VNTB – Phiên tòa giả định về án an ninh quốc gia quy định ở điều 117 bộ luật hình sự

VNTB – Phiên tòa giả định về án an ninh quốc gia quy định ở điều 117 bộ luật hình sự

Chi Mai


(VNTB) – “Phiên tòa giả định” là tiết ngoại khóa quen thuộc của sinh viên trường luật. Nhân thời gian rảnh rỗi nửa tháng ‘cách ly toàn xã hội’, thử làm một phiên tòa giả định theo trình tự xét xử hình sự sơ thẩm, và xử án ‘online’.

 

Tóm tắt vụ án giả định: Ông A., hộ khẩu ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, bị cáo buộc về vi phạm vào điều 117 – Bộ luật Hình sự năm 2015: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Tại phiên xét xử, ông A., từ chối luật sư biện hộ. Sau đây là trích một số nội dung ở phần tranh tụng tại phiên tòa được tổ chức ‘online’ – trực tuyến trong bối cảnh đại dịch corona. Phiên trực tuyến này được công khai trên cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân TP.HCM.

Hỏi: Bị cáo có thể tự giới thiệu tóm tắt về nhân thân?

Trả lời: Bị cáo tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, vào đảng cộng sản năm 25 tuổi và làm việc cho Ban Nội chính Thành ủy trong suốt 16 năm.

Hỏi: Bị cáo có động cơ gì khi đứng ra kêu gọi thành lập hội XYZ, song lại không tuân thủ các quy định về việc thành lập hội?

Trả lời: Bị cáo căn cứ vào quyền được hiến định. Cụ thể là điều 25 của Hiến pháp 2013 ghi rằng công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Điều 25 có hai vế về quyền mặc định, và vế còn lại là thủ tục hành chính cho quyền đó. Như vậy, không thể nói là hội XYZ được thành lập trái pháp luật, mà ở đây là việc thành lập hội chưa bảo đảm đúng thủ tục hành chính về thành lập hội. Do chưa bảo đảm về thủ tục hành chính nên tổ chức hội XYZ có thể không nhận được các chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước.

Hội XYZ tuy không thành lập theo trình tự quy định hành chính, nhưng có đầy đủ phần điều lệ, nội quy và minh bạch toàn bộ thông tin. Do đó, bị cáo không rõ hội đồng xét xử muốn hỏi về ‘động cơ’ theo ngữ nghĩa gì?

Hỏi: Đây có phải là những bài báo mà bị cáo đã viết? (chiếu lên màn hình các bài viết của bị cáo được in lại từ trang web của hội XYZ và một số trang báo chính thống của Hoa Kỳ, Anh Quốc).

Trả lời: Phải. Các bút danh này là công khai. Những khoản nhuận bút mà bị cáo nhận cũng minh bạch qua hệ thống chuyển khoản nội địa lẫn quốc tế tại ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép.

Hỏi: Vì sao có nhiều nội dung bài báo cho thấy bị cáo đã viết không có căn cứ, suy diễn, với các chỉ trích nhằm vào lãnh đạo Đảng và Nhà nước?

Trả lời: Bị cáo thực hiện theo hiến định. Cụ thể, điều 28 của Hiến pháp nói rằng công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Điều 28 cũng có khoản yêu cầu Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

Nếu các bài viết công khai phản biện chính sách và chỉ trích về chính khách đưa ra những chính sách đó của bị cáo được cho là không đúng, thì tại sao ngay lúc ấy phía những tổ chức, cá nhân đó không phản hồi ý kiến như luật hiến pháp quy định?

Hỏi: Bị cáo thành lập hội và viết bài chỉ trích như vậy là nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì sao bị cáo lại làm như vậy, trong khi bị cáo lớn lên trong một gia đình có bề dày cống hiến cho sự nghiệp cách mạng thống nhất nước nhà?

Trả lời: Chỉ trích về một hay nhiều chính sách, đả kích về một hay nhiều chính trị gia, đó là nội hàm trong yêu cầu phê và tự phê của đảng viên. Quần chúng cũng được quyền lên tiếng phê phán chính sách. Bị cáo luôn cho rằng trách nhiệm của một công dân từng tham gia trong bộ máy chính quyền, là cần phải dũng cảm đấu tranh cho chính quyền luôn phải biết đến an dân trong mọi quyết sách.

Trong các bài viết mà quý hội đồng xét xử trình chiếu ở trên, xin hỏi ở nội dung nào là nhằm chống Nhà nước, và nếu chống thì chống để làm gì? Phải chăng để xóa bỏ chính quyền đó, hay để giúp chính quyền đó nhận ra những khuyết tật của mình mà sửa sai?…

……….

Phiên tòa giả định tạm dừng vì bất ngờ vị thẩm phán chủ tọa ách xì mạnh đến mức làm rớt luôn khẩu trang (!?).

Bên lề vụ án xét xử oline đó, có sinh viên trường luật thắc mắc: nếu cho là các bài báo của ông A., “mang màu sắc cá nhân, tư tưởng thù địch, đều có chung quan điểm là chống Đảng, Nhà nước”, thì cần thiết đưa vào tố tụng những tờ báo nước ngoài liên quan đã đăng tải những bài viết này của ông A.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)