Định Tường
(VNTB) – Tại sao Đảng không ‘vận động’ lập một hội đoàn dân sự ‘cựu đày tớ nhân dân’
Đảng từng gọi họ là những chiến binh thời bình, thời kiến thiết lại đất nước sau chiến tranh. Khi lẽ gì đó họ rời chính trường, tại sao Đảng không ‘tụ’ họ lại bằng ‘vận động’ lập một hội đoàn dân sự ‘cựu đày tớ nhân dân’ chẳng hạn…
“Áp lực chính trị” từ các hội viên
Giả dụ như có một hội đoàn xã hội dân sự gồm các cựu quan chức tầm cựu ủy viên trung ương có gốc gác ở miền Nam như Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Trương Hòa Bình, Trương Mỹ Hoa, Lê Hồng Anh, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Thiện Nhân, Võ Viết Thanh, Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thành Phong…;
Miền Trung có Phan Diễn, Nguyễn Văn Chi, Trần Thọ, Trương Quang Nghĩa, Huỳnh Đức Thơ, Nguyễn Xuân Phúc…;
Danh sách miền Bắc có lẽ khá dài: Nông Đức Mạnh, Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Vũ Khoan, Trương Đình Tuyển, Phạm Gia Khiêm, Tòng Thị Phóng, Đinh Thế Huynh, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Văn Yểu, Phạm Quang Nghị, Đặng Vũ Chư, Hoàng Trung Hải, Trịnh Đình Dũng, Nguyễn Hồng Quân, Ngô Văn Dụ, Võ Hồng Phúc, Bùi Quang Vinh, Lê Doãn Hợp, Võ Đại Lược, Chu Tuấn Nhạ, Uông Chu Lưu, Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh…
Nếu có một hội đoàn như trên, xem ra chỉ cần các hội viên này được mời trong vị trí là “thỉnh giảng” ở các lớp bồi dưỡng chính trị dành cho đảng viên, những tiết học bắt buộc của môn “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, môn “Lịch sử Đảng”… trong các trường đại học, xem chừng sinh viên sẽ rất thú vị khi trải nghiệm của “người thật việc thật” với so sánh những lý thuyết hàn lâm trong sách vở từ đối chứng thực tế chính trường mà những vị khách mời này đã trải qua.
Những tiết học để làm ‘người tử tế’
‘Người tử tế’ trong kinh tế sẽ là tiết học khi khách mời ấy là cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
Câu chuyện sau đây được nhắc kể rất nhiều lần trong sự nghiệp làm chính trị của ông Bùi Quang Vinh. Lần đó ông Bùi Quang Vinh được mời đến nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Thính giả là các lãnh đạo của hầu hết các tỉnh, thành phố. Kết thúc buổi nói chuyện, nhiều người hỏi bộ trưởng, thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ông đáp: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”. Gần ba mươi năm trước, khi còn là bí thư chi bộ kiêm lớp trưởng của một lớp lý luận cao cấp học tại học viện, ông Vinh cũng đã hỏi câu hỏi đó với các thầy giáo là các nhà lý luận, nhưng không được trả lời. Nay, câu hỏi đó vẫn làm băn khoăn những thế hệ sau ông.
Ông Bùi Quang Vinh nói rằng ông đã chứng kiến rất nhiều mâu thuẫn khi còn làm ở địa phương.
Một ví dụ đơn giản, là miễn thủy lợi phí cho nông dân. Nhà nước rót tiền để công ty thủy nông tưới tiêu nước miễn phí. Cơ chế đó tưởng là tốt, nhưng lại làm tất cả trở nên vô trách nhiệm. Công ty thủy nông vì không thể bán sản phẩm nên không quan tâm chất lượng dịch vụ, cơ quan thủy nông của Nhà nước cũng có thể nảy sinh tiêu cực khi cấp tiền cho công ty thủy nông, và người nông dân nhiều khi để nước chảy tràn bờ mà không mấy bận tâm.
“Như vậy, một tài nguyên quý như nước mà được dùng vô tội vạ”, ông Bùi Quang Vinh kể lại câu chuyện này, và nói: “Chúng ta cứ tưởng chúng ta tốt, chúng ta đúng khi cho không. Phân bổ nguồn lực dựa vào ý chí chủ quan, trái quy luật thị trường để lại hậu quả rất nghiêm trọng”.
Nếu ngại ‘câu chuyện tử tế’ của ông Bùi Quang Vinh sẽ gieo hoang mang trong sinh viên, thì có thể mời cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn hợp, chẳng hạn để biết thế nào là ‘không tử tế’.
Khi Đảng làm người chỉ đường…
Nếu con đường đi lên xã hội chủ nghĩa là ‘tử tế’, thì sao lại chỉ có ‘một làn’?
Số lúc còn là người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Doãn Hợp đã đưa ra khái niệm “lề bên phải” cho báo chí Việt Nam. Cụ thể ông ví việc đưa tin của báo chí phải giống như người đi đường chấp hành đúng luật giao thông là đi theo lề bên phải, đồng thời hứa hẹn trên cương vị Bộ trưởng, ông sẽ cố gắng tạo ra một lề bên phải cho các nhà báo đi.
“Lề bên phải” này cho đến nay được cụ thể hóa bằng Quyết định số 362/QĐ-TTg do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 3-4-2019, về “Phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”, theo đó đến năm 2025 mỗi tỉnh, thành trong cả nước chỉ còn 1 cơ quan báo mà thôi (!?).
…Rõ ràng là sự phong phú nội dung tùy vào lăng kính trải nghiệm của diễn giả cựu quan chức sẽ giúp sinh viên củng cố kiến thức về chính trị đa chiều hơn. Và sẽ càng lý thú hơn nữa khi phía hội đoàn xã hội dân sự ‘cựu đày tớ nhân dân’ ấy, ra tờ báo để góp mặt vào đời sống chính trị vốn ‘đơn chiều thông tin’ như hiện nay.