Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Gia tài” Nguyễn Phú Trọng ( phần 1)

 

Âu Dương Thệ

 

(VNTB) – Cả tập đoàn lãnh đạo chế độ toàn trị đã lên đồng bóng tập thể không chỉ cho người vừa mất mà cho chính họ, nên Tô Lâm đã nắm ngay ghế Tổng bí thư!

 

 

Phần I: Ông „đốt lò“, ông „đặc biệt“, ông „đổi mới“

Phần 2: Ông „ngoại giao cây tre”, Ông để lại gia tài như thế nào, tương lai chế độ đi về đâu dưới quyền của Tô Lâm? Ông Tô Lâm là ai? Đã làm gì và thành tích ra sao?

 

Đường đi và trách nhiệm thời đại của những người Dân chủ ở trong và ngoài nước

 

Trong những ngày gần đây sau khi Nguyễn Phú Trọng vừa mất, những người cầm đầu chế độ toàn trị CSVN và cả hệ thống báo chí chế độ toàn trị lại mặc đồng phục rất diêm dúa,  trịnh trọng cùng ngồi lên ĐỒNG BÓNG đọc các điếu văn, phổ biến hàng loạt bài ca tụng Nguyễn Phú Trọng như một thánh sống, một người toàn năng về toàn diện. Các tờ Cộng sản,Tạp chí CS, Nhân dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Chính phủ… bên cạnh các bài ca tụng thành quả của Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng đảng, chống tham nhũng, ngoại giao, kinh tế, văn hóa giáo dục…còn cả loạt bài ca ngợi bảo là tính bình dị, dễ thương trong cuộc sống hằng ngày trong gia đình, với các bạn và các thầy -cô giáo thời còn đi học. 

Hàng loạt các bài này ca tụng cá tính, khả năng, thành tích mọi mặt của Nguyễn Phú Trọng cũng tuyệt vời như „Bác“ (HCM) và ông „Trăm Nến“ (Lê Duẩn). Nhưng tuyệt nhiên không thấy có những bài của các báo lề Đảng nói về những sai lầm tày trời trong tư duy, hành động và tư cách thực của Nguyễn Phú Trọng. Vì nếu quả thực tuyệt vời như thế thì tại sao vào những năm cuối đời  làm Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng lại phải hấp tấp bắt họp hết HNTU (Hội nghị trung ương) và Quốc hội (QH) họp bất thường để loại Chủ trảm Tướng, kể cả nhiều thân tín,  để tìm cách giữ ngai vàng trong lúc là ngọa long, trước khi mất lại phải để chúa tể bộ máy Công an Tô Lâm tiếp tục nắm giữ gia tài? 

Cho nên không ngạc nhiên trong „Lời Điếu“ của Tô Lâm, từ vài tuần qua đang đứng đầu chế độ, đã tô hồng hết mình ông Trọng: 

„Gần 60 năm hoạt động cách mạng phong phú, bền bỉ, Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với trí tuệ uyên bác, sắc sảo đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hệ thống tư tưởng và lý luận quý giá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhà tư tưởng Nguyễn Phú Trọng, ngọn cờ lý luận của Đảng đã làm sáng tỏ lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về vai trò của Đảng Cộng sản, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… thời kỳ đổi mới -về nơi an nghỉ cuối cùng…Một nhân cách lớn, sống trọn cuộc đời vì nước, vì Đảng, vì dân. Đồng chí thực sự là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng trong sáng, “chí công vô tư”, lối sống giản dị, liêm khiết, chân thành, phong cách làm việc dân chủ, tận tụy, khoa học, sâu sát, quyết liệt, nhất quán giữa nói và làm, tôn trọng và yêu thương con người, rất đỗi gần gũi với nhân dân. (1)

Cũng vào dịp này và cũng là ngày kỉ niệm thương binh liệt sĩ, Phạm Minh Chính để  Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định thay mình về tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ. 

Theo đó  “đối với các chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội được bố trí cho thuê nhà ở công vụ đảm bảo nhu cầu sử dụng, điều kiện công tác và yêu cầu an ninh, bảo vệ theo quy định.

Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư được bố trí cho thuê biệt thự công vụ cao không quá 4 tầng, diện tích đất xây dựng từ 450m2 – 500m2, có khuôn viên sân, vườn, hàng rào và lối ra vào riêng biệt, đảm bảo hệ thống an ninh, bảo vệ theo quy định; định mức kinh phí tối đa trang thiết bị nội thất không gắn liền với nhà ở công vụ là 350 triệu đồng. (2)

Cho thấy các quan đỏ Tứ trụ, các ủy viên Bộ chính trị (BCT) đã tự giành cho nhau không chỉ quyền lực cao mà còn bòn rút ngân sách nhà nước tối đa những lợi ích riêng cho cá nhân và gia đình. Cần lưu ý, đây là chưa kể những ưu đãi khác như ăn uống, quần áo, đi lại… Họ được hưởng cuộc sống rất vương giả như các nhà đại tư bản! Các cấp dưới từ các bộ trưởng, bí thư tỉnh, thành phố…cũng dành những ưu đãi đặc biệt của chế độ toàn trị.  

Ở VN có hủ tín Đồng bóng cực kì mê tín dị đoan. Bọn thầy cúng hay các mụ phù thủy tin mình thấy được linh hồn người đã mất và có thể gọi vong linh người đã khuất nhập vào mình và trong buổi lễ với quần áo rất diêm dúa oang oang kể lại cho những người nghe mê tín cả tin. Tính đồng bóng này cũng được nhiều cao thủ chính trị dùng các thủ đoạn để đánh lừa người nhẹ dạ. Họ dùng ngôn ngữ đao to búa lớn kể về người đã mất để tự ca tụng mình là đệ tử trung thành, là người kế nghiệp chính đáng, bất chấp dư luận!

Chính vì thế muốn nhận định về thành quả của một chính trị gia, nhất là người đứng đầu chế độ, phải nghiêm túc đứng trên tinh thần khoa học, phân tích và so sánh giữa lời nói và hành động của họ. Như thế mới tìm ra con người thực của họ như thế nào. Muốn vậy phải tìm hiểu và nhận ra được tư duy, tâm lí và thái độ của chính trị gia này.

Mỗi người, kể cả người đứng đầu một chế độ hay một nước, có những thói quen ước muốn hàng ngày và trong cuộc sống nhất định, không dễ từ bỏ, nó trở thành tập quán suy nghĩ, tiêu chuẩn giá trị chọn lựa và hành động hàng ngày của họ. Vì thế muốn nắm vững tham vọng, hành động của một Chính trị gia thì phải căn cứ thói quen và các hành động từ trước tới nay của họ,  Nhờ đó nhận xét và dự đoán về họ sát hơn.

Các hoạt động chính trị của các chính trị gia và các tổ chức chính trị bất kể theo mầu sắc hay ý thức hệ nào liên quan trực tiếp tới sinh mệnh và cuộc sống của bao nhiêu triệu người. Nó là  những việc của công luận, nên phải được công luận của nhân dân các giới theo dõi, phân tích và nhận định nghiêm túc.

Ông Trọng làm TBT trên 13 năm (từ 1.2011) suốt gần ba khóa (11, 12 và 13). Ông đã theo đuổi nhiều mục tiêu trên các lãnh vực khác nhau; kết quả như thế nào,  có đạt tới những hoài bão cho cá nhân và hứa hẹn với Đảng và nhân dân không? Để có cái nhìn chính xác và khách quan, cần phải phân tích và nhận định theo tinh thần khoa học, đặc biệt là khoa học chính trị và khoa học xã hội. Nhờ thế nắm rõ được tâm lí, động lực, cá tính, kiến thức và khả năng thực sự của Nguyễn Phú Trọng trong suốt thời gian cầm đầu chế độ toàn trị.

Khi sinh thời Nguyễn Phú Trọng và nhiều người cầm đầu toàn trị trước cũng như hiện nay vẫn giao giảng là „Thực tiễn chứng minh lí thuyết“, hãy xem kết quả như thế nào để kết luận về lí thuyết và việc làm của họ đúng hay sai. Cùng nhau chúng ta hãy nghiêm túc, bình tâm đối chiếu các kết quả so với những lời nói và hành động cụ thể của Nguyễn Phú Trọng trong tư cách TBT suốt trên 13 năm qua.

 

PHẦN I: Ông „đốt lò“, ông „đặc biệt“, ông „đổi mới“

 

Ông đốt lò hay cung cách chống tham nhũng

Một trong những mục tiêu chính và lãnh vực hoạt động trọng tâm trong suốt trên 13 năm làm TBT của ông Trọng là chống tham nhũng. Ông đã ra nhiều Nghị quyết phòng chống tham nhũng (TN) và tiêu cực, trong tư cách là TBT, Trưởng tiểu ban trung ương phòng chống tham nhũng và tiêu cực và Trưởng tiểu ban nhân sự trong các Đại hội (ĐH) dưới quyền. Trên đường xây dựng quyền lực riêng cho mình để thuyết phục đảng viên và đánh lừa nhân dân ông Trọng đã đưa ra phong trào chống tham nhũng với những tiêu chí rất cao, tuyệt vời trong việc huấn luyện và tuyển chọn các cán bộ cấp chiến lược để đưa vào Trung ương đảng (TUĐ), BCT, Ban bí thư (BBT) và cả tứ trụ. Nhiều  lần hùng hổ đe dọa là “củi tươi cũng phải cháy”, quyết “nhốt quyền lực vào trong lồng”… 

Suốt 5 năm đầu làm TBT của Khóa 11 (2011-16) Nguyễn Phú Trọng đã mở cuộc trường kì kháng chiến để loại Thủ tướng (TT) Nguyễn Tấn Dũng và công tác chống tham nhũng được tiếp tục trong nhiệm kì 2 làm TBT (2016-21) với các vụ án Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.  Cao điểm nhất của phong trào chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng là từ ĐH 13, trong nhiệm kì TBT thứ ba của ông, đặc biệt trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng nổ tàn khốc trên toàn quốc và các hậu quả của nó trong các vụ tham nhũng động trời có hệ thống trong toàn Đảng, Chính phủ (CP) trong các năm 2021-2024 như Việt-Á, Chuyến bay giải cứu, vụ án Vạn Thịnh Phát… Trong số 17 Ủy viên BCT khóa 13 đã 7 người bị cách chức, phải từ chức, trong đó có cả những người thuộc tứ trụ như Chủ tịch nước (CTN) Nguyễn Xuân Phúc, 

CTN Võ Văn Thưởng, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, hai Phó TT….(3)

Lạ lùng thay là giữa khi các đồng liêu thân cận, kể cả những người được coi là do chính Nguyễn Phú Trọng tuyển chọn để sẽ kế nghiệp làm TBT, đã bị tai tiếng dính líu vào tham nhũng hay lợi dụng để trục lợi trong các chuyến bay giải cứu trong suốt các năm đại dich Covid 19 thì chính Nguyễn Phú Trọng lại nhắm mắt kí Quyết định số 264/QĐ-Chủ tịch nước (10/3/2021) “Tặng Huân chương lao động hạng ba cho công ti Việt Á có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các công tác phòng, chống dịch Covid-19” cho công ti Việt Á…một trong những ổ chính gây ra tham nhũng giữa lúc hàng triệu nhân dân khốn khổ, đói khát phải bồng bế con thơ rời các căn trọ chật hẹp, bẩn thủi trong các khu kinh tế ở các thành phố lớn. Thay vì công khai nhận trách nhiệm trước nhân dân và đảng viên, Nguyễn Phú Trọng lại sợ vỡ cái bình quí, trong đó ưu tiên và quan trọng nhất là cái ghế TBT và uy tín của mình, nên ông Trọng dùng thủ đoạn hạ Chủ trảm Tướng.(4) Hành động và thái độ này chứng tỏ ý thức trách nhiệm và tư cách rất tồi của người cầm đầu chế độ. 

Chẳng những thế trong suốt những năm trực tiếp chỉ huy chống tham nhũng, nhưng Nguyễn Phú Trọng đã không dám đụng vào nguyên nhân gây ra tệ trạng tham nhũng, tham quyền. Đó chính là chế độ độc tài toàn trị theo Marx-Lenin nhưng chính ông luôn luôn lên tiếng bảo vệ  bằng mọi giá. Các tòa án, viện kiểm sát, công an điều tra, báo chí… đều nằm độc quyền của Đảng. Từ nhiều năm chế độ CSVN vẫn đứng đội sổ về tự do báo chí trên thế giới. Như thế là cố tình làm vô hiệu các nhiệm vụ và sứ mạng của các cơ quan này.  Nguyễn Phú Trọng còn cố duy trì và bảo vệ quyền sở hữu đất đai là độc quyền của chế độ toàn trị; dựng lên các Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để độc quyền kinh tế. Đó là để cho bọn quan đỏ bất tài tự do tiêu sài Ngân sách quốc gia, tài nguyên đất nước, đầu cơ buôn bán đất đai, tạo thành những nhóm lợi ích trong mọi ngành mọi cấp. Như thế chứng tỏ trình độ kiến thức về kinh tế, xã hội của Nguyễn Phú Trọng cực kì tồi! 

Chính vì vậy chính sách và phương pháp đốt lò chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng sau trên 13 năm đã hoàn toàn thất bại và còn đang biến chế độ thành các nhóm Mafia chống đối lẫn nhau rất tàn bạo. Tại sao? Vì Nguyễn Phú Trọng kiến thức hẹp chỉ biết thực hành cách cai trị theo kiểu Marx-Lenin độc tài tàn bạo cực kì sai lầm và đã phá sản trên 30 năm qua. Ông lại ngang bướng và cực kì bảo thủ nên các biện pháp đưa ra hoàn toàn đi ngược với kiến thức khoa học chính trị-xã hội hiện đại  của nhân loại đã được thực tế chứng minh ở những nước có nền Dân chủ Đa nguyên cao. Chỉ cần kiến thức phổ thông và tấm lòng trung thực thì ai cũng nhận ngay ra rằng, trên thế giới hiện nay nước nào có chế độ phân quyền nghiêm minh giữa Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp, có chế độ báo chí độc lập và tự do, có hệ thống các tổ chức dân sự độc lập  thì ở đó các tệ trạng tham nhũng, lạm quyền trở thành vắng bóng. Điển hình như ở nhiều nước Bắc Âu luôn luôn đứng đầu bảng về trong sạch trên thế giới, tham nhũng không còn đất đứng.  Tiến trình này cũng đang diễn ra ở một số nước trong khu vực gần VN như Nam Hàn và Đài loan trong các năm gần đây. 

 

Ông Đặc Biệt

Cách nắm quyền và hành xử quyền lực suốt trên 13 năm qua trong tư cách TBT đã tự tạo cho ông một vị thế rất đặc biệt có một không hai trong hàng lãnh đạo ĐCSVN. Trong đó ông Trọng đã nhiều lần giẫm nát cả Điều lệ Đảng,  vứt đi những nguyên tắc vẫn được coi là nền tảng tồ chức của ĐCSVN như tập trung dân chủ , mặc dầu chính ông luôn luôn đề cao, bắt các đảng viên phải triệt để tôn trọng. Điều rất đặc biệt nữa là, không chỉ thực hiện một lần mà liên tiếp nhiều lần  do chính ông mưu mẹo và thực hiện bất kể lương tâm và lòng tự trọng. Những tính toán, lươn lẹo để nắm ghế TBT lần thứ nhất (1.2011) và cố tình kéo dài thêm hai nhiệm kì tiếp theo, ai theo dõi đều có thể kiểm chứng được.

Theo qui định của Điều lệ Đảng thì trên 65 tuổi không được quyền đảm nhiệm một nhiệm vụ mới trong Đảng.  Nhưng trước ĐH 11 Nguyễn Phú Trọng – khi ấy là Chủ tịch QH- đã bày ra mưu kế vận động để Đỗ Mười – người gần như thất học, bị bệnh tâm thần nhưng cực kì bảo thủ như Nguyễn Phú Trọng- đưa mình vào ghế TBT thay thế Nông Đức Mạnh sau  hai nhiệm kì theo Điều lệ Đảng. Khi ấy đã 94 tuổi suy yếu nên Thái thượng hoàng Đỗ Mười  muốn về nghỉ. Nhưng có trở ngại lớn về tuổi tác của Nguyễn Phú Trọng (14.4.1944). Nếu theo đúng Điều lệ Đảng thì ĐH 11 sớm nhất chỉ có thể diễn ra sau 5 năm tức vào cuối tháng 4. 2006 (ĐH 10 24.4.2006). Nếu giữ thời điểm này khi đó Nguyễn Phú Trọng sẽ trên 65, theo Điều lệ Đảng không có quyền ứng cử vào chức vụ mới cao hơn nữa. Vì thế họ đã để ĐH diễn ra ngay từ 12.1.2011, vài tháng sớm hơn thường lệ để Nguyễn Phú Trọng không bị chỉ trích là đã quá tuổi theo Điều lệ Đảng.

Thế rồi tới cuối nhiệm kì 11 vào đầu năm 2016 đúng ra theo Điều lệ Đảng thì Nguyễn Phú Trọng không có quyền ứng cử thêm, vì khi đó đã gần 72 tuổi. Nhưng Nguyễn Phú Trọng lại vận động bằng cách mua chuộc vây cánh và quyền lực trong BCT và TUĐ để được xếp vào TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT. (5) Âm mưu độc tài này gây bất bình lớn trong TUĐ và BCT, Nguyễn Phú Trọng vội vã hô hoán lên rằng „Nguy cơ đối với cách mạng, trước nhất từ trong nội bộ Đảng“ đồng thời chính ông Trọng đã vội  vã cho vây cánh ép Nguyễn Tấn Dũng phải “về làm người tử tế”, để cho Nhị Lê, Phó Tổng biên tập  Tạp chí CS nói thẳng ý đồ của Nguyễn Phú Trọng là “tài không nệ tuổi”  “bỏ dở mọi khuôn sáo cơ học cứng nhắc về vấn đề này” …. Ngôn ngữ này của Nhị Lê là tính toán thầm kín và khẩu lệnh của Nguyễn Phú Trọng nên không nhân vật nào trong BCT còn dám cản. Chính Nhị Lê vào dịp Nguyễn Phú Trọng mất đã xác nhận vẫn coi ông Trọng là “bậc thầy”! (6)

Tham lam quyền lực như thế vẫn chưa đủ. Liền sau khi CTN Trần Đại Quang mất (21.9.2018), Nguyễn Phú Trọng vội vồ ngay cơ hội để nắm thêm cả chức CTN. Lần này Nguyễn Phú Trọng lại cho tay sai Nhị Lê ra cứu mình. Khi ấy Nhị Lê, đã  hô hào cho giải pháp „nhất thể hóa“ hai chức TBT và CTN vào tay Nguyễn Phú Trọng là “rất chín muồi”.(7) Nhưng liền sau khi nắm được ghế CTN thì hai cơ quan Văn phòng TBT và Văn phòng CTN vẫn giữ nguyên. Như thế ông Trọng đã để ông Lê đánh lừa đảng viên và nhân dân để giành ghế CTN!

Người đứng đầu chế độ toàn trị đạp lên Điều lệ Đảng suốt 10 năm để giành cho mình „trường hợp đặc biệt“ và từ 14.4.2019 đã bị bệnh rất nặng, nhưng lòng tham quyền lực và danh vọng vẫn chưa thấy đủ, nên Nguyễn Phú Trọng lại thi thố mọi thủ đoạn tồi tệ để quyết giữ ghế TBT thêm nhiêm kì thứ ba. Vì thế ngay trong diễn văn khai mạc ĐH ngày 26.1.2021 Nguyễn Phú Trọng còn cho lồng cả một số cuộc phỏng vấn của các cao thủ tuyên truyền của chế độ để tâng bốc và dọn đường cho ông ta thực hiện ý đồ đen tối. Trong đó Nhị Lê lại được ra trận nói thẳng ý đồ của chủ tướng, quyết bằng đủ mọi giá chiếm ghế TBT lần thứ ba tiếp tục công khai đạp lên Điều lệ Đảng, coi TUĐ và ĐH chỉ như bù nhìn. Nhị Lê đã nói không úp mở:

“Điều lệ [ý nói Điều lệ ĐCSVN] là do chúng ta làm ra. Khi điều lệ không bao chứa hết được sự vận động của lịch sử thì chúng ta sửa điều lệ. Quyền này là cao nhất của Ban chấp hành Trung ương đảng. Cho nên vấn đề cùng với sự phát triển của thông lệ trên cơ sở của điều lệ chúng ta có trường hợp biệt lệ, trường hợp ngoại lệ, thậm chí trường hợp siêu biệt lệ để giải quyết những tình thế mà lịch sử yêu cầu…Không có một công việc gì dù khó khăn đến mấy chúng ta không vượt qua…” (8)

 

Ông Đổi mới

Sau chiến thắng trong cuộc nội chiến tàn khốc nhất trong lịch sử VN 4.1975 thay vì Hòa giải dân tộc thực sự giữa nhân dân hai miền Nam và Bắc để hàn gắn thực sự vết thương dân tộc và từ đó nhanh chóng kiến thiết lại quê hương, phát triển nhanh. Nhưng chiến thắng đã làm họ mù quáng nên ông Trăm Nến đã vội vã bưng toàn bộ hệ thống cai trị XHCN ở miền Bắc áp đặt lên miền Nam: Phá bỏ kinh tế tư nhân, áp dụng chế độ DNNN, bắt hàng trăm ngàn binh sĩ, công chức, chuyên viên, văn nghệ sĩ VN Cộng hòa vào các trại cải tạo, cưỡng bức hàng triệu tư thương lên các vùng hoang vu lập các khu kinh tế mới, hàng triệu người đã bị kì thị và đàn áp nên phải liều mình bỏ nước ra đi trở thành thuyền nhân làm cả thế giới xúc động! Họ còn mở cuộc chiến xâm lược Kampuchia, tạo cớ để Đặng Tiểu Bình mở cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 2.1979, đồng thời Hoa kì (HK) và EU phong tỏa kinh tế và tẩy chay ngoại giao.(9)

Hậu quả tai hại của các chính sách cực kì sai lầm và phiêu lưu này là từ giữa thập niên 80 của thể kỉ trước diễn ra nạn đói trầm trọng nhất từ sau 1945, nạn lạm phát phi mã lên tới 700-800%, cùng lúc phải đương đầu với hai cuộc chiến với phương Bắc và sa lầy ở Kampuchia, Liên xô (LX) thời Gorbatschow cắt viện trợ, ngoại thương và ngoại giao bị cô lập. Bởi thế tại ĐH 6 (12.1986) Nguyễn Văn Linh đã phải lên tiếng „Đổi mới hay là chết“! Khi ấy TT Võ Văn Kiệt, Trần Độ, Trần Xuân Bách … và nhiều trí thức XHCN tiến bộ đã kêu gọi phải đổi mới thực sự bằng cả hai chân kinh tế và chính trị. Nhưng Đỗ Mười và phe bảo thủ giáo điều đã tìm mọi cách chống lại, sợ bị chệch hướng, mất Đảng, mất quyền, nên đã thề thốt „đổi mới nhưng không đổi mầu“! (10)

Từ khi nắm chức TBT (1.2011) sau hai thập niên LX tan rã nhưng nhà giáo điều Nguyễn Phú Trọng lại vẫn tiếp nối đường lối cực kì bảo thủ và sai lầm của Đỗ Mười, đã không dám mở mắt nhìn vào thực tế lại vẫn điên cuồng không chỉ giữ nguyên mà còn tăng cường toàn bộ hệ thống cai trị theo mô hình Marx-Lenin. Đầu tháng 11.2017 vào dịp kỉ niệm 100 năm Cách mạng Tháng 10 ông Trọng vẫn gân cổ lên hết lời ca ngợi!: “Tinh thần Cách mạng Tháng Mười và những thành quả lịch sử cũng như những cống hiến to lớn của nhân dân các dân tộc trong Liên bang Xô-viết đối với loài người mãi mãi không bao giờ phai mờ, mãi mãi sẽ còn ghi đậm trong tâm trí của mọi người có lương tri trên toàn thế giới!”(11)

Trong chính trị thì tái lập lại các Ban Trung ương để ngăn cản thế lực của Nguyễn Tấn Dũng, trong kinh tế thì mở rộng và nâng cao vai trò kinh tế quốc doanh thành các tổng công ti và tập đoàn nắm toàn bộ các huyết mạch kinh tế, mặc dầu cán bộ chủ chốt trong DNNN bất tài và chỉ lo tham nhũng và lợi ích nhóm. Vì thế DNND phần lớn làm ăn thua lỗ trở thành gánh nặng cho Ngân sách quốc gia. Trong khi ấy các giới doanh nhân và tư thương VN bị khinh rẻ, nông dân và nông thôn bị bỏ rơi. Mô hình này Nguyễn Phú Trọng gọi đó là Kinh tế thị trường định hướng XHCN (KTTTĐHXHCN) và tự bốc là sáng kiến đột phá của chế độ toàn trị. Nhưng suốt từ cuộc hội đàm của Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Obama ở Tòa bạch ốc năm 2015 đã kêu gọi HK nhìn nhận nó là Kinh tế thị tường nhưng đến nay hoàn toàn thất bại. Mới ngày 2.8.2024 HK đã công khai không công nhận KTTTĐHXHCN là kinh tế thị trường. Đúng ra chính phủ Mĩ đã công bố quyết định này tình cờ vào dịp Nguyễn Phú Trọng mất, nhưng muốn tránh cùng một lúc chịu hai cú sốc cho CSVN, nên họ đã hoãn lại ít ngày. Điều này cho thấy, cách tổ chức và điều hành xã hội giữa HK và CSVN đặt trên những giá trị hoàn toàn khác biệt với nhau về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và xã hội như đen với trắng!(12)

Trong khi đó các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) được tâng bốc là các „đại bàng“ lại được chế độ Nguyễn Phú Trọng ưu đãi tối đa, từ mức thuế và đất đai xây xí nghiệp rất thấp, và được tự do chuyển tiền về mẫu quốc; giữa khi ấy lương công nhân VN rẻ mạt nên phải sống chui rúc trong các nhà ổ chuột trong các khu kinh tế. Năm 2023, FDI thực hiện ở Việt Nam đạt trên 23 tỷ USD và đây là con số kỷ lục trong 36 năm thu hút FDI.(13)

Chính sách kinh tế khinh trong trọng ngoại của Nguyễn Phú Trọng thể hiện rõ rệt nhất trong thảm họa môi trường vào tháng 4.2016 làm cá chết trắng xóa ở nhiều tỉnh miền Trung do công ti Formosa gây ra ở Hà tĩnh. Khi ấy Nguyễn Phú Trọng lại vẫn đủng đỉnh tới thăm và khen ngợi  Ban giám đốc Formosa, nhưng lại không thèm gặp các nạn nhân. Mãi tới cuối năm 2016 Nguyễn Phú Trọng mới thản nhiên cho biết  “Trước đây chúng ta kêu gọi đầu tư  nhưng không nghĩ đến vấn đề môi trường, không nghĩ đến đổ rác đi đâu, nên bây giờ chúng ta phải trả giá”. Có phải tiền tỉ Dollar của bên ngoài đã làm lóa mắt các đại quan đỏ? Đúng là sự thông thái của những người lãnh đạo độc tài toàn trị theo kiểu xây nhà không xây cầu tiêu! Đây chính là sự xa vời thực tế, không biết cuộc sống cực khổ hàng ngày của nhân dân. Vì những nhà lãnh đạo độc tài đã được hưởng mọi chế độ sinh hoạt ưu đãi (xem phần trên). Chẳng những thế chế độ công an trị đã còn thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình của nhân dân!(14)

Hô hào kết án tư bản nhưng lại nâng niu chiều chuộng đại bàng tư bản gộc vào tự do đầu tư, bóc lột công nhân nghèo VN, đặc biệt là phụ nữ. Vì chính các đại quan đỏ và phe cánh đều được hưởng lợi nhiều mặt khác nhau. Đảng là đội tiên phong bảo vệ quyền lợi nhân dân lao động, nhưng hàng triệu công nhân nam nữ, đặc biệt là giới trẻ ở nông thôn, vì nông nghiệp bị bỏ rơi nên phải bỏ quê lên tỉnh biến thành công nhân bị bóc lột trong các công xưởng của các đại bàng đại tư bản, nên phải sống chui rúc trong các nhà chật hẹp như ổ chuột, bẩn thỉu như chuồng gà trong các trung tâm công nghiệp ở các thành phố! Họ sẵn sàng hứa hẹn thi hành các biện pháp bảo vệ công nhân và bênh vực nhân quyền để kí nhanh hàng loạt các Hiệp định tự do thương mại với các nước phát triển, như HK, EU, Nhật, Nam Hàn… Nhưng sau đó thì vứt lời hứa vào sọt rác, vẫn cấm công nhân tự do lập nghiệp đoàn độc lập, bỏ tù những cán bộ muốn tiến hành các thỏa thuận trong các Hiệp định.(15) Sau gần 40 năm „Đổi mới“, nhưng năng suất lao động ở VN vẫn ở mức rất thấp, thua xa ngay cả với nhiều nước trong khu vực. Theo ước tính của Tổ chức Năng suất châu Á (AFO), năng suất lao động của Việt Nam chỉ đạt mức 6,4 đô-la trên một giờ làm việc, chỉ bằng 2/3 Phi luật tân, và không bằng 1/2 so với Thái Lan và 1/10 so với Singapore.(16)   

Tóm lại, sau gần 40 năm gọi là „đổi mới“ nhưng trước sau vẫn duy trì và củng cố chế độ độc đảng và mô hình kinh tế quốc doanh, không có cạnh tranh lành mạnh, lại chỉ o bế FDI và bỏ rơi nội lực. Nên kinh tế tư nhân bị rơi vào một cổ ba tròng, bị FDI chèn ép, bóc lột, bị quốc doanh khinh rẻ, lại phải đút phong bì cho công an và các cơ quan kiểm tra, vì thế không thể ngẩng đầu lên được.

________________

Ghi chú:

(1) Toàn văn Lời điếu của CTN Tô Lâm tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Báo Công an nhân dân điện tử (cand.com.vn)

(2) Ủy viên Bộ Chính trị được thuê biệt thự công vụ rộng 500m2 (vietnamnet.vn)  27.7.24

(3) ‘Quy hoạch nhân sự’ và ‘từ bất ngờ này đến bất ngờ khác’ (P1) (voatiengviet.com) 23-24.5.24, BBC 25.5

(4)  Thủ đoạn hạ Chủ trảm Tướng | doithoaionline (wordpress.com)

(5)  Âu Dương Thệ, Việt Nam “Đổi mới” ?! Hay : Treo đầu dê, bán thịt chó! Tập I (lulu.com)  và Tập II, chương 7 và 8. Tập sách gồm trên 700 trang với gần 1500 ghi chú tài liệu sử dụng.

(6) Cùng tác giả, T.II, chương 7,IX tr. 112 t.th. ; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tấm gương sáng của nền Báo chí cách mạng Việt Nam (yenbaitv.org.vn)

(7) VNNet 4.10.18 

(8) Trực tiếp phiên Khai mạc Đại hội XIII của Đảng ngày 26.1.2021.  (Trong video vào thời gian 2:32). Đại hội 13: Triều đại phong kiến của Ngọa long Nguyễn Phú Trọng được nhìn nhận công khai! | Tiếng Dân (baotiengdan.com)

(9) Cùng tác giả, chương một: Tại sao phải đổi mới  và chương 2: Đại hội 6 (12.1986) Sách lược cứu chế độ trong tình thế hiểm nghèo, tr. 21-90

(10) Cùng tác giả, chương 3, I: Một số trí thức phản bác chủ nghĩa Marx-Lenin, tr. 90-93

(11) Cùng tác giả, Tập II, tr.287

(12) Cùng tác giả, T.II, chương 8, II: Tại sao Nguyễn Phú Trọng phải tạm dùng giải pháp „hòa với Mĩ“ trước Đại hội 12, tr. 132-150; VOA, BBC 3.8.24

(13) VNNet 4.3.24

(14)  Cùng tác giả, T. II, chương 9, V, Nguyễn Phú Trọng ưu ái Formosa, tr. 206-12

(15) Bốn thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi ưu tiên nhân quyền trong quan hệ với Việt Nam, voa 27.6.24; IFJ: nhà báo nổi tiếng Huy Đức bị bắt do những bài bình luận trên mạng xã hội, RFA 11.6. 2024; EU công bố báo cáo nhân quyền Việt Nam: ‘Không gian dân sự bị thu hẹp’ 30/05/2024; Chỉ thị mật 24 của Việt Nam khiến nhóm tư vấn EU quan ngại – BBC News Tiếng Việt 12.6.24

(16) Dân trí 22.2.24


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Ông đã có thể nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, vui thú điền viên

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam cần một lãnh đạo mới

Do Van Tien

VNTB – Tết trồng cây … giả

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.