Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vài nét chấm phá từ cuộc đời tôi (bis 36) 

Ngụy Hữu Tâm

(VNTB) – Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger và những vấn đề liên quan.

Tôi bắt đầu viết bài này vào hôm kết thúc  SEA GAMES 31, cũng vừa kỷ niệm sinh nhật Bác. Việt Nam thắng Thái dòn dã bóng đá nam nữ, dương ảnh Bác (có cái cớ kỷ niệm sinh nhật nhưng khi đi thờ một nhân vật mờ ám như thế này thì bệnh hoạn quá, còn về bóng đá, xét cho cùng, kỹ thuật của Thái vẫn hơn ta, cứ xem số cầu thủ chơi nước ngoài là đủ biết!). Buổi lễ trao giải cúp vàng có gần đủ bộ Chính, Huệ, Phúc, chỉ thiếu Trọng, nhưng bù lại có Ngân vừa về hưu. Đ+SVN làm chính trị bằng cách ru ngủ dân chúng qua các cuộc thi đấu thể thao rầm rĩ trên truyền hình, tài quá ta, hoan hô!

Sau sự kiện SEA GAMES 31, với tôi còn có cuộc seminar của GS toán học Vũ Hà Văn tại Cafe Thứ Bảy của nhạc sĩ Dương Thụ là đáng nói. Cũng tập hợp được ~50 thính giả, nửa già nửa trẻ. Ông GS Văn nói về làm TS và GS ở các trường đại học Hoa Kỳ, khá lý thú. Hiện GS Văn cũng dành 1/2 thời gian làm việc cho Việt Nam ở tư cách là Chủ tịch một Hội đồng Khoa học thuộc Vinuni, hy vọng nó có hiệu quả thực sự cho nền giáo dục nước nhà.   

Nhân đây như thường lệ, xin giới thiệu sách, báo Đức.

Trên 2 tờ GEO mới về nhất tại Viện Goethe Hà Nội số 3 và 4 ra trong 2 tháng đó có các tiêu đề: tiêu đề một: „Cái gì bây giờ giữ chúng ta lại với nhau: Các liên đoàn lại cho chúng ta niềm vui ở tính cộng đồng. “Hay quá, thế mới xứng với đảng Xanh chứ. Nhưng cũng vẫn chẳng quên chính trị, ngay ở bên dưới là„ Đặc biệt Sự nổi lên của Putin: Từ một tên tay sai trở thành bạo chúa“.  

Và tiêu đề hai: „1000 mét dưới biển Đặc biệt: Lặn xuống chốn chưa biết: Phóng viên tờ GEO ở chốn sâu thẳm của Đại Tây Dương“. Ngoài ra còn có Sinh thái học: Hãy cứu những cánh rừng của chúng ta! Hãy để chúng cháy!

Ở tiêu đề một tôi rút ra nhận thức sau: Các hội đoàn của Đức có lịch sử hai thế kỷ mà chẳng hề già cỗi, trái lại sống động hơn bao giờ hết, chúng cho các hội viên chỗ dựa, ý nghĩa và quê hương. Thế thì tôi chẳng hiểu bao giờ Việt Nam được như Đức, đâu đâu cũng thấy Đảng chỉ huy hết cả.

Bài ‚Sự nổi lên của Putin’ cho thấy từ một sĩ quan KGB, Putin, với tính gian manh từ nhỏ và nhầm lẫn của Elzin, Beresovski, và lũ oligarch-đầu sỏ kinh tế, nắm bắt quyền lực nhanh như thế nào rồi phản bội họ để trở thành bạo chúa. Những thông tin không mới nhưng có hệ thống.

Bài ‚Hãy cứu những cánh rừng của chúng ta! Hãy để chúng cháy!’ mới nhìn thoáng có vẻ lạ, nhưng đúng thế. Ở Bồ Đào Nha, Australia và Brandenburg đầu tiên người ta nhầm nên để những đám cháy rừng dữ dội hơn. Chuyên gia lâm nghiệp và cứu hỏa Marc Castellnou đề nghị, chúng ta nên dập tắt ít hơn. Chúng ta phải sống chung với lửa. Với giả thuyết này, ông đang phải đơn độc đấu tranh với ngành cứu hoả thế giới. Xin ý kiến của các chuyên gia Việt Nam.

Có chuyện lạ, ở vùng núi Tassili n’Ajjer, tỉnh Tamanghasset thuộc sa mạc Sahara, trên một cao nguyên rộng lớn phía đông nam của Algérie, người ta phát hiện ra những công trình kỷ niệm dạng mồ cổ nên cho xây 5 vườn quốc gia tại đó.

Bài hay nữa là bài ‚Dòng chảy tự do’ kể về bác sĩ phẫu thuật tim mạch Andreas Grüntzig. Ở tuổi 18, vì vướng lý lịch mà không được học đại học, từ thành phố Dresden, CHDC Đức, ông trốn sang Tây Đức học Y, rất quyết tâm nên cuối cùng sang Zurich Thụy Sĩ và Atlanta, Mỹ, làm việc, thành công với phát minh ra balloncatheter-ống thông cầu đã cứu được hàng triệu bệnh nhân tim mạch trên toàn thế giới, trong đó chắc chắn có con gái tôi Ngụy GL, mổ năm 1997 ở bệnh viện Charité, Berlin. Đáng tiếc ông mất ngày 27.10.1985 tại Atlanta, máy bay riêng của ông gặp bão.

Còn có bài quá hay về robot nên tôi mạn phép được dịch toàn bộ bài, như sau: „Tại sao tương lai trong vũ trụ lại thuộc về robot“:

„Một thể loại mới“

Du hành vũ trụ: Martin Rees, 79 tuổi (cùng tuổi tôi), là nhà thiên văn học Hoàng gia cho Nữ hoàng Anh. Ông đòi rằng trong tương lai sẽ không có nhà du hành vũ trụ nào thám hiểm vũ trụ nữa, mà là các robot – bởi lẽ chúng tốt hơn, rẻ hơn và không quá nhạy. 

SPIEGEL: Mr Rees, ông còn có thể nhớ đến những cảm xúc của ông khi vào tháng tư 1961, Juri Gagarin ở tư cách là người đầu tiên bay vào vũ trụ?

Rees: Tôi thậm chí đủ già để nhớ đến chuyến bay đầu tiên của Sputnik năm 1957. Thế nhưng còn gây ấn tượng cho tôi nhiều hơn 2 sự kiện trên là „bước đi nhỏ“ của Neil Armstrong lên Mặt Trăng vào năm 1969. Tôi nhớ chính xác mình đã quan sát thời điểm này trên một cái tivi đen trắng như thế nào và tôi cảm thấy nó long trọng đến mức nào.       

SPIEGEL: Nhưng dẫu vậy, bây giờ ông đã cùng ký giả khoa học Donald Goldsmith viết một cuốn sách nói về vấn đề rằng nhân loại chẳng cần phi hành gia vũ trụ để thám hiểm vũ trụ. Tại sao lại không?

Rees: Tuy nhiên cuộc sống của chúng ta phụ thuộc ở mức độ lớn vào vũ trụ, chúng ta cần vệ tinh cho ngành dẫn đường, thông tin liên lạc, dự báo thời tiết và những vấn đề khác. Thế nhưng chúng tôi thấy rằng việc dùng nhiều tiền để gửi các nhà du hành vũ trụ lên vũ trụ là không cần thiết. Bây giờ các robot đã có thể hoàn thành phần lớn những nhiệm vụ trong vũ trụ đơn giản hơn và rẻ hơn con người rất nhiều.         

SPIEGEL: Ở tư cách là nhà vũ trụ học, ông quan tâm đến những địa điểm ở rất xa trong vũ trụ mà dẫu sao đi nữa, chẳng bao giờ có người nào đó bay tới được…  

Rees: Câu hỏi quan trọng nhất mà tôi muốn có một câu trả lời là: Còn có sự sống nào khác trong vũ trụ hay không? Tôi chẳng tin rằng các nhà du hành vũ trụ sẽ có đóng góp vào việc tìm ra điều đó. Những chiếc máy như kính viễn vọng „Webb“ có thể làm điều ấy tốt hơn nhiều. chẳng hạn bằng cách chúng thu nhận ánh sáng rất yếu của những hành tinh giống như Trái Đất và bay quanh các ngôi sao khác. Robot có thể đến thăm những địa điểm như vệ tinh Europa của Sao Mộc hay vệ tinh Enceladus của Sao Thổ. Những thiên thể này có bề mặt băng phủ mà bên dưới có thể có nước. Nhiều chuyên gia coi rằng có khả năng rằng ở đó tồn tại sự sống. Thế nhưng không có nhà du hành vũ trụ nào có thể bay tới những vệ tinh cách xa chúng ta đến thế, những sứ mệnh này quá ư phức tạp.           

SPIEGEL: Các nhà du hành vũ trụ lập luận rằng ở những thiên thể gần Trái Đất như Mặt Trăng hay Sao Hỏa thì con người sẽ có thể đi đến những quyết định tốt hơn và  nhanh hơn rất nhiều nếu so với máy móc.     

Rees: Hiện nay thì điều đó đúng, nhưng sau 20 năm có lẽ sẽ không còn như vậy nữa. Ngành công nghệ robot tiến nhanh đến mức các luận chứng cho việc đưa người lên vũ trụ càng ngày càng yếu hơn.

SPIEGEL: Điều đó có nghĩa rằng, robot và trí tuệ nhân tạo sẽ càng ngày càng tốt hơn nhưng con người chúng ta lại không chăng?

Rees: Chúng ta có thể minh họa tốt cái đó qua marsrover-người đi trên Sao Hỏa. Trước đây 10 năm „Curiosity“ chỉ đi hết sức chậm để không va chạm vào các vật cản. Mỗi khi nó đến gần một tảng đá, đầu tiên là nó phải dừng để nhận lệnh lái từ Trái Đất. Con rover mới „Perseverance“ tiếp đất trên Sao Hỏa năm 2021, nhờ trí tuệ nhân tạo tích phân chạy nhanh hơn rất nhiều. Sau 10 hay 20 năm nữa, kỹ thuật của những máy này sẽ không chỉ có khả năng chạy lung tung trên Sao Hỏa mà chúng cũng sẽ đủ biết về mặt địa chất để quyết định rằng ở đâu đáng quan tâm để đào xuống hay để quan sát. Robot sẽ có thể tiến hành nghiên cứu một cách không hạn chế, và có lẽ làm điều đó rẻ hơn người 100 lần.  

SPIEGEL: Ông nêu luận cứ đúng theo phép tính lợi ích và chi phí?

Rees: Có nhiều thí dụ mà ở đấy cái đó dẫn đến những kết quả đáng ngạc nhiên. Chẳng hạn việc chữa kính thiên văn „Hubble“ mà việc đó được coi như là cột mốc cho sự hợp tác giữa con người với máy. Đúng là: „Hubble“ đi vào hoạt động ở thời điểm khi mà robot còn rất đơn sơ, khi phải sửa thì chúng sẽ không trợ giúp gì được. Nhưng ngay khi ấy tôi đã thấy ý tưởng đưa các nhà du hành vũ trụ vào mục đích này là ngớ ngẩn. Với số rất nhiều tiền cho việc đó, lẽ ra người ta đã có thể lắp 7 bản sao „Hubble“. Với chúng người ta đã có thể phát kiến ra tất cả những thứ gì?  

SPIEGEL: Theo một cuộc điều tra, người châu Âu tin rằng ngành công nghệ du hành vũ trụ vũ trụ không tốn nhiều tiền thuế lắm.  Vậy chi phí hoàn toàn không là vấn đề gì?   

Rees: Ngành công nghệ du hành vũ trụ thật sự là đắt tiền và nguyên nhân chính cho điều đó là công luận thiếu chấp nhận may rủi. Khi người ta bằng tiền ngân sách đưa dân thường lên vũ trụ thì độ may rủi phải nhỏ. Space Shuttle-Tàu vũ trụ đã xuất phát tổng cộng 135 lần, 2 lần gặp trục trặc, các tàu vũ trụ bị phá hủy, phi hành đoàn bị chết. Tỷ lệ sai sót nhỏ hơn 2%. Với dân chuyên nghiệp thì độ may rủi đó là chấp nhận được, với công luận Mỹ thì đấy là chấn thương khó chấp nhận. Nhưng giảm độ may rủi trong ngành du hành vũ trụ đến mức không còn nguy hiểm cho các nhà du hành vũ trụ nữa thì hết sức đắt. Nếu chỉ có máy móc trên khoang thì người ta có thể chấp nhận nhiều may rủi hơn và tiết kiệm được rất nhiều tiền. Chẳng có ai ngoài các nhà khoa học rỏ nước mắt cho một robot bị rơi. 

SPIEGEL: Những chuyến tiếp đất của „Artemis“ đã được NASA lên kế hoạch là một ý tưởng hay chăng?

Rees: Tôi coi đó là lãng phí tiền vô ích. Không hề rõ lợi ích là gì.

SPIEGEL: Ý kiến ông ra sao với các chuyến du hành vũ trụ có người của các hãng tư nhân?

Rees: Nếu các doanh nghiệp như SpaceX và Blue Origin đưa người lên vũ trụ thì chúng ta phải hoan nghênh những nhà thám hiểm dũng cảm này. tôi chẳng hề có vấn đề gì với những sứ mệnh anh hùng nếu như chúng được tư nhân tài trợ.     

SPIEGEL: Ngay với sứ mệnh đi lên Sao Hỏa, nhiều tình nguyện viên vẫn sẵn sàng dẫu biết họ sẽ không thể từ đó trở về.

Rees: Elon Musk nói ông ta muốn được chết trên Sao Hỏa. Bây giờ ông ta 50 tuổi. Có lẽ 40 năm nữa ông ta sẽ thực hiện một chuyến đi One-Way-một chiều lên Sao Hỏa.Tôi chúc ông ta nhiều may mắn!

SPIEGEL: Một lúc nào đó sẽ có người sống trên Sao Hỏa chăng?

Rees: Tôi rất vững tin rằng cho đến cuối thế kỷ sẽ có vài người rất thích mạo hiểm sẽ sống trên Sao Hỏa. Trong vài chục năm nữa, chúng ta sẽ phát triển những kỹ thuật để thay đổi gen, có lẽ cả các Cyber-Technologien-công nghệ mạng mà với chúng, chúng ta sẽ kết nối với nhau để cải thiện các năng lực của chúng ta. Trên Trái Đất thì những công nghệ như thế chắc chắn luôn gây tranh cãi và sẽ bị nghiêm túc hạn chế, nhưng trên Sao Hỏa thì chúng có thể  được áp dụng để thích nghi tốt hơn với một môi trường thù nghịch. Với thời gian thì như vậy loài người sẽ có thể tách ra thành 2 thể loại khác nhau, 1000 lần nhanh hơn là qua tiến hóa Darwin. Säcular intelligent design-thiết kế thế tục thông minh, như tôi thích gọi thế, trong ít hơn vài thế kỷ có thể dẫn đến những thể loại mới mà chúng có thể làm từ máu thịt, nhưng cũng có thể từ điện tử học. Quyến rũ làm sao!         

SPIEGEL: Mr Rees, chính bản thân ông có muốn làm nhà du hành vũ trụ chăng?

Rees: Tôi sẽ thấy một sứ mệnh mà ở đó tôi bay quanh Mặt Trăng rồi quay trở về Trái Đất là hấp dẫn. Nhưng không một người dân đóng thuế nào phải trả cho việc đó dù chỉ một đồng bảng Anh.  

Lại nói tiếp bài trước. Quên nhắc một chuyện cũng khá hay về cụ NKT. Số là lúc ấy cụ được VHLKH CHDC Đức rất trân trọng nên bố trí trú đêm tại khách sạn Hotel Stadt Berlin, khách sạn sang trọng nhất Berlin thời bấy giờ, như Metropol của Hà Nội (hay chính xác hơn là Hilton, vì mới xây chứ không phải cổ kính). Lại nói kỹ hơn một chút. Lúc đó tôi đang ngụ ở Fischerinsel phía Tây của Tòa thị chính, mà sát nó là nhà thờ St.Marienkirche và Tháp truyền hình. Qua ga metro Alexanderplatz chính là khách sạn Hotel Stadt Berlin mà siêu thị Centrum Warenhaus ở ngay dưới chân (nếu bạn đọc muốn hiểu kỹ hơn, xin xem bản đồ thành phố Berlin trên Googlemap). Rất tiện nên cụ hay nhờ tôi mua vài thứ lặt vặt như kẹo bánh hay nước ngọt. Nhưng lần ấy cụ muốn mua quà về nước nên cụ phải đi cùng. Thế là cụ vui chuyện, và vì biết tôi đang làm nghiên cứu sinh tại VHLKH cho nên cụ kể: „Bác thời xưa cũng có làm TS đấy chứ, ở trường Phương Đông của ĐCS Liên Xô, chỉ vì khi ấy Đảng yêu cầu nên phải bỏ dở về nước. “Nghĩ chán quá, chẳng lẽ tôi phải bảo: „TS trường Đảng là cái đinh gì mà phải mang ra khoe, cùng lắm thì nó cũng chỉ ngang hàng „TS Cầu lông“ mà thôi. Còn nếu cần khoe, lẽ ra tôi phải khoe: „Lẽ ra cháu đã làm rể bác, chỉ vì chiến tranh ngăn cách.“ Số là năm 1951 cụ là thứ trưởng Giáo dục mà bố tôi đang làm Tổng giám đốc Trung học vụ, chức ngay sát đó (mà cụ có giới thiệu bố tôi vào Đảng nhưng bố tôi từ chối, bảo chưa biết gì về Đảng cả, hình như tôi cũng đã kể ở phần trước cuốn Hồi ký). Và vì biết cụ có con gái người Tàu (cụ nổi tiếng „nịnh đầm“ rồi mà, ai chẳng biết!) cùng tuổi với tôi nên mọi người ở Bộ Giáo dục mới đem ra gán ghép thế, cũng là chuyện vui thôi ấy mà.

Còn nói chuyện yêu Đảng của bố tôi và trải nghiệm của tôi với cụ ở chuyện đó, nhân đây xin nhắc lại, tôi từng có viết một bài đăng trên tờ bauxitevn vốn đã lâu, hình như 2015, chắc nhiều bạn chưa đọc nên xin đưa ra, có thêm comment:

Đôi lời về những ngày tháng nông nổi của tuổi trẻ

Tốt nghiệp đại học nửa thế kỷ, đã ở tuổi ‚xưa nay hiếm’, là tuổi U 80, có lẽ cũng nên ôn lại chuyện cũ đên con cháu sau này biết cha ông chúng trước kia sống, học tập, lao động, sinh hoạt ra sao, nhất là trong cuộc chiến dữ dội ít nước nào bằng.

Tôi có cái may được đi ‚Thiếu sinh quân’, đi học Đức từ 1956 lúc 12 tuổi, vừa học hết lớp 5 Phổ thông III Hà Nội, sang học Trường Nội trú Maxim Gorki Heim ở thành phố Dresden. Thế là học cấp II các môn khoa học xã hội bằng tiếng Việt với thầy Việt và khoa học tự nhiên bằng tiếng Đức với thầy Đức. Nhưng rồi hết lớp 8, không hiểu sao, ‚trên’ cho về nước nghỉ hè, rồi sang trở lại học nghề ở Nhà máy cơ khí điện ảnh VEB Kamera- und Kinowerke Dresden vì Hãng phim DEFA của Đức muốn giúp ta xây dựng một hãng phim cho ra trò. Tuy là trường dạy nghề của một hãng công nghiệp lớn, thầy và thiết bị Đức nhưng lớp Việt Nam riêng nên chúng tôi vẫn dùng hai thứ tiếng Việt và Đức.         

Được cái may nữa là cũng có chút năng khiếu ngoại ngữ nên ngay từ thời đó đã đam mê đọc sách nói chung, nhất là những chuyện trăng sao, vũ trụ và cũng không quên „Thuyết tương đối“ của Einstein là điều dĩ nhiên, bởi lẽ chỉ cái tên đã gây sự tò mò rồi, và làm sao lại có tốc độ hớn cả vận tốc ánh sáng… Còn văn học nói riêng, cũng đọc nhiều sách dịch từ tiếng Nga cho dễ như „Chiến tranh và hòa bình“ hay „Con đường đau khổ“, dĩ nhiên hay tất nhiên cả Goethe, Heine và Schiller…, cho nên trình độ tiếng Đức tiến khá nhanh và không chỉ ngôn ngữ, mà toán cũng tạm được. Tôi thích Vật Lý hoàn toàn không do „truyền thống gia đình“ mà vì ở trong môi trường kỹ thuật tiên tiến, hiện đại này, nhất là khi học ở nhà máy này, bạn cho thực tập trên việc lắp zoom thời gian quang học, nghĩa là trống các gương quay với tốc độ cực kỳ lớn, cho nên tôi phải rất nỗ lực mới hiểu và khi hiểu thì yêu môn Lý và tìm hiểu các nhà khoa học và cả lịch sử của nó là điều dĩ nhiên. Cũng nên mở ngoặc, học kỹ thuật ở Đức tốt đến mức khi sau  này sang Algery dạy học, tôi nhận dạy môn vẽ kỹ thuật cho sinh viên đại học kỹ thuật một cách hết sức dễ dàng. Học hết 3 năm thi trình độ tay nghề 5/8 rồi về nước, ở nhà chưa xây xưởng phim nên được phân công về Viện Đo lường, UBKHNN vừa thành lập năm 1960, cơ quan nhập thiết bị của Đức nên cũng có dịp dùng tiếng Đức, và giúp các anh chị tốt nghiệp những khóa đầu của ĐHTHHN và ĐHBKHN học tiếng Đức để họ có thể dễ dàng sang thực tập nghiệp vụ tại Đức, dĩ nhiên là ngành đo lường cũng do Đức đứng đầu. Ở đây tôi học lớp „Bổ túc văn hóa“ là lớp ban đêm, nhưng may toàn các cán bộ nghiên cứu của UBKHNN dạy nên trình độ không thua trường phổ thông bên ngoài, nếu không muốn nói hơn, nhất là môn Lý do chính thầy Đặng Mộng Lân dạy.

Cũng nên nói, khi nói „truyền thống gia đình“ cũng chẳng sai. Vì tôi nhớ là cha tôi, một phần vì bận công việc ở trường, nhưng tính cụ khiêm tốn, nói chung kiệm lời nên tôi chưa bao giờ bị cụ mắng đã đành, nhưng chuyện chọn nghề nghiệp, cụ cũng không góp ý gì, hoàn toàn do tôi quyết định, nên sau này nếu có muốn ‚trách cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy’ cũng chẳng được, nhất là chuyện yêu đương, sau này hai lần đổ vỡ, hoàn toàn là do ‚duyên số’. Tôi học trong nước vì năm đó cô em cũng có dịp đi nước ngoài, cụ tôi bảo: „Con vừa đi Đức về, nên dành xuất này cho em, nhất là nó lại là nữ“, còn gì để tranh luận nữa! Và mọi chuyện, cụ không hề can thiệp. Như đã nói, tôi có khiếu ngoại ngữ, dùng tiếng Nga đã tốt nên các thầy không bắt học nữa, tôi khá rỗi nên cũng ,quậy’, dù không ghê gớm. Tôi cũng bắt đầu yêu từ sớm, chắc chẳng thua gì các bạn trẻ ngày nay, nhưng có lẽ do ‚duyên số’ chưa đến, yêu một cô, bạn của em gái, nhưng thấy dễ quá nên bỏ dở để tập trung học, hết 2 năm đại học khi đã tạm yên với bài vở, quay trở lại hỏi thăm cô thì hàng xóm cười: „Người ta lấy chồng có con rồi mới hỏi!“ Thế nên dẫu không dám nói tôi cũng có một „tuổi thơ dữ dội“, thì tôi cũng đã đủ sức tung hoành: nào cũng hút thuốc như ai, cũng đàn hát như ai, tham gia đóng kịch ở khoa, chơi đàn gió và còn sáng tác nhạc, thậm chí còn chỉ huy dàn nhạc khoa Lý thời đó, cũng có vẽ nhiều, thậm chí có lần đi vẽ cảnh vật thiên nhiên của núi non sườn phía sau dãy Tam Đảo, đã bị du kích địa phương bắt vì ‚nghi làm gián điệp cho địch’, khoa phải đến ,xin’, họ mới tha.

Thế nhưng về ,quậy’, dù chẳng phải gì ghê gớm, nhưng nhân đây xin nhắc lại một ký niệm mà tôi cũng đã cho đăng báo mạng, nay xin chép lại để bạn nào chưa đọc, đọc qua để xin nói đôi lời về những ngày tháng nông nổi của tuổi trẻ. Đấy là:…

Bài báo nhân kỷ niệm thành lập Đảng: „Hồi đó là vào những năm đầu Chiến tranh, chắc 64-65 gì đó, tôi mới vào đại học. Tôi lúc đó đã trên 20 tuổi chứ không như các bạn trẻ bây giờ thường là học hết trung học phổ thông rồi vào thẳng đại học, bởi vì tôi đã có cái may là đã đi thiếu sinh quân ở Đức, và còn tiếp tục học trường công nhân kỹ thuật ở đấy 3 năm,  tốt nghiệp về nước làm việc 2 năm rồi mới thi đại học. Vì đã đi làm và có quyết tâm học nên sau khi đã sử dụng thành thạo tiếng Đức, trong 2 năm đi làm đó mỗi năm tôi tự học thêm một ngoại ngữ nữa, tức là ngoài tiếng Đức còn võ vẽ cả tiếng Nga và Pháp nữa. Vào học đại học thời đó, tiếng Nga rất quan trọng, có lẽ còn hơn cả tiếng Anh bây giờ, vì sách tham khảo tiếng Việt hầu như không có, với ngành vật lý chúng tôi duy nhất chỉ có ít cuốn toán đại cương và cuốn cơ lượng tử là sách dịch của Nga, nên trường dành nhiều giờ cho việc ngọai ngữ. Tôi khi thi vào đạt điểm tiếng Nga rất cao nên các thầy cho nghỉ, chơi dài.

Nhân dịp kỷ niệm thành lập Đảng 3/2 năm đó, báo Cứu Quốc của Mặt trận Tổ Quốc mà cụ nhà tôi, một nhân sĩ (xin các bạn trẻ hiểu cho đây là danh từ thời đó chỉ người ngoài đảng, hơi có nét miệt thị chút đỉnh) trí thức nổi tiếng, vốn hay tham gia viết, có mời cụ góp một bài. Chắc cụ chán nên giao cho tôi viết. Tôi hiểu như vậy vì cụ đã kể, thầy cụ là giáo sư Joliot-Curie, đảng viên cộng sản Pháp khuyên cụ về nước để đóng góp cho nhân dân nước mình chứ không nên ở lại Pháp, và cụ đã làm theo lời khuyên đó của thầy. Những năm ba mươi thế kỷ trước, mấy ai hiểu được thuyết Mác-Lê như bây giờ, nhất là dấu ấn Stalinist chưa rõ, còn thuyết Maoist lại chưa có. Đúng như mọi người hay nói, 20 tuổi không yêu chủ nghĩa cộng sản thì không có trái tim nhưng 30 tuổi mà vẫn tin cộng sản thì không có não bộ. Thế nhưng về nước tham gia phong tráo yêu nước chống thực dân Pháp và Cách mạng Tháng Tám 1945, rồi cán bộ trung cao của Bộ Giáo dục thể chế mới, 1951 thành lập Đảng Lao động mà thực chất chỉ là thay tên và nét Maoist đã lộ rõ thì khi thứ trưởng Bộ Giáo dục gợi ý cụ vào đảng, cụ đã từ chối. Tất nhiên những trí thức như cụ tôi, họ không chỉ có trái tim, mà cả não bộ.

Cũng chẳng khó lắm cho việc viết một bài 500-1000 chữ, vì ngày nay các bạn có thể dễ dàng nghĩ ra ngay, theo cái khuôn sáo mà ai cũng biết đó và cho đến nay, sau 86 năm tuổi đảng mà cũng vẫn chẳng thay đổi gì nhiều, thì bây giờ dù tôi đã bắt đầu chớm mắc bệnh Alzheimer, vẫn nhớ như in và sẵn sàng viết lại ngay được.

Vậy là thật sự, tôi đã bắt đầu viết báo từ thời đó, và rất nhanh, ngay bài đầu tiên đã được đăng (mà bây giờ khó khăn đến thế, nhất là với báo lề phải vì nếu mình viết thực thì làm thế nào để mà lọt được mắt xanh tổng biên tập), dù bài báo mang tên ông bố mình.

Không những thế, Cứu Quốc trả nhuận bút rất nhanh và dĩ nhiên cụ nhà đưa tôi ngay số tiền đó, dẫu sao cũng là hàng chục bát phở chứ đâu èo ọt 3 bát phở như thời nay, mà với sinh viên hay bất cứ ai của bất cứ thời đại nào, tiền kiếm được bằng sức lao động của chính mình mới quí làm sao…

Tôi có cất công đi tìm lại bài này trên tờ „Cứu Quốc“ những năm 1964-65, đến trụ sở Báo „Đại đoàn kết“, đáng tiếc họ trả lời không lưu báo cũ. Đến Thư viện Quốc gia thì nước ta chưa lưu trữ số các sách, báo, tài liệu họ có nên khá là mét, chưa nói có bị mất một số nên khi tìm hết tất cả các bài của GS Ngụy Như Kontum trên đó thì dẫu tìm được dăm bài, nhưng đáng tiếc không có bài ấy. Nên phải nói, tôi không thể trích dẫn nguyên tác được, chỉ nhớ mang máng bài đó mang tiêu đề là: „Vì sao tôi tin yêu Đảng“. Gợi ý là khi nghe bài hát „Tin yêu Đảng“ của nhạc sĩ Phạm Tuyên… „Đang ngồi chăm chú làm việc tôi bỗng nghe văng vẳng bài hát „Tin yêu Đảng“: „Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng…“ của nhạc sĩ Phạm Tuyên, phỏng theo thơ của thi sĩ cộng sản Pháp Louis Aragon…“. Rồi mạch dẫn đến lời khuyên của thầy hướng dẫn luận án TS của tôi Fréderick Joliot-Curie, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp: „Giữa lựa chọn ở lại Pháp làm tiếp luận án TS rồi tiếp tục nghiên cứu khoa học và sống trong nhung lụa, và trở về nước với muôn vàn khó khăn, tôi vẫn khuyên anh về nước vì ở đó, họ cần anh hơn là nước Pháp“. Cha tôi đã nghe theo lời khuyên đó, và thế nên mới sinh ra tôi và tôi mới viết bài báo đó, dù bài báo mang tên cụ…

Bạn đọc dễ tưởng tượng ra nội dung bài, dễ ợt.           

Bạn MHT vừa trao cho tôi cuốn sách chuyên khảo „Wenn du nicht mehr brennst, starte neu: Mein Leben als Historiker, Journalist und Investor Nếu bạn chẳng còn tỏa sáng nữa thì hãy khởi nghiệp lại: cuộc đời tôi ở tư cách là sử gia, nhà báo và nhà đầu tư“ của tác giả TS,TS Rainer Zitelmann, đã được dịch ra 21 thứ tiếng và rất đáng quan tâm bởi lẽ sau:

Hôm rồi tôi có ghé thăm bạn MHT ở ngôi nhà mang phong cách Vương cung thánh đường SacréCœur (Basilique du SacréCœur, còn gọi là Nhà thờ Thánh Tâm, là một nhà thờ Công giáo nổi tiếng của Paris.) tại Ngõ n Phố Xuân Diệu.

Ở đây, anh trao cho tôi cuốn sách này với lời nhắn nhủ: „Tác giả TS,TS Rainer Zitelmann, bạn tôi, muốn cuốn sách được dịch ra tiếng Việt và sẽ tài trợ cho dự án đó.“

Chắc chắn phải sau một thời gian khó nói nữa, cuốn sách mới được in, nên tôi giới thiệu trước để bạn đọc có một khái niệm sơ lược.

Lời giới thiệu ở bìa sau cuốn sách:

Nhà báo và doanh nhân, sử gia và nhà đầu tư bất động sản, bodybuilder-vận động viên thể hình và nhà nghiên cứu về sự giàu có, đầu tiên là Mao-ít rồi sau là siêu triệu phú. Trong 60 năm, Rainer Zitelmann hầu như chẳng hề bỏ qua cái gì. Ông là ông chủ xuất bản đầy thành công, nhà báo có ý kiến độc đáo, người viết tiểu sử Hitler được thế giới kính nể và tác giả bestseller. Ở tuổi 59 ông bán doanh nghiệp PR đầy thành công của mình và viết luận án TS thứ hai của mình về tâm lý học những người siêu giàu.

„Những năm lưu lạc và đi học“ (nhại cuốn sách nổi tiếng của Goethe) của Rainer Zitelmann kể từ sử gia tới nhà báo và siêu triệu phú không chỉ là một cái nhìn hấp dẫn về phía sau với 60 năm những công trình đầy ấn tượng, mà cũng còn là một cú hích gây cảm hứng: Nếu bạn chẳng còn tỏa sáng nữa thì hãy khởi nghiệp lại!       

Càng ngày tác giả Zitelmann càng có một cộng đồng fan-người hâm mộ lớn hơn. „Tôi chiếm lĩnh thế giới“ là tiêu đề của một chương của lần tái bản đã được cập nhật hóa này, mà ở đó người thày của việc tự tiếp thị viết về những chuyến đi báo cáo khoa học của ông ở châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ.

„Zitelmann mô tả theo suy nghĩ đến trực diện, rất vui nhộn, đôi khi hết sức thú vị về cuộc đời một người đàn ông năng động, bằng những con đường vòng dài gần như vô tận mà người này chuyển Mao-ít thành người lèo lái ngành kinh tế bất động sản.“

Immobilien-Zeitung Nhật báo Bất động sản     

 „Điều mà người ta có thể học hỏi được từ Rainer Zitelmann là thẳng thắn, cương quyết và tự tin đi theo con đường của mình. Và còn cái này nữa: Đừng sợ sệt trước những nhân vật đầy uy tín… Cuốn sách của Rainer Zitelmann là một lời biện hộ cho chủ nghĩa cá nhân. Khẩu hiệu của ông là: Hãy tìm con đường của riêng bạn đến thịnh vượng và hạnh phúc“.

Frank Schäffler, Huffingon Post Bưu điện Huffingon                                          

Mục lục (gồm các chương sau)

Lời mở đầu của TS Hermann Otto Solms

Mở đầu

Nhập đề

  1. Từ Galaktischen Zeitung Nhật báo Galaktischen đến Roten Banner Cờ Đỏ
  2. Mao, Marx và sự giàu có
  3. Những phát kiến về Adolf Hitler
  4. Bốn năm Freie Universität-Đại học Tự do (trường đại học danh tiếng ở Tây Berlin)
  5. Những cuốn sách chống laị Cánh Tả
  6. Sếp của „Thế giới tinh thần“
  7. Tuyên ngôn Tự do và ngày 8 tháng 5 năm 1995
  8. Tôi quyết định làm giàu
  9. Trang bất động sản đầu tiên ra hàng ngày tại châu Âu
  10. Tôi sẽ trở thành doanh nhân
  11. 15 năm là người dẫn dắt thị trường
  12. Nhà đầu tư: nhà triệu phú lội ngược dòng
  13. Tôi đã học được gì ở 45 nhà siêu giàu
  14. Nhà báo chính luận chuyên tài chính, khủng hoảng đồng EURO và người tỵ nạn
  15. 12 nguyên tắc sống của tôi (22 tr)
  16. Tôi chinh phục thế giới

Test NEO-FFI         

Xin phép dừng nhấn con chuột để bài sau kể tiếp.            


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Trung Quốc nhìn từ nước Đức

Phan Thanh Hung

VNTB – Vài nét chấm phá từ cuộc đời tôi (bis 19)  

Phan Thanh Hung

VNTB – Bao giờ cho đến tháng Mười?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo