VNTB – Thiên hạ luận: Nhân danh báo chí để làm trò chỉ điểm

VNTB – Thiên hạ luận: Nhân danh báo chí để làm trò chỉ điểm

Thúy An

 

(VNTB) – Vô cảm với người nghèo là sự khốn nạn khi nhân danh báo chí để làm trò chỉ điểm

 

Thực thi song song hai chỉ thị 10 và chỉ thị 16, nhiều hàng quán, xe ôm, vé số cũng như chợ tự phát phải ở TP.HCM buộc tạm dừng đóng cửa. Điều này không chỉ gây ra khó khăn cho người mua hàng mà còn ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống của những người mưu sinh bằng nghề buôn gánh bán bưng, lao động bình dân.

Một thông tin được đăng trên tờ báo điện tử ở TP.HCM với nội dung nói về những người dân với hành động buôn bán “chui” bất chấp lệnh cấm ở Bình Thạnh.

Theo ghi nhận, bài báo được đăng ngày 16-7, tuy nhiên, hình ảnh được chú thích là ngày 14-7 và đã được xác nhận một điều rằng “Trước đó, ngày 14-7, PV báo… ghi nhận tình trạng buôn bán chui xuất hiện ở khu vực này…”.

Xoay quanh phóng sự nói trên, một vài ý kiến cho rằng, nên “Chụp hình gửi “help 114” & phạt luôn cả người mua”. Một số ý kiến khác thì phản đối bình luận đó.

Chú đi canh rồi chụp đi chú ơi. Nhà chú giàu. Chú đâu biết cảnh người nghèo khổ đâu”, một facebooker tên M. chia sẻ trên mạng xã hội.

Hay như một bình luận khác đến từ facebooker tên T.: “Buôn bán nhỏ lẻ cho dân nghèo mà căng vậy”.

Tạp hóa nhỏ thường bán vòng vòng trong xóm sẽ giúp người dân hạn chế di chuyển. Không hiểu tại sao cấm. Mấy ổng lúng túng mà quên việc chống dịch chủ yếu là hạn chế tụ tập di chuyển”, một facebooker khác ý kiến về vấn đề này.

Thắc mắc về vấn đề tại sao buôn bán ở trước cửa nhà hay ngoài đường thì cấm, sẵn sàng ra quân để phạt, trong khi đó cảnh chen chúc, xếp hàng ở siêu thị thì lại được chính quyền chấp thuận, một facebooker tên H. chia sẻ “Bán như vậy thì cấm và phạt. Mà ra tất cả các siêu thị thì nối đuôi nhau mùa đồ thì được. Nhiều lúc bu đông như kiến tha mồi về tổ thì lại được. Trái ngược thật”.

Một ý kiến khác: “Cá nhân mình cũng thắc mắc như nhiều người. Theo mình thấy, một số cửa hàng hoặc siêu thị cũng đã từng lâm vào tình trạng giăng dây vì có ca nhiễm đi mua sắm ở đây. Chính quyền biết không? Mình nghĩ là biết. Vậy tại sao không để người dân buôn bán như bình thường đi. Người mua hàng sợ bệnh không? Tất nhiên là phải sợ, ai lại muốn vào bệnh viện hay khu cách ly tập trung? Họ sẽ biết cách mà phòng vệ, bảo vệ bản thân, đồng thời quy tắc 5K cũng phát huy trong những trường hợp này. Cho bán, người dân sẽ có thêm lựa chọn trong việc đi mua hàng. Chứ cứ khăng khăng không cho, dễ dẫn đến nghĩ lung tung lắm à nha”.

Một ý kiến khác từ ‘người trong ngành’ cho rằng vô cảm với người nghèo là sự khốn nạn khi nhân danh báo chí để làm trò chỉ điểm: “Cũng là một phóng viên, cũng từng thực hiện không ít phóng sự, cho nên mình biết ít nhiều nỗi niềm của người phóng viên. Tuy nhiên, theo mình thấy, trong thời gian này, có không ít đề tài để người phóng viên có thể làm, không nhất thiết vào chăm chăm vào vấn đề tạo thêm áp lực cho người dân.

Thực tế, không ít phóng viên của các báo đã lên tiếng, hỗ trợ cho người dân trong khó khăn của mùa dịch này. Ngày 16-7, bạn đi với đoàn công tác đi phạt, làm phóng sự, mình đồng ý. Có điều, ngày 14-7, bạn đã đi trước đó, chụp hình trước đó, nó giống như cái bằng chứng để cơ quan chức năng có thể phạt hoặc cảnh cáo người dân vậy. Bộ người dân chưa đủ cực, chưa đủ khổ hay sao mà còn làm vậy?”.

Ai cũng chén cơm manh áo – những người viết báo cũng là một nghề mưu sinh. Trong thời điểm này, đã không giúp cho người lao động bình dân vơi đi phần nào những khó khăn, cũng mong rằng, xin đừng “tiếp thêm” cái gánh nặng lên đôi vai người dân nữa.

Người dân đã khổ nhiều lắm rồi…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)