VNTB -Việt Nam vẫn còn nợ quyền lập hội

VNTB -Việt Nam vẫn còn nợ quyền lập hội

Nguyễn Nam – Minh Hà

(VNTB) –  Dự kiến phải đến kỳ họp cuối cùng trong năm 2023, Quốc hội Việt Nam mới thảo luận công ước về quyền tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức. 

 

Hạ tuần tháng 2-2016, theo đề xuất của chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, một nhóm luật gia, nhà báo đã cùng chấp bút soạn thảo về dự án luật về quyền lập hội. Nội dung này được đăng tải lấy ý kiến trên trang Việt Nam Thời Báo.

Sau khi người đứng đầu Hội Nhà báo độc lập Việt Nam vướng vòng lao lý của cáo buộc theo điều luật hình sự 117, các tin tức liên quan về dự luật này gần như ít được nhắc đến.

Báo chí nhà nước Việt Nam cũng không có các tuyến bài liên quan về sự cần thiết của luật này trong bối cảnh những thỏa thuận FTA đang buộc Hà Nội phải thực hiện các cam kết về quyền chính trị của quyền lập hội.

Nhân thời sự ở hồ sơ xin thành lập Hiệp hội sản xuất Sâm Việt Nam, có ý kiến rằng trang Việt Nam Thời Báo nên “trở lại” với tuyến bài quyền chính trị về đa nguyên hội đoàn.

Trước mắt cho thấy với dự luật về quyền lập hội mà nhóm thân hữu trang Việt Nam Thời Báo từng soạn, và bản dự thảo luật về quyền lập hội của Bộ Nội vụ, ban biên tập trang Việt Nam Thời Báo xin được trở lại với tuyến bài chủ đề này, với bài đầu tiên là về 5 đề xuất cho đa nguyên hội, đoàn dân sự.

Thứ nhất: Về quyền lập hội của công dân.

Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Theo như Dự thảo, phạm vi điều chỉnh của Luật về hội là “quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội”.

Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh cần mở rộng hơn nữa, bao gồm cả quy định về quyền lập hội của công dân. Cần tiếp cận dưới góc độ quyền lập hội của công dân trước, như là một nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình quản lý nhà nước về hội.

Nếu phạm vi điều chỉnh mở rộng theo hướng này thì dự thảo cần thiết bổ sung một số điều để khẳng định và làm rõ hơn nữa nội dung về quyền lập hội của công dân.

Thứ hai: Về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội.

Dự thảo Luật về hội quy định 05 nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội bao gồm: 1) Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội; 2) Tự nguyện, tự quản; 3) Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; 4) Tự bảo đảm kinh phí hoạt động; 5) Không vì mục đích lợi nhuận.

Trong hệ thống nguyên tắc trên cần bổ sung thêm nguyên tắc: đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích của hội, hội viên, cộng đồng. Đây là một tư tưởng quan trọng để gắn kết các hội viên với nhau, các hội viên với hội và với cộng đồng.

Thực tế, nhiều hội đang hoạt động hợp pháp chưa thực hiện được nguyên tắc này nên các tôn chỉ mục đích của hội không được thực hiện đúng, xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo, không tôn trọng những công bố của hội…

Bổ sung thêm nguyên tắc trên cũng phù hợp về phương diện lý luận, bởi Dự thảo của Bộ Nội vụ định nghĩa về hội như sau: “Hội là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam có tôn chỉ, mục đích phù hợp quy định của pháp luật, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, đoàn kết, giúp đỡ nhau, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; góp phần phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

Thứ ba: Về thẩm quyền cấp giấy đăng ký thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, tạm đình chỉ, giải thể, đổi tên, công nhận điều lệ và chức danh người đứng đầu hội.

Nội dung của phần này chủ yếu phân cấp trong hệ thống hành chính nhà nước tương ứng với phạm vi hoạt động của hội.

Để tuân thủ đúng quy định của Hiến pháp năm 2013 về các cấp hành chính và đơn vị hành chính cần chuẩn hóa lại trong Dự thảo, đặc biệt cần bổ sung thêm thẩm quyền của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trong những lĩnh vực trên, hiện nay Dự thảo chưa đề cập tới.

Bổ sung tương tự với những quy định liên quan (như trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hội) đến cấp hành chính và đơn vị hành chính cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Thứ tư: Về các hành vi bị nghiêm cấm.

Cần bổ sung thêm hành vi gây khó khăn cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của hội để quyền lập hội của công dân được thông thoáng hơn, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của nhà nước, của cán bộ, công chức trong việc đảm bảo quyền tự do lập hội của công dân.

Thứ năm: Về điều kiện thành lập hội.

Dự thảo quy định có 6 điều kiện thành lập hội: 1) Tên; 2) Tôn chỉ mục đích; 3) Lĩnh vực hoạt động chính không được trùng lặp với lĩnh vực chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động; 4) Có điều lệ; 5) Có trụ sở; 6) Có đủ số người đăng ký tham gia.

Trong 6 điều kiện trên thì điều kiện thứ 3 cần xem xét thận trọng, vì quy định như trên thuận lợi cho nhà nước trong công tác quản lý hội theo lĩnh vực và tôn chỉ, mục đích; nhưng đây là quy định “đóng” đối với quyền tự do lập hội của công dân, thậm chí đi ngược lại với quyền này, trái với quy định về đảm bảo quyền lập hội.

Nếu công dân muốn thành lập hội trong lĩnh vực đó với những phương thức hoạt động khác, tôn chỉ mục đích khác, thành viên mới… thì không có quyền thành lập hội mới. Đó thực chất là hạn chế quyền lập hội của công dân, chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nước trong việc quản lý hội.

Nếu công dân không được thành lập hội mới vì lý do quy định ở điều kiện thứ 3 thì sẽ xảy ra tình trạng công dân chỉ có cách lựa chọn hội đã thành lập rồi hoặc không gia nhập hội đó. Như vậy, với điều kiện này sẽ hạn chế quyền tự do lập hội và tự do hội họp của công dân.

Nhìn tổng thể, việc thiết kế Dự luật về hội nên bao hàm ba cách tiếp cận mà Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền đặt ra, đó là: quyền thành lập hội; quyền gia nhập hội; quyền hoạt động và điều hành hội và quản lý nước về hội với những cho phép hoặc hạn chế nhất định mà nhà nước thấy cần thiết.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)