ cắt nghĩa tường tận cho ông Nguyễn Phú Trọng biết và hiểu về những điều mà ông ấy sẽ ‘phát biểu chỉ đạo’ như ở hôm 30-12 vừa qua chẳng hạn.

 

Tin bài liên quan:

VNTB – ​​Đầu năm TBT Trọng cho đảng uống “biệt dược” Xuyên Tâm Liên

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhà nước kiến tạo của Đảng

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam sẽ cải cách thể chế chính trị từ nguồn vốn vay WB?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo