Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thiên hạ luận: Định mệnh của lãng quên

Hiền Vương

 

(VNTB) – Tháng tư về. Định mệnh của lãng quên tháng tư, đó luôn là không thể không nhớ…

 

Bàn về chuyện lãng quên, thi sĩ Nguyễn Quốc Chánh, viết:

Văn chương nghệ thuật, nếu nhìn bằng con mắt thần thoại, nó là một bi kịch. Khi ý thức về sứ mệnh, văn chương nghệ thuật, có gương mặt âm u màu chì hay màu ngà ố vàng của tro cốt trong một cái hũ lãng quên.

Lãng quên là một định mệnh mà văn chương nghệ thuật tự nguyện vào vai một hiệp sĩ mù, độc hành và âm thầm thách đấu. Đương đầu những chế độ độc đoán hay những giáo luật hà khắc chỉ để tạo cảm hứng hời hợt về tự do cho người dân, không phải là sứ mệnh lì lợm cuối cùng, nó là những đường gươm khoa trương dọn đường để tiến dần về đường biên vô hình, vô định, mà mọi thế lực không thể vượt qua, đó là sự lãng quên.

Trước sự lãng quên, Bùi Giáng nửa điên nửa dại. Trước sự lãng quên, Nguyễn Đức Sơn nửa tục nửa thanh. Trước sự lãng quên, Phạm Công Thiện nửa thiên tài nửa ngây dại. Trước sự lãng quên, Nguyễn Du ỡm ờ ngã giá, 300 năm thay vì 3000 năm, ai còn khóc ta!

“Thiên tài là gì vậy? Là những thằng/ con đĩ chùa của thời đại!” – Nguyễn Quốc Chánh bỗ bã.

“Cái chúng ta cần, có lẽ là, một thể chế dân chủ” – tác giả bút danh Ngọc Vân kêu gọi như vậy trong bài viết đăng trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 26-3-2021.

Ký giả kịch trường Huỳnh Anh Thu của Sài Gòn trước tháng tư năm 1975, nói rằng chính thể chế dân chủ đã giúp những người cộng sản miền Bắc chiến thắng người anh em cộng hòa miền Nam. Giờ họ chả dại gì mà lặp lại sai lầm đó trong chuyện dân chủ của Việt Nam Cộng Hòa.

“Chính phủ từ ông Diệm đến ông Thiệu đều tôn trọng dân chủ nên thiên hạ cứ rần rần xuống đường biểu tình mỗi khi không hài lòng chính sách nào đó của chính phủ. Những người anh em miền Bắc đã tận dụng dân chủ để kích động giới trẻ miền Nam xuống đường giương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc.

Những người trẻ đã bị xí gạt, bởi nếu đã là xuống đường phản đối chiến tranh, vậy thì nên hiểu sao, khi quân đội miền Bắc cùng lực lượng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam luôn sẵn sàng pháo kích khủng bố đời sống đồng bào miền Nam?…

Nếu Việt Nam Cộng Hòa bớt dân chủ đi một chút… Mà thôi, lịch sử luôn là bi kịch khi chúng ta cứ ám ảnh đặt ra những chữ ‘nếu’ của định mệnh không cách nào lãng quên được!” – nhà báo Huỳnh Anh Thu, ngậm ngùi nói khi tháng tư này, ông giờ ở tuổi ngoài 75.

Tháng tư định mệnh vì sao không dễ lãng quên?

Nhà thơ Đỗ Trung Quân thử lý giải bằng những câu thơ tự sự (trích):

ta mang tuổi hai mươi vào rừng 8 năm

4 năm những vùng kinh tế mới

3 năm lòng hồ Dầu Tiếng – chiến khu Dương Minh Châu

1 năm chiến trường biên giới K máu và không chắc còn nước mắt

trả xong món nợ lý lịch dù không con sĩ quan

dù không nhà địa chủ

thân thế ngay trên vai, mái tóc dài

Hippie choai choai

ta trả nợ xong một phần “tiểu tư sản thị thành”

ba lô về, cuộc đời làm lại.

căn cước mới

lý lịch thêm dòng “thanh niên xung phong”

xong!

mất đến 20 năm

ta mới nhận ra mình thành kẻ nợ

nợ cả một đời…

ta nợ những đêm xuống tàu định mệnh

cuộc đào thoát bi thảm

không internet

không một dòng thông tin

ta bình yên kiếm sống

vênh váo hư danh

hãnh tiến “trong hào quang bóng tối”

ta nợ

bạn bè học tài thi phận

thi bao nhiêu lần cũng rớt

học bao nhiêu cũng ra vỉa hè chanh ớt

bán dạo – chợ trời…

lý lịch xét 3 đời

oan khuất.

ta nợ

bạn ta xó chợ đầu đường

bán từng cái quần, cái áo

ta chễm chệ trên ghế ngồi giám khảo

nhét túi phong bì

những lễ hội phù hoa

dìm ta tận đáy…

ta nợ

như kẻ vô tâm

mắt mù

ta nợ những con thuyền vỡ nát

phận người chìm đáy biển sâu

ta như kẻ nợ

dù không vay

tháng tư hoa phượng cháy

nám cơn mưa sầm đen

ta biết ta còn nợ

những bình minh chưa lên…


Tin bài liên quan:

VNTB – Phiếm luận: Khi cây Kơ nia không còn ‘uống nước nguồn miền Bắc’

Do Van Tien

VNTB – Thiên hạ luận: Khi người ta khoái… nghe chửi

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: Những câu hỏi sau 46 năm

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo