VNTB – Ám ảnh trại tế bần

VNTB – Ám ảnh trại tế bần

Hiền Vương

(VNTB) – Từ nay đến hết ngày 3-4, TP.HCM sẽ tập trung đưa người xin ăn, lang thang vào các cơ sở xã hội để phòng chống dịch COVID-19.

 

Chính quyền yêu cầu từ nay đến hết ngày 3-4 tập trung hết các đối tượng ăn mày, lang thang đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội, Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần (đối với trường hợp có biểu hiện tâm thần) thuộc Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM.

Nhiều người dân độ tuổi từ 50 ở Sài Gòn chắc còn nhớ, tên gọi các trung tâm hỗ trợ xã hội, chính là những trại tế bần trước tháng tư 1975 ở miền Nam. Nhà văn Duyên Anh viết về thế giới du đãng, cũng thường hay tả về đời sống đầy ám ảnh như ngục tù ở trại tế bần thời chiến tranh loạn lạc.

Có câu chuyện kể vầy: hồi đó ở Sài Gòn có rạp xi nê Cathay ở ngã tư Công Lý – Nguyễn Công Trứ thường xảy ra những trận ấu đả giành giựt khách đánh giày của lũ trẻ bụi đời. Trần Đại lì lợm, liều mạng, trăm trận trăm thắng với tay chân mặt mũi đầy những vết bầm tím, rướm máu. Năm 14 tuổi, Đại xếp sòng khu vực rạp chiếu bóng Cathay, nên được gọi là Đại Cathay từ đó.

Đại đã từng bị tống vào trại giáo hoá thiếu nhi Thủ Đức, trại tế bần ở cầu chữ Y. Đầu năm 1960, Đại trên 20 tuổi, đã trở thành ông trùm khét tiếng. Hắn bảo kê hầu hết các sòng bài, tiệm hút, vũ trường, động mãi dâm ở quận 1, ngoài những cao thủ trong làng dao búa, Đại Cathay bắt đầu quen biết với tầng lớp trí thức, con nhà gia thế, học trường Tây, như bác sĩ Nghiệp, Hoàng Sayonara (còn gọi là Hoàng Guitar), Dzách Bửu, Dzí Bửu, Hùng Đầu bò…

Trong giới nghệ sĩ, Duyên Anh là nhà văn, nhà báo nổi tiếng, đã gặp Đại Cathay và Hoàng Sayonara ở tiệm hút. Tên của hai du đảng nầy là nguồn cảm hứng để Duyên Anh sáng tác những tiểu thuyết Điệu ru nước mắt (Đại Cathay), Vết hằn trên lưng ngựa hoang (Hoàng Sayonara), Trần Thị Diễm Châu (Châu Kool – vợ của Đại, tên Nhàn),.. Đạo diễn Lê Dân đã đưa những tiểu thuyết này của Duyên Anh lên thành phim. Nhạc sĩ Phạm Duy và Ngọc Chánh sáng tác bản nhạc Vết thù trên lưng ngựa hoang cũng từ cảm hứng giang hồ đó.

“Tế bần” có nghĩa là ‘giúp cho người nghèo’. Thế nhưng vào trại tế bần hồi hơn 45 năm về trước và trung tâm hỗ trợ xã hội từ sau tháng tư, 1975 đến nay đều có điểm chung, đó là một thế giới đã bắt đáy xã hội. Ngôn ngữ chung của trại tế bần hôm qua và trung tâm hỗ trợ xã hội hiện tại, đều là thù hận, là nắm đấm thay cho yêu thương.

Vụ dâm ô trẻ em ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM hồi tháng 11 năm ngoái là một ví dụ cho ám ảnh trại tế bần.

“Thầy đó (tức ông Dũng – người viết chú thích) dụ bọn con cho thuốc lá, nước sôi để ăn mì gói, hứa cho về sớm. Đáp lại, bọn con gồm: K.N, K.T, K.D, B.N… thường xuyên bị thầy yêu cầu cởi áo, cởi quần đứng trong phòng để thầy đứng bên ngoài thò tay qua cửa sổ (phía sau phòng) sờ vào ngực, vùng kín.

Có những lúc nhậu xỉn, thầy bắt bọn con cầm “của quý” của ổng cho đến lúc thầy thỏa mãn mới xong. K.N là người bị thầy sờ nhiều nhất. Sự việc thường từ 21 – 23 giờ, mỗi lần sờ các bạn, thầy yêu cầu 1 bạn (thường là K.D) đứng gần cửa sổ phòng để cảnh giới. Nếu có ai tới gần thì báo hiệu để thầy bỏ đi.

Sau mỗi lần như vậy, thầy cho phòng con thuốc lá, bật lửa để hút. Bọn con tức lắm, muốn hét lớn lên nhưng lúc đó khuya, các thầy khác đi về hết rồi không ai nghe. Lúc ra ngoài lao động, sinh hoạt, bọn con muốn nói với các thầy khác nghe nhưng thầy ấy (tức ông Dũng) lại gần đe dọa “nói đi thì sẽ biết tay!” nên cả nhóm không dám nói” – trích biên bản vụ việc dâm ô trẻ em ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM.

Cũng ở địa chỉ này, mấy năm trước từng xảy ra loạt các ông, bà Trần Thu Nguyệt, Long Trần, Chế Hoàng, Đỗ Phi Trường, Lê Xuân Diệu… đã chia sẻ lên trang facebook cá nhân về những trải nghiệm của mình trong quãng thời gian bị cưỡng ép đưa về đây, cho thấy rằng bên trong một trung tâm hỗ trợ xã hội, nhân phẩm của nhiều người bị xúc phạm nặng nề.

Giờ thì vì ngừa dịch bệnh lây lan trong thời gian ‘cách ly toàn xã hội’, tất cả những người cơ nhỡ sống vạ vật nơi hè phố sẽ được ‘thu gom’ hết về các nơi gọi là trung tâm hỗ trợ xã hội.

Không rõ nhà chức trách sẽ đưa ra những quyết sách gì để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra lây lan thành những ổ dịch ở nơi vốn đã đầy tai tiếng này?

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)