Đan Tâm
(VNTB) – Có hai sự kiện tưởng nhỏ nhưng đủ để khẳng định thêm một nguy nan lớn cho đảng CSVN
Bài 5: 2 sự kiện nhỏ thành nguy nan lớn
Một là, cuối tháng 10/2019, 39 thanh niên Việt Nam chết ngạt trong một xe đông lạnh tại Anh quốc trên đường nhập cảnh bất hợp pháp.
Họ đã bỏ ra một số tiền tương đương với tài sản của nhiều gia đình trung lưu Việt Nam cho một cuộc phiêu lưu rất hiểm nghèo mà nếu thành công chỉ cho phép họ rời bỏ đất nước Việt Nam để sống cuộc đời của những “người rơm”, nghĩa là những người không có một giá trị gì, kể cả sự hiện hữu hợp pháp, tại một nước khác. Vụ nầy làm cho “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín đảng và nhà nước CSVN đối với quốc tế ngày nay xuống thấp nhất, nếu không muốn nói là tiêu tan”. Đất nước lộng lẫy đến nỗi thanh niên phải liều mạng bỏ đi!
Hai là, năm 2020 đã bắt đầu với vụ Đồng Tâm.
Sự kiện Đồng Tâm xảy ra đêm 09/01/2020 đang phản ảnh tất cả các vấn nạn nội bộ của Đảng và Nhà nước CSVN về cơ chế vận hành chính sách và bộ máy nhân sự đầy bệnh tật, độc ác, vô trách nhiệm và bất tài. Hậu quả vụ việc Đồng Tâm đang làm cho tuyệt đại đa số đảng viên nhạt đảng phai đoàn, còn quần chúng ngoài đảng thì sôi sục lòng oán hận.
Sự cố này nói lên hiện tình của đất nước và chân dung của chế độ. Chế độ CSVN này tuy vẫn còn tiếp tục nhưng đã mất hết ý chí, lý tưởng và đạo đức, hơn nữa đã rã rời và kiệt quệ. Nguy cơ thực tế nầy ngày càng tác động sâu rộng lên toàn thể khối đảng viên của Đảng và Nhà Nước CSVN.
Vụ việc Đồng Tâm in đậm biểu tượng giữa tội ác và lương tâm trong lịch sử và chất vấn mọi người từ trong ĐCSVN đến ngoài xã hội, tương tự như vụ án ‘cánh đồng Nọc Nạn’ dưới thời thực dân Pháp. Đại bộ phận đảng viên tử tế của Đảng vì vậy mà nhạt đảng xa đoàn. Hơn nữa, khi ĐCSVN đem lực lượng công an lén lút ban đêm đến giết hại một đảng viên lão thành (cụ Lê Đình Kình, 58 tuổi đảng) hết lòng tin tưởng vào Đảng thì rõ ràng Đảng nầy đã xử sự y như Mafia.
Luật pháp của các chế độ độc tài toàn trị chỉ có nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ tính chính danh cho chế độ, bằng mọi giá. Công lý của chế độ toàn trị cũng bằng mọi phương thức nhằm “duy trì trật tự của xã hội” để tầng lớp cai trị tự do lộng hành. Nguyên tắc tồn tại của mọi chính thể toàn trị là dựa trên sự sợ hãi của dân chúng. Cai trị bằng bạo lực là cách duy nhất mà chế độ chuyên chế CSVN áp dụng.
Đảng cộng sản Việt Nam xét xử vụ án Đồng Tâm từ 07/09/2020 đến 10/09/2020 theo đúng bản chất đấu tố trước “tòa án nhân dân”. Không cần chờ đến hết phiên tòa xét xử với đủ thứ kịch tính giả tạo, bản án vụ Đồng Tâm đã được soạn thảo từ trước.
Phiên xử 29 nông dân Đồng Tâm trước tòa án Nhân Dân tại Hà Nội từ ngày 07 tới 10/09/2020 là một trò hề giả mạo công lý (travesty of justice) bằng công cụ khủng bố “Toà án Nhân dân” của ĐCSVN không hơn không kém so với trò khủng bố trong “cải cách ruộng đất” hồi năm 1956.
Kẻ giết người là công an CSVN đã lấy chiếc nón của mình đội lên đầu nạn nhân và xử nạn nhân về tội giết người! Bộ Công an đã lên kế hoạch 419A tấn công xã Đồng Tâm lúc 3 giờ sáng ngày 09/01/2020 có phối hợp qui mô với nhiều đơn vị chuyên ngành nhưng lại xét xử vu cáo cho 29 nạn nhân tội chuẩn bị kế hoạch tấn công lực lượng công an.
Tội do chính các lực lượng công an gây ra nhưng nạn nhân phải chịu trách nhiệm!
Một cách vô liêm sỉ, cái gọi là “Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội” của nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa lại tuyên xử hoàn toàn dựa vào những lời cáo buộc của công an, chứ không dựa trên cơ sở chứng cứ và thực nghiệm hiện trường, để tuyên 2 án tử hình cho 2 người con trai cụ Lê Đình Kình, một án chung thân và nhiều án tù cho người dân xã Đồng Tâm – Hà Nội.
Vụ tấn công vào dân và khủng bố bằng “tòa án nhân dân” nầy gây chấn động quốc tế và đang được ghi vào lịch sử như một vết nhơ của ĐCSVN.
Chỉ trong chế độ công an trị của ĐCSVN, tòa án mới có thể ngồi xổm lên các thủ tục tố tụng và ung dung dùng lời cáo buộc của kẻ giết người là công an làm chứng cứ tử hình nạn nhân. Nó thể hiện sự trâng tráo đến độ trơ trẽn của một chế độ “mạnh vì xạo, bạo vì xiềng”. Với các chế độ chuyên chế thì bạo lực là độc quyền và là cách mà nó duy trì sự tồn tại.
Vụ án Đồng Tâm đã chứng minh việc chế độ chuyên dùng bạo lực để hành xử với đảng viên trong nội bộ như một sự vụ nghiêm trọng với số lượng “bị cáo” rất đông và có sự đồng thuận có tổ chức. Con người có thể vì sợ hãi mà phải chạy trốn, nhưng cũng có thể vì sợ hãi mà liên kết với nhau để tự vệ, nhất là trước bạo quyền. Và sự liên kết đó là điều mọi chế độ chuyên chế rất sợ hãi.
Những ai còn hy vọng có thể tham gia cải thiện chế độ CSVN và chuyển hoá chế độ nầy thành dân chủ, cần xem xét vụ thảm sát Đồng Tâm lúc 3 giờ sáng ngày 09/01/2020 và phiên xử của “tòa án nhân dân” từ ngày 07 đến 10/09/2020 tại Hà Nội để có thể đoạn tuyệt với suy nghĩ đó.
Bản chất của các chế độ chuyên chế và toàn trị là không ngừng sa đọa bởi vì quyền lực đã bị tha hoá. Vụ án Đồng Tâm chỉ rõ Đảng ám sát một đảng viên lão thành với 58 tuổi đảng, 84 tuổi đời và hết lòng tin tưởng vào Đảng.
Hôm 16/09/2020, các tổ chức nhân quyền quốc tế và báo chí nước ngoài vừa lên tiếng chỉ trích chính quyền Hà Nội về bản án nặng nề đối với các nông dân tranh đấu vì quyền đất đai ở Đồng Tâm, đồng thời cảnh báo những bất ổn từ chính sách đất đai gây tranh cãi của Việt Nam.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), cho biết phiên tòa kết thúc hôm 14/9 không mang tính độc lập: “Nhà cầm quyền của Việt Nam đang dốc mọi nỗ lực để thể hiện bộ mặt cứng rắn nhất có thể. Bởi vì họ lo sợ rằng phản ứng bất chấp của cộng đồng Đồng Tâm có thể lây lan.”
Hãng tin Reuters dẫn lời bà Ming Yu Hah, Phó Giám đốc Đông Nam Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế gọi đây là “một phiên tòa bất công trắng trợn.” Tòa sơ thẩm ở Hà Nội ngày 14/9 đã tuyên hai án tử hình đối với hai bị cáo về tội “giết người” và các mức án từ 15 tháng tù treo đến chung thân đối với 27 người khác bị quy chụp là phạm tội “chống người thi hành công vụ” hoặc “giết người.”
Bài báo trên trang The Diplomat hôm 15/09/2020 của tác giả Sebastian Strangio nêu rõ “Nhà cầm quyền Việt Nam đã sử dụng phiên tòa Đồng Tâm để gửi đi một thông điệp cứng rắn”.
Nhận định rằng vụ án Đồng Tâm cho thấy những căng thẳng ngày càng gia tăng xung quanh vấn đề đất đai ở Việt Nam, ông Strangio viết: “Bản án cho thấy quyết tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc dập tắt bất kỳ sự khuấy động nào của tình trạng bất ổn nông dân.”
Tác giả Strangio lý giải: “Phần lớn vấn nạn này xuất phát từ sự mờ nhạt của lợi ích công và tư trong hệ thống hỗn hợp “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” của Việt Nam, nơi mà đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng nhà nước được quyền thu hồi hoặc tịch thu để phục vụ cho “mục đích chung.”
Theo ông, sự gia tăng các tranh chấp đất đai gần đây đặt ra một thách thức đặc biệt gai góc đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, vốn từng được nông dân ủng hộ đáng kể trong chặng đường cách mạng dài để cướp chính quyền 1930-1945.
Ông Strangio nhận định: “Trong khi đang chờ những cải cách đáng kể về hệ thống quản lý đất đai phức tạp của Việt Nam, tình hình có thể gây ra nhiều lo lắng và tuyệt vọng hơn: đó chính là sự phản kháng mạnh mẽ mà chính nghĩa cộng sản từng khơi dậy trước đây, sẽ quay đầu chống lại Đảng cầm quyền.”
Ông David Brown, một cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ và là một chuyên gia về Việt Nam, hôm 14/09/2020 viết trên trang Asia Sentinel cho rằng phản ứng tàn nhẫn của chính quyền CSVN đối với các cuộc đụng độ ở Đồng Tâm là “một nỗ lực để làm sạch” những vấn đề xảy ra vào tháng Giêng 2020, mà theo ông lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam đã “đồng tình trong việc che đậy những tội ác của công an khi cuộc đụng độ nổ ra khiến ba công an thiệt mạng” và phiên tòa vừa qua “chỉ là một phiên tòa trình diễn.”
Trong bài Vietnam’s Dong Tam Incident: the Curtain Falls (tạm dịch Vén bức màn vụ án Đồng Tâm), ông David Brown viết: “Ở Việt Nam ngày nay, những cuộc biểu tình phản đối bất công của nông dân là một câu chuyện quen thuộc. Ông Lê Đình Kình dường như đã thuyết phục chính mình, các con trai của ông, bạn bè và những người hàng xóm rằng công lý, chứ không phải là văn bản của pháp luật, luôn đứng về phía họ, dù với hậu quả bi thảm”.
Ông David Brown viết tiếp: “Trong học thuyết của Đảng CSVN và luật pháp cộng sản Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân và nhà nước nhân danh họ quản lý. Nếu nông dân kiên trì khẳng định quyền của họ đối với các mảnh đất khi đảng / nhà nước đã ra lệnh sử dụng nó vào mục đích khác, ngay cả khi họ chỉ khăng khăng đòi được trả những gì xứng đáng, họ có nguy cơ bị gắn mác “bạo loạn và khủng bố,” buộc phải bị loại bỏ, và trong những trường hợp muốn răn đe nêu gương, họ bị truy tố ”.
Vì vậy, Việt Nam cần một cuộc “cách mạng tư tưởng” bắt đầu từ trí thức và những người có hiểu biết. “Chế độ cộng sản chỉ có thể thay thế chứ không thể sửa chữa” là đúc kết cuối đời của cựu tổng thống đầu tiên và cuối cùng của Liên bang Xô Viết Mikhail Gorbachev.
Hai sự cố nhỏ này nói lên hiện tình lớn của đất nước và chân dung của chế độ.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả