An Viên
(VNTB) – Dường như chỉ cần thay thế con vi rút gây ra dịch COVID khiến người dân lâm vào cảnh túng quẫn.
Hàng vạn người dân từ các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, Tp. HCM, Long An đã kéo nhau về quê ngay sau khi các tỉnh thành này dỡ bỏ phong toả. Các câu chuyện thương tâm được lên khuôn báo mỗi ngày. Tất cả dường như chỉ tại vì con vi rút gây ra dịch COVID khiến người dân lâm vào cảnh túng quẫn.
Người ta có thể đọc thấy chuyện người cha đẩy xe tự chế với hai đứa con nhỏ để đi bộ về quê ở Cần Thơ, người cha dùng dây cột con vào người để đi về Cà Mau, chuyện người mẹ xém mất con vì sức trẻ không chịu nổi cái lạnh, cái đói trên chiếc xe máy đi về miền Bắc. Hay chuyện gia đình 5 người dắt díu về quê trên chiếc xe ve chai lội bộ về Đồng Tháp vì nhiều tháng thất nghiệp, kinh tế đã kiệt quệ không thể bám trụ lại.
Những đôi mắt thất thần vì đói, những ánh mắt trẻ thơ ngơ ngác khiến cho người xem phải thắt hết ruột gan. Người dân đi ngược ra bắc về Hà Tĩnh, Thanh Hoá hay tận Hà Giang trong cơn mưa lớn và cái lạnh cắt da ở miền trung trong mùa mưa bão. Chỉ một trận mưa rào Sài Gòn cũng đủ làm ướt người đi xe, vậy mà nhiều gia đình với phụ nữ có con nhỏ chồng chất nhau trên một chiếc xe cà tàng phóng đi trong cơn mưa bão miền Trung.
Trong những tấm ảnh lan truyền trên mạng xã hội hay báo chí nhà nước là những đôi tay trần trắng bợt vì nước mưa, đôi mắt đờ đẫn vì mệt vì lạnh và cả vì đói. Những đứa trẻ chân trần, mặc một cái áo mưa mỏng tanh ngồi chẹt giữa cha mẹ không biết chúng làm sao có thể chịu được cái lạnh khi xe chạy ngoài trời mưa gió. Mưa như vậy thì tài sản mang theo trong những cái giỏ cột sau xe cũng sẽ ướt đẫm. Không biết họ sẽ lấy đâu ra quần áo khô để mặc khi được phép dừng chân ở đâu đó.
Chính phủ đã cảnh báo nguy cơ bão chồng bão đang từ biển đông tràn về miền Trung, dòng người với những chiếc xe hai bánh làm sao có thể chống chọi nổi với thiên nhiên. Người lớn còn không chịu nổi, nói gì đến những đứa trẻ mới 22 ngày tuổi, có đứa còn chưa biết nói vẫn đang ngủ vùi trên lưng mẹ cha. Áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, mưa to… người dân đã kiệt sức sau mấy tháng cách ly làm sao có thể có đủ sức để chịu đựng mà không ngã bệnh dọc đường.
Dường như chỉ thấy các tỉnh dọc đường cho đón người tỉnh mình, còn người tỉnh khác thì lại chỉ được công an, cảnh sát giao thông dẫn đường cho đi qua tỉnh khác. Trong lúc mưa bão như vậy tốt nhất là cho người dân dừng tạm ở một trường học hay hội trường nào đó để chờ cho qua cơn bão, lấy lại sức để mà đi tiếp. Phải chi có một lãnh đạo nào đó dám “ xé rào” làm vậy chứ nếu để cho họ cứ tiếp tục đi thì tội cho dân mình quá.
Những câu chuyện được kể lại trên mặt báo khiến ai ai cũng thương cảm khi mà trước đó người dân đi về quê lại bị gán cho cái tội “tự phát về quê” chỉ nêu ra một thủ phạm chính là COVID-19.
Con COVID gây ra túng thiếu, đói kém, thất nghiệp khiến họ phải hồi hương trong sợ hãi nhưng vì sao con COVID lại có cơ hội hoành hành và dẫn đến tình trạng thiếu đói thì chẳng ai nhắc đến.
Lúc dịch tung hoành từ tháng 4 cho đến cuối tháng 9 chính phủ đã làm gì? Gói cứu trợ nếu đến được đúng người và kịp lúc thì có lẽ đã không có cảnh này. Người thất nghiệp vì hãng xưởng đóng cửa nếu được nhận trợ cấp thất nghiệp hay được tạm ứng lương kịp thời có lẽ họ cũng đã an tâm hơn.
Không phong toả cực đoan để theo đuổi “zero COVID” thì có lẽ họ sẽ không phải thất nghiệp và nằm nhà đồng loạt. Không truy lùng các loại F để thu gom vào một chỗ khiến cho số ca nhiễm tăng cao vì lây nhiễm chéo có lẽ họ đã không bị khủng hoảng tinh thần.
Nhiều tháng thất nghiệp, biết bao người phải lên mạng xã hội xin cứu trợ vì tiền. Các khu cách ly tập trung với hàng ngàn người nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID không có triệu chứng với điều kiện sinh hoạt và ăn uống tồi tệ khiến cho tình đã tồi tệ lại càng tồi tệ hơn.
Tất cả chỉ vì chính sách chống dịch sai lầm mà Việt Nam vẫn luôn cho rằng do đặc thù của quốc gia và tuỳ theo tình hình mà phải phản ứng cho phù hợp để biện minh cho cách quyết định chính trị sai lầm.
Gần 20.000 người thiệt mạng vì COVID, hàng triệu người bị thiếu đói, tinh thần bị sang chấn nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vẫn xoay được thành các quyết định cân não để khống chế COVID.
Dân họ về quê gần hết. Bộ Công an thống kê 2,1 triệu người trong số 3,5 triệu người dân từ nơi khác sinh sống và làm việc ở khu tứ giác công nghiệp muốn về quê. Chính quyền địa phương mời ở lại để tiêm vắc xin, ở lại để nhận hỗ trợ và ở lại để được tạo điều kiện đi làm việc trở lại nhưng 2/3 công nhân vẫn chọn về quê dù phong toả đã kết thúc.
Những người lên tiếng đòi quyền lợi, rủ nhau về quê thì không khéo lại bị quy chụp là “kích động người dân tự phát về quê” hay tung tin thất thiệt làm thiệt hại uy tín nhà nước.
Dân họ chọn về dù biết là sẽ phải “có rau ăn rau, có cháo ăn cháo” và đường về quê sẽ khổ trăm bề. Họ chọn cuốc bộ hàng trăm hay thậm chí hàng ngàn cây số chỉ để về nhà. Chính quyền các tỉnh với các chốt chặn kiểm dịch ở khắp nơi vẫn để cho họ đi bộ hàng bao nhiêu ngày trời mà không có chính sách cứu giúp kịp thời. Về lần này, chắc lâu lắm họ mới quay trở lại.
Hỏi vì sao họ về quê đâm ra lại quá thừa khi câu trả lời hẳn đã quá rõ ràng: dân không tin vào lời hứa của chính quyền. Trong những tháng ngày phong toả cực đoan ấy, và thậm chí cho đến lúc này khi người dân kéo nhau về quê, nếu không có dân giúp cho dân mà phó thác cho nhà nước thì không biết sẽ ra sao.
Ông Phạm Minh Chính lúc đầu đợt dịch thứ 4 đã rất mạnh miệng rằng phải tăng cường tập thể dục để tăng sức đề kháng. Rồi lại cũng chính ông cho áp dụng phong toả nghiêm ngặt, rồi thì giới nghiêm. Người dân ra khỏi nhà mua gạo mua sữa còn không được, nói gì đến tập tành thể dục thể thao.
Chính ông đã buộc phải lập pháo đài chống dịch, mỗi người dân làm một chiến sĩ tay không bắt giặc, rồi cũng chính ông cuối cùng phải thừa nhận cần phải sống chung với COVID. Chính ông đã tuyên bố sẽ cố cho ra vắc xin nội địa vào tháng 9, rồi lại bắt dân phải sử dụng “vắc xin tốt nhất là vắc xin Trung Quốc sẵn có” khi không thể sản xuất được vắc xin nội địa vào tháng 9.
Chính ông kêu gọi dân đóng tiền và quỹ vắc xin. Dân tin ông, vét tiền nộp vào mong mau có vắc xin thì cũng chính ông và quyết định dùng tiền đó gửi tiết kiệm lấy lãi, dùng tiền đó để sử dụng cho nghiên cứu và sản xuất vắc xin. Để cho giờ đây Việt Nam là một trong hai quốc gia đứng hạng bét Đông Nam Á về tỷ lệ tiêm vắc xin.
Ông Chính hứa không để ai bị bỏ rơi lại phía sau. Đúng là không ai bị bỏ lại phía sau thật vì họ cùng rơi tự do đồng loạt.
Tổng bí thư mới đây yêu cầu phải thay thế cán bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ chống dịch, tôi xin đề nghị ông thay thế trước các cán bộ Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính, Vũ Đức Đam, Nguyễn Thanh Long vì đã khiến cho gần 20.000 người dân thiệt mạng trong 4 tháng qua, kinh tế kiệt quệ dẫn đến nguy cơ suy thoái kinh tế kéo dài do chính sách chống dịch sai lầm.
2 comments
“Việt Nam vẫn luôn cho rằng do đặc thù của quốc gia và tuỳ theo tình hình mà phải phản ứng cho phù hợp để biện minh cho cách quyết định chính trị sai lầm”
Trí thức phản biện nhà mềnh cũng dùng lý do tương tự . “do đặc thù của quốc gia và tuỳ theo tình hình mà phải phản ứng cho phù hợp để biện minh cho cách đấu zanh ôn hòa & có học hiện nay”. Nó có “sai lầm” hay không thì chưa biết được, may quá!
“phải thay thế cán bộ yếu kém”
Phải chi dân mình thay được toàn bộ mớ trí thức phản biện
Đúng như vậy