Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ừ thì bỏ lễ …

Yến Phương

 

(VNTB) – Có lẽ, ông Thêm cũng không muốn người trẻ gặp ông, bắt tay với ông và nói: “Ê, chào ‘you’…” đâu ông Thêm nhỉ…

 

Tại hội thảo “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”, do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức, ý kiến “Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo” của giáo sư Trần Ngọc Thêm, đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

“Cá nhân tôi không hiểu vì sao bỏ lễ để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo như giáo sư Thêm nói. Có lẽ, theo tôi cảm nhận, ông cho rằng “tiên học lễ” là một gọng kìm để kìm hãm sức sáng tạo như kiểu em muốn làm cái này, muốn làm cái kia nhưng vì lễ, phải nghe theo lời người lớn nên phải thôi.

Nếu như vậy, điều đó không hẳn sai hoàn toàn với những trường hợp kiểu như thích học ngành này, ngành nọ nhưng bị ba mẹ ép phải theo ngành khác. Nhưng, một sự việc có nhiều khía cạnh, giống như bức hình, đứng góc này nhìn ra số 6, góc khác lại ra số 9, có lễ, chưa chắc đã không có phản biện và sáng tạo.

Vì sao? Vì phản biện và sáng tạo phụ thuộc vào từng người. Lấy ví dụ, nếu ba mẹ bạn là người chịu lắng nghe, sẵn sàng nghe bạn phản biện những điều mà họ nói ra, những quy định họ đề ra, dĩ nhiên là họ đã giải thích vì sao đưa ra quy định đó, thì thay vì có lễ, nói năng đàng hoàng, nhỏ nhẹ, kèm theo đó là những luận chứng đưa ra rõ ràng, ắt sẽ có phương pháp dung hòa.

Ngược lại, ba mẹ bá đạo, lời của tao là lệnh, cho dù ông Thêm có giữ “lễ” hay bỏ “lễ” thì nó cũng bằng thừa. Không “lễ” chẳng lẽ ông Thêm ủng hộ con cái hỗn hào, đánh cha đánh mẹ lúc đó?”, Ngọc, cựu sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM ý kiến.

“Mình khác bạn Ngọc, không nói vấn đề gia đình và lễ nghĩa. Mình nói ngay bản thân ông Thêm nè. “Tiên học lễ, hậu học văn” là khẩu hiệu có từ lâu rồi, ngay từ lúc mình học Tiểu học, có được dạy chữ lễ với giáo viên, mỗi khi gặp thầy cô hoặc là chào hoặc cúi đầu.

Được biết, ông Thêm cũng là một giảng viên, có sách được lấy làm giáo trình dạy học luôn, nếu bỏ chữ lễ, vậy thì mỗi lần đi ngang thầy Thêm, không cần cúi đầu hay chào thầy thì có được không? Ngày 20/11 thiết nghĩ cũng nên bỏ nếu bỏ chữ lễ. Và thậm chí, nếu nặng hơn, sinh viên tụi em có thể gọi thầy Thêm bằng “bạn già” hay bằng “you”, nếu ủng hộ thầy bỏ lễ có được không thầy?”, Minh, sinh viên thuộc khối đại học quốc gia nêu câu hỏi.

“Tôi có hai điều xin góp ý với phát biểu của vị giáo sư này: 1- Ông hiểu nghĩa của chữ Lễ và chữ Văn hạn hẹp quá; 2- Ông cho rằng câu cách ngôn (xin phép dùng từ Cách ngôn thay cho từ Khẩu hiệu) làm mất đi tính phản biện, sáng tạo của học sinh là hơi áp đặt, bởi việc làm mất đi tính sáng tạo, phản biện là do quy trình dạy học, do bệnh thành tích và do cơ chế chớ không phải do câu cách ngôn đó”, một ý kiến khác.

“Chữ LỄ chỉ đứng sau chữ NHÂN. Lễ là quan hệ giữa người với người sao cho có văn hóa. “Vô lễ” là “vô văn hóa”. Chỉ con người mới có văn hóa. Loài vật không có văn hóa. Một con người vô văn hóa thì đó chỉ là con vật. Trong nhà trường, có thể bỏ lễ chào cờ được không? Trong ngoại giao có thể bỏ lễ đón tiếp các nguyên thủ quốc gia không? Trong cuộc sống có thể bỏ các lễ tang, lễ thành hôn, lễ khởi công… được không? Giữ Lễ chính là biểu hiện của một xã hội văn minh. Trong trường không dạy chữ Lễ cho học sinh thì sẽ ‘cá đối bằng đầu’…, một phản biện khác.

“Theo nhìn nhận của tôi, để phát triển cần có sự đấu tranh và sáng tạo. Nhưng để phát triển cần có sự ổn định, thử hỏi một đất nước, một xã hội không ổn định có phát triển được không? Trong phạm trù triết học động và tĩnh là hai mặt đối lập nhưng trong động luôn có tĩnh và ngược lại. Phần nữa chữ LỄ ở đây cần hiểu Lễ nghi và Lễ nghĩa. Có lẽ vấn đề giải nghĩa ở đây để các nhà ngôn ngữ học giải nghĩa thêm” – một ý kiến trung dung.

Việc phát ngôn bỏ hay không bỏ “tiên học lễ, hậu học văn” trong một buổi hội thảo về văn hóa, có thể nói, là điều dễ dàng (dù thực tế với chức vị giáo sư, là điều hoàn toàn chẳng bình thường chút nào), song cái hậu quả của nó thì như thế nào, không biết rằng, ông Thêm đã từng nghĩ đến hay chưa?

Có lẽ, ông Thêm cũng không muốn người trẻ gặp ông, bắt tay với ông và nói: “Ê, chào ‘you’…” đâu ông Thêm nhỉ…

(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả


Tin bài liên quan:

VNTB – Thiên hạ luận: Đừng đổ lỗi cho địa phương

Phan Thanh Hung

VNTB – Ông Thêm đã ngủ quên trong “tháp ngà” quá lâu? (*)

Phan Thanh Hung

VNTB – Chính quyền địa phương sẽ lựa chọn gì?

Phan Thanh Hung

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 29.11.2021 1:38 at 13:38

“Không “lễ” chẳng lẽ ông Thêm ủng hộ con cái hỗn hào, đánh cha đánh mẹ lúc đó?”

Một tác giả cũng trên VNTB xem Đảng & chính phủ là cha mẹ dân . Tớ ủng hộ ô Trần Ngọc Thêm . Các bác cứ lấy “lễ” mà đối xử với “cha mẹ” của mình .

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.