VNTB – Nhân quyền Việt Nam bao giờ tường minh tin tức? 

VNTB – Nhân quyền Việt Nam bao giờ tường minh tin tức? 

 

Thới Bình 

 

(VNTB) – Truyền thông của Nhà nước Việt Nam hoàn toàn không đưa tin về việc trả tự do cho hai tù nhân trước thời hạn là ông Nguyễn Bắc Truyển và Mai Phan Lợi. 

 

Ngày 19-9-2023, một bài báo trên Reuters bất ngờ đưa tin là có ít nhất bốn nhà hoạt động xã hội dân sự đã được nhà nước Việt Nam buộc phải lưu vong nước ngoài. Reuters nêu hai danh tánh cụ thể là ông Nguyễn Bắc Truyển và ông Mai Phan Lợi. Người thứ ba được úp mở với gợi ý rất dễ nhận ra là luật sư Võ An Đôn. 

Tại Hoa Kỳ, dự kiến gia đình của luật sư Võ An Đôn sẽ được tái định cư theo chương trình tị nạn “Ưu tiên 1”. Nhân vật thứ ba là một giáo dân Công giáo Cồn Dầu bị đuổi khỏi nhà. 

Luật sư Võ An Đôn trong ngày 19/9 xác nhận với RFA, ông là một trong hai người được nhắc đến tuy nhiên ông vẫn đang ở tại quê nhà và chưa rõ thời điểm được xuất cảnh. Ông nói: “Hai ngày trước khi ông Tổng thống Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam, công an tỉnh Phú Yên có gọi điện thông báo cho tôi biết là Bộ Công an Việt Nam đã bỏ lệnh cấm xuất cảnh đối với tôi. Sau đó tôi gọi điện cho Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ ở TPHCM để nói về vấn đề này thì họ đang sắp xếp cho tôi và gia đình đi sang Mỹ.”

Điểm chung là hai nhà hoạt động vừa kể dù chưa bị cầm tù nhưng bị cấm rời khỏi Việt Nam. 

Phía Reuters không dẫn cụ thể quan chức nào trong chính phủ Hoa Kỳ, bài báo chỉ cho biết là “Việt Nam cũng đồng thời ký một thỏa thuận riêng nhằm đạt tiến bộ về tự do tôn giáo và về các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Việt Nam, về các điều kiện giam cầm và về luật lao động, một quan chức cho hay”. 

Reuters cũng dè dặt nhấn rõ rằng, “Reuters chưa được xem qua và cũng chưa được loan tin trước đây. Thoả thuận được ký kết khi Việt Nam đồng ý nâng cấp quan hệ ngoại giao với Washington lên vị thế ngoại giao tương tự như Trung Quốc và Nga, nhân chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden”. 

Tính cho đến hiện tại thì tình hình tự do ngôn luận, tự do biểu đạt niềm tin tôn giáo ở Việt Nam về cơ bản chưa thấy bước tiến triển nào.  

Đơn cử như mới đây khi báo chí và nhiều cá nhân nhà báo, học giả,… lên tiếng chỉ trích Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng cá nhân người đứng đầu Bộ này đã hành xử quá kém trước thảm họa nhân đạo đưa đến 56 người chết cháy đầy tức tưởi ngay giữa thủ đô, thì gần như lập tức thay vì tiếp thu những yếu kém được chỉ rõ đó, phía quan chức của Bộ này lại nhân danh bảo vệ Đảng để yêu cầu “phối hợp xử lý các tài khoản mạng xã hội đăng thông tin xuyên tạc”. 

Về liên quan đến quyền bày tỏ niềm tin tôn giáo, khá khó hiểu khi mới đây Bộ Nội vụ yêu cầu chính quyền địa phương thực hiện việc giải tán, thu hồi giấy phép đối với các nhóm sinh hoạt tôn giáo “Hội thánh Đức Chúa trời mẹ” tập trung, không để tổ chức này tái nhóm, hình thành các tụ điểm hoạt động mới. 

Khó hiểu vì ngay cả khi không phát hiện sai phạm hay vi phạm pháp luật gì thì vẫn “thu hồi giấy phép”. Văn bản này do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng ký ban hành. Theo đó, “Xử lý theo quy chế, kỷ luật của cơ quan, đơn vị, tổ chức đối với người tham gia đảm bảo đúng quy định của pháp luật”, văn bản của Bộ Nội vụ nêu rõ, và đề nghị các địa phương báo cáo kết quả, thông tin kịp thời những phát sinh phức tạp về Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) để phối hợp xử lý. 

Tín hiệu có phần cởi mở hơn đối với một số tổ chức tôn giáo nội sinh của miền Tây Nam bộ. 

Đơn cử mới đây tại An Bình tự, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Ánh Chức, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ trao Quyết định số 632/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc công nhận tổ chức tôn giáo đối với Phật hội Hiếu Nghĩa Tà Lơn cho Hội đồng Trị sự Phật hội Hiếu Nghĩa Tà Lơn. 

Đây là tôn giáo nội sinh do ông Nguyễn Ngọc An khai đạo vào năm 1915, tại tỉnh Kiên Giang. Ông Nguyễn Ngọc An là một cao đồ của Phật thầy Tây An.  

Phật hội Hiếu Nghĩa Tà Lơn hoạt động theo tôn chỉ, mục đích là “Đạo pháp, hiếu nghĩa, dân tộc, an bình, bác ái, từ tâm”. Có cơ cấu tổ chức gồm 02 cấp: cấp Trung ương là Hội đồng Trị sự và cấp cơ sở (tổ chức tôn giáo trực thuộc) là ban quản tự các chùa, am, cốc tại nhiều tỉnh, thành phố. 

___________

Tham khảo: 

https://www.reuters.com/world/vietnam-activists-seek-us-refuge-after-biden-administration-deal-us-officials-2023-09-18/


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar

    Điều đó chỉ xảy ra khi nào thể chế độc tài toàn trị do cướp chính quyền bị thay bằng thể chế chính trị do dân bầu chọn