Thới Bình
(VNTB) – Chính sách an sinh “chăm sóc dài hạn” sẽ ưu tiên hơn cho người cao tuổi “có công với cách mạng”.
“Chế độ độc tài độc đảng toàn trị có lo gì cho người cao tuổi không?”…
Tác giả Phạm Đình Bá đã đặt câu hỏi trên trong bài viết “Cải thiện chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi” đăng trên trang Việt Nam Thời Báo số phát hành ngày 22-4-2023.
Trả lời nhanh, ở Việt Nam tùy từng thời kỳ mà người cao tuổi được hưởng các chính sách an sinh khác nhau; và phần lớn các chính sách an sinh “chăm sóc dài hạn” sẽ ưu tiên hơn về người cao tuổi có lý lịch chính trị được gọi nôm na là “có công với cách mạng”.
Những mẫu câu tuyên truyền cổ động chính trị quen thuộc về vấn đề này thường thấy lâu nay, là, “Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta. Đó là chính sách đặc biệt, thực hiện cho những đối tượng đặc biệt, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng, tiếp nối truyền thống tốt đẹp và đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc”.
Quốc hội Việt Nam đã luật hóa về chuyện phân biệt thành phần chính trị này đối với người cao tuổi. Theo đó, ngày 29-8-1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX đã thông qua Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (nay gọi là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng).
Từ đó đến nay, Pháp lệnh đã trải qua 07 lần sửa đổi vào các năm: 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và 2020.
Gần đây nhất, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) năm 2020 được thông qua ngày 09-12-2020, bổ sung 10 điều mới và sửa đổi nội dung 41 điều trên cơ sở kế thừa các quy định đã thực hiện ổn định trong thực tiễn thời gian trước.
Pháp lệnh mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và bổ sung đối tượng người có công và thân nhân, như: người bị địch bắt tù đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.
Pháp lệnh phiên bản tu chỉnh cũng bổ sung chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp tuất hàng tháng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá, và quy định mức trợ cấp hàng tháng với Bà mẹ Việt Nam anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn, không phụ thuộc vào số con liệt sĩ.
Ngày 11-11-2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước 2023. Theo đó, từ ngày 01-7-2023 sẽ thực hiện tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị.
Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 75/2021/NĐ-CP thì mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng. Và khi điều chỉnh thay đổi, thì mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng giai đoạn 2022 – 2025 vào đầu tháng 7 tới đây sẽ là 2.000.000 đồng.
Nếu người cao tuổi không thuộc nhóm “có công với cách mạng” thì các chính sách an sinh liên quan chỉ bắt đầu tính từ 75 tuổi, phải thuộc nhóm “hộ nghèo”, và không có người thân phụng dưỡng. Chính sách đó ở hiện tại là “khám chữa bệnh miễn phí”, được giảm giá vé ít nhất 20% “khi tham quan các di tích lịch sử – văn hóa, bảo tàng, danh lam thắng cảnh; tập luyện thể dục, thể thao tại các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.
Những người cao tuổi kể trên, hàng tháng được nhận khoản tiền gọi là “trợ giúp xã hội” ở hiện tại là 360.000 đồng/tháng.
Chính việc phân biệt “lý lịch chính trị” và độ tuổi như trên, góp phần giải thích vì sao hàng đêm ở TP.HCM người ta thấy có rất nhiều người già phải ra ngồi hai bên vệ đường đến nửa đêm để chờ nhận các phần quà thực phẩm của những nhóm thiện nguyện xã hội dân sự.