Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật của đảng viên

nguyễn phú trọng

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Nhiều cư dân mạng xã hội vẫn tiếp tục phê phán một chính khách thiếu liêm sĩ, khi tự cho mình cái quyền đứng trên cả Điều lệ Đảng.

 

Sắp tới là bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ mới, liệu với tiền lệ ‘đứng trên Điều lệ Đảng’, thì lá phiếu cử tri quần chúng sẽ cần ứng xử như thế nào?

Nhắc lại: Ngày 23/10/2018, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã được các đại biểu Quốc Hội Việt Nam, với tỷ lệ phiếu được cho là lên tới 99,97%, bầu làm Chủ tịch nước, thay thế cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, vừa qua đời tháng trước đó.

Kết quả này cũng được cho là không có gì gây bất ngờ, vì ông Trọng là ứng cử viên duy nhất, được Trung ương đảng ‘nhất trí’ đề cử – mà Trung ương đảng lại cũng chính là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngay sau khi được bầu, ông Nguyễn Phú Trọng đã tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước. Theo Hiến pháp và Nghị quyết 102/2015/QH13, thì Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phải đứng trước Quốc kỳ tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, Hiến pháp và nội dung khác phù hợp với trách nhiệm được giao. Thời gian tuyên thệ không quá 03 phút.

Theo quy định, Tổng Bí thư và Chủ tịch nước đều có nhiệm kỳ 05 năm. Trong đó, Tổng Bí thư không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Thế nhưng ông Nguyễn Phú Trọng với việc tiếp tục là Tổng Bí thư khóa XIII, cho thấy ông đã vi phạm tuyên thệ. Vậy liệu ông có cho mình cái quyền “Trung ương Đảng khóa XIII, ‘nhất trí’ đề cử” để ông tiếp tục là Chủ tịch nước ở nhiệm kỳ mới của Quốc hội? (Bởi vì Trung ương Đảng khóa XIII, cũng vẫn chính là ông như khóa XII thôi mà!)

Còn đối với đảng viên được cử tri bầu làm người đại biểu của nhân dân tham gia cơ quan quyền lực nhà nước, vấn đề không còn hoàn toàn đơn giản như chuyện giơ thẻ Đảng để bầu chọn như ở Đại hội XIII, mà có ít nhiều khác biệt.

Cử tri quần chúng (để phân biệt với cử tri đảng viên) đã bầu ra những cá nhân đại diện cho họ, chứ không phải bầu ra những đại diện theo chính đảng, mặc dù danh sách các ứng viên là do Đảng quyết định. Vì vậy vẫn phải tìm tòi những phương thức thích hợp sao cho các đảng viên làm tròn trách nhiệm đại biểu của nhân dân, mà vẫn thực hiện được trách nhiệm trước tổ chức đảng.

Có lẽ cần thẳng thắng đặt vấn đề: Điều 4 của Hiến pháp khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Điều lệ Đảng viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền”.

Lãnh đạo và cầm quyền không phải là những khái niệm tương đương. Thêm nữa, phạm vi “Nhà nước và xã hội” mà Đảng lãnh đạo rộng hơn nhiều phạm vi “quyền lực” mà Đảng “cầm”. Sự khác nhau rõ ràng này giữa hai văn kiện quan trọng hàng đầu đó, cần được khắc phục.

Có một số nội dung đã được nêu trong Điều lệ Đảng, như những điều nói về Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; Đảng lãnh đạo các lực lượng vũ trang… nhưng chưa được khẳng định, hoặc khẳng định chưa đầy đủ, chưa cụ thể trong Hiến pháp, pháp luật.

Những vấn đề rất hệ trọng này chỉ có thể có đầy đủ tính chính danh và hiệu lực nếu được khẳng định trong Hiến pháp và pháp luật. Đó là điều cần phải tính tới trong tu chỉnh Hiến pháp Việt Nam trong thời gian tới.

Nói theo cách diễn đạt của văn kiện Đại hội XIII của Đảng, thì trong quá trình đổi mới cùng với dân chủ hóa xã hội, đổi mới tư duy cũng như từ những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị trong và ngoài nước, Đảng Cộng sản cũng có những sai lầm và suy thoái ở một bộ phận nhất định với một số hệ quả tiêu cực…

Chính điều này dẫn tới ngay trong đội ngũ cán bộ đảng viên, giới trí thức cũng có người băn khoăn rằng, có nên giữ Điều 4, Hiến pháp hay không? Lý do là nếu Đảng mạnh, trong sạch, có năng lực, có uy tín, thì xã hội và nhân dân sẽ lựa chọn, việc quy định sẵn trong Hiến pháp là áp đặt chăng? Hoặc nếu cứ giữ thì ghi thế nào? Các ý kiến đó thật cũng đáng tiếp tục suy nghĩ cho kỳ bầu cử Quốc hội sắp tới đây.

“Nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật của đảng viên”: hy vọng đây không dừng ở chuyện là hô hào của tuyên giáo Đảng.


Tin bài liên quan:

VNTB – Nhận thức – loay hoay hoài vẫn chưa ra!

Phan Thanh Hung

VNTB – Kỳ tích sẽ được bắt đầu từ Hà Nội hay Sài Gòn?

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhân sự chính trường Việt Nam sẽ thay đổi trước thềm Giáp Thìn

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.