Quang Nhựt
(VNTB) – Với tình hình hiện nay, có thể nói, dịch Covid-19 phần nào đã được kiểm soát, song cũng không nên lơ là trong vấn đề phòng, chống dịch. Cũng chính vì lẽ đó, các tỉnh, thành áp dụng với những công dân, phương tiện từ Đà Nẵng trở về mỗi cách khác nhau.
Có tỉnh, thành thì áp dụng những người về từ Đà Nẵng phải cách ly 14 ngày tập trung, có tỉnh thì chỉ cách ly tại gia, có tỉnh thì chỉ cho lưu trú 3 ngày rồi phải bỏ tiền xét nghiệm Covid-19 nếu muốn ở tiếp, có tỉnh chỉ cho người từ Đà Nẵng vào địa phương trong ngày rồi phải về nếu không muốn bị cách ly.…
“Cũng do sự nguy hiểm của đợt dịch này, mức độ lây lan nhanh chóng, buộc lòng lãnh đạo một số địa phương đã ra lệnh phải cách ly sau khi từ vùng dịch về là đúng. Như tỉnh Thừa Thiên Huế, nhờ vào sự giám sát chặt chẽ mà dù ở giữa hai vùng dịch mà trong suốt thời gian qua không có người lây nhiễm. Đây chính là việc lãnh đạo tỉnh quan tâm đến sinh mạng của người dân”, bà Huỳnh Thu Hiền, một nhân viên y tế ở Sài Gòn chia sẻ.
“Theo mình thấy, chủ yếu là ý thức thôi. Điển hình như TP.HCM, có thể nói, người dân rời Đà Nẵng từ 5-9 đến TP.HCM phải tự theo dõi sức khỏe 14 ngày là một điều kiện khá dễ dàng. Nhưng vấn đề đặt ra là người dân từ Đà Nẵng vào phải có ý thức kìa. Chứ nếu có ai đó giấu giếm vì ngại cách ly tập trung, hay trong vòng 14 ngày tự cách ly nhưng đi lung tung, hay tiếp xúc với người này người nọ, nói gì thì nói cũng nguy hiểm. Mà mình nghĩ để ngành y tế và chính quyền thành phố đưa ra yêu cầu như vậy, chắc là cũng tính toán với có cái lý của chính quyền. Nếu nói không lo thì cũng không đúng nhưng mình tin chính quyền TP.HCM”, ông Minh, một người dân sinh sống ở quận Tân Bình, bày tỏ.
“Chủ yếu vẫn là vấn đề về ý thức thôi. Chứ nói gì thì nói, tôi tin sẽ có nhiều người hơn nữa từ miền Trung vào Sài Gòn. Mặc dù đúng là chưa nhận thấy ca mới lây nhiễm trong cộng đồng nhưng né được thì né, vẫn hơn. Tôi nhớ thời điểm Đà Nẵng bùng dịch, cách ly toàn thành phố, bữa đó tôi đi đổ xăng, kế bên cũng có ông kia đổ xăng. Nghe ổng nói chuyện với anh thợ, công ty ổng sếp là người Đà Nẵng, đang kẹt ngoài đó, tìm cách đi vào Sài Gòn. Rồi sau đó không biết như thế nào? Đó là chưa kể trang thiết bị, hệ thống y tế của Sài Gòn có thể nói là hữu hiệu trong phòng dịch. Chính quyền thành phố cũng hành động nhanh lẹ nữa. Như đợt dịch trước, vừa có tin dịch, lập tức thành phố xây bệnh viện dã chiến liền.
Trong khi đó, tôi đọc báo thấy khi Đà Nẵng bùng dịch mới bắt đầu xây bệnh viện dã chiến. Là một thành phố du lịch, có nhiều du khách Trung Quốc qua, mà không tính toán trước gì hết”, ông Nguyễn Hữu Thọ, một tài xế taxi kể.
“Nói ra thì đúng là sẽ có người tự ái, là sao có hành động như vậy rồi lại gán ghép cho hai chữ kỳ thị này nọ. Tuy nhiên, nói đi cũng nên nói lại, phải nghĩ cho đồng bào ở những tỉnh, thành khác chứ. Chính quyền họ thận trọng cũng là lẽ đương nhiên. Chứ lỡ có chuyện gì, phải mệt mỏi không?
Có những cái mình đâu có biết trước được. Như việc ở bệnh viện bảo là nơi vệ sinh nhất, nơi an toàn nhất, cuối cùng bệnh viện có an toàn đâu. Không an toàn bằng ngoài chợ, đúng không? Ngoài chợ có trường hợp nào ổ dịch như thế, còn bệnh viện thì ổ dịch. Thì cũng chẳng biết thế nào cho nó chính xác được”, ông Tư, một tiểu thương chợ Bà Hoa, nhận xét.
Nói về vấn đề người dân Đà Nẵng vào TP.HCM chỉ cần khai báo y tế rồi tự cách ly 14 ngày, một nhân viên y tế cấp phường không giấu lo lắng: “Nguy hiểm cho người dân thành phố nếu người Đà Nẵng vào đây bị nhiễm Covid nhưng không có triệu chứng. Khả năng lây nhiễm là không kiểm soát được trong thời gian tự cách ly 14 ngày, vì hiện nay có khả năng nhiều người bị nhiễm Covid nhưng không có biểu hiện bên ngoài. Phải chăng phải test âm tính 3 ngày trước khi vào thành phố kiểu như việc mở cửa lại tuyến bay thương mại quốc tế?”.
Có thể nói câu chuyện người Đà Nẵng đi các tỉnh, thành trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn ở Việt Nam xem ra người nào cũng cái lý riêng của họ.
Song, suy cho cùng, phải chăng mỗi người nên gạt bỏ một chút cái “tôi tự ái” của mình, nhín chút thời gian công việc cá nhân để vì cái lợi ích chung của đất nước? Và, cũng cần lắm cái gọi kêu gọi sự ý thức mang tính cảnh giác cao nhất trong mùa dịch Covid…