Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ngáo quyền lực!

Thới Bình

(VNTB) – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Có mà chạy đằng trời, trốn cũng không được.”

Tiếp tục kêu gọi ý thức đạo đức của người cộng sản

Sáng 13-5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1 đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (Hà Nội) trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định phòng chống tham nhũng không phải nội bộ đánh nhau, phe nọ đánh phe kia mà thể hiện quyết tâm của Đảng vì dân, vì đất nước.

“Cán bộ, nhất là khi có quyền, có chức dễ lợi dụng để chấm mút, đó là nói nhẹ, nói nặng là ăn cắp, ăn cướp của dân. Cấu kết với nhau nhằm tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng, làm cho Đảng mất uy tín, làm cho Nhà nước mất uy tín”, Tổng bí thư nêu.

Ông thông tin về cơ bản những vụ việc tham nhũng, tiêu cực “tồn tại nổi tiếng” đã được đưa ra xét xử trong thời gian qua. Tuy nhiên có một vài cá nhân trốn đi nước ngoài “nhưng trốn cũng không được đâu. Ta sẽ xử vắng mặt và tòa đã xử vắng mặt rồi. Khi anh không còn là công dân mà đã trở thành tội phạm thì các nước không có quyền chứa chấp. Khi đó, theo luật pháp quốc tế, tôi có quyền phối hợp với nước đó để bắt về. Có mà chạy đằng trời, trốn cũng không được. Đấu tranh phải quyết liệt”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Nếu Tổng bí thư đã viện dẫn luật pháp cho điều chỉnh về hành vi tham nhũng, thì ông cũng nên lưu ý luôn một nguyên tắc lý thuyết phổ quát, đó là khi hành vi tham nhũng được xác lập thì không thể có chuyện áp dụng nguyên tắc đạo đức là “thấy tay nhúng chàm rồi tốt nhất xin thôi”.

Hãy tuân thủ luật chơi chung toàn cầu

Với một tổ chức có tên Ban Phòng chống tham nhũng, tiêu cực trung ương, nơi được cho là giữ quyền lực tối cao trong quyết định về các vấn đề quan chức tham nhũng, cho thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tự cho mình quyền đứng trên pháp luật, và cả các công ước quốc tế liên quan về tham nhũng.

Xin nêu một vài dẫn chứng mang tính nguyên tắc với hy vọng trong thời gian tới nếu có các phát ngôn liên quan trên cương vị là Trưởng Ban Phòng chống tham nhũng, tiêu cực trung ương, ông Nguyễn Phú Trọng có những tiết chế trong phát ngôn phù hợp công ước quốc tế.

Đơn cử, Công ước Liên Hiệp Quốc Chống tham nhũng (tiếng Anh: United Nations Convention against Corruption; viết tắt: UNCAC) đã được thông qua tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 31-10-2003. Ngày 14/12/2005, Công ước có hiệu lực thi hành. Ngày 18-9-2009, Công ước này có hiệu lực thi hành đối với Việt Nam, có nghĩa kể từ thời điểm đó, Việt Nam tham gia vào khuôn khổ pháp lý toàn cầu cho sự hợp tác về phòng chống tham nhũng.

Công ước UNCAC quy định các quốc gia thành viên Công ước, trên cơ sở luật pháp quốc gia, áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng liên quan đến lĩnh vực tư, tăng cường các chuẩn mực kế toán, kiểm toán liên quan đến lĩnh vực tư; ban hành các chế tài dân sự, hành chính hoặc hình sự có hiệu lực đối với các hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, Công ước UNCAC không có hiệu lực áp dụng trực tiếp ở Việt Nam. Để thực thi Công ước UNCAC, đòi hỏi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành nội luật hóa, chuyển các quy định của Công ước UNCAC thành pháp luật thực định Việt Nam.

Đây chính là điều mà cơ quan lập pháp của Việt Nam phải có trách nhiệm thực thi, thay vì vấn đề lâu nay là ‘phụ thuộc’ vào các quyết định được đưa ra từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương, và Ban Phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương với người đứng đầu giữ quyền lực tối thượng là Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam.

Đừng ‘ngáo quyền lực’ Tổng bí thư

Có lẽ cũng vì người đứng đầu Ban Phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương không quan tâm đến vấn đề nội luật hóa như nêu trên, nên ông đã có nhầm lẫn khi rất nhiều lần phát biểu đầy tự tin là “nhưng trốn cũng không được đâu. Ta sẽ xử vắng mặt và tòa đã xử vắng mặt rồi. Khi anh không còn là công dân mà đã trở thành tội phạm thì các nước không có quyền chứa chấp. Khi đó, theo luật pháp quốc tế, tôi có quyền phối hợp với nước đó để bắt về. Có mà chạy đằng trời, trốn cũng không được. Đấu tranh phải quyết liệt”.

Lý do rất đơn giản mà sinh viên trường luật nào cũng biết, đó là lệnh truy nã đỏ không phải lệnh bắt giữ quốc tế, không ép buộc bất kỳ một quốc gia nào bắt giữ một cá nhân là đối tượng của lệnh truy nã đỏ. Do đó, việc bắt giữ, dẫn độ tội phạm phụ thuộc vào sự thiện chí của quốc gia thành viên.

Một lưu ý khác, khoản 1 Điều 32 Luật tương trợ tư pháp 2007 định nghĩa dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

Ngoài ra theo điểm a khoản 2 Điều 32 Luật tương trợ tư pháp 2007 quy định cho phép cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.

Trên nguyên tắc chủ quyền thì mọi quốc gia đều có thẩm quyền pháp lý đối với người dân trong biên giới. Do đó, việc dẫn độ cần phải tuân theo nguyên tắc, trình tự và nội dung đã thống nhất thỏa thuận trong: Hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam với nước đó; Hiệp ước tương trợ tư pháp về hình sự; Thỏa thuận giữa các quốc gia là thành viên của tổ chức Interpol.

Nôm na, các tuyên bố đầy tự tin nêu trên của Tổng bí thư phải chịu sự điều chỉnh của các nội dung về hiệp định dẫn độ, hiệp ước tương trợ tư pháp về hình sự.


Tin bài liên quan:

VNTB – Hòa Thân khi nhận án tử có lạy tạ cảm ơn hoàng đế Gia Khánh?

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì không đảm bảo ‘an toàn vật nuôi’ nên phải tiêu hủy!

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao tội phạm có chức vụ gia tăng?

Do Van Tien

1 comment

Công Tâm 14.05.2023 8:54 at 08:54

Với 1 cường quốc bắt cóc công dân xuyên biên giới thì quả thật là trốn đằng trời, trốn qua Đức vẫn bị bắt cóc về xử như thường! còn qua Thái Lan là chuyện nhỏ!

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo